17/07/2021 11:39 GMT+7

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 2: Những bữa cơm không no

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Những đứa trẻ đường phố không nhớ ngày cuối cùng chúng được ăn đủ ba bữa cơm no là khi nào.

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 2: Những bữa cơm không no - Ảnh 1.

Minh háo hức ăn bát phở sau mấy ngày đói - Ảnh: TÂM LÊ

Hàng loạt công việc trẻ đang làm như bán kẹo, trà đá, kéo hàng ở chợ Long Biên, hay chạy bàn quán ăn, cà phê... bị dừng hoạt động khi dịch giã bùng phát.

Nhịn đói

Trước đây dù chỉ được vài chục ngàn đồng cho một ngày làm việc mệt nhọc, Lò Văn Minh vẫn có chút tiền để thuê chỗ trọ và ăn một, hai bữa cơm rẻ tiền. 

Nhưng 10 ngày nay, Minh không còn tiền trong túi, không có tiền về xóm trọ, cũng không còn tiền ăn. Cậu đành lấy cống ximăng làm "nhà" như nhiều trẻ khác ở gần bến xe Mỹ Đình, Hà Nội.

Khi gặp chúng tôi, Minh không có hạt cơm nào vào bụng. Lần no bụng nhất là khi Minh ăn ổ bánh mì của đoàn từ thiện, nhưng đã hơn một ngày trước. Mùa dịch nên các đoàn từ thiện không thể thường xuyên đi hỗ trợ trẻ vô gia cư, cơn đói của trẻ càng kéo dài.

Có người mách Minh đến các bệnh viện xin suất ăn, vì ở đó có nhiều đoàn từ thiện hơn như Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi. "Em không muốn đến vì suất ăn ở bệnh viện để dành cho người ốm" - Minh cho biết, hơn nữa mùa dịch các bệnh viện đang phong tỏa nên muốn vào, ra cũng không dễ.

Chúng tôi đã mời Minh ăn bữa trưa, cậu chỉ ước được ăn món phở nhưng hàng quán chỉ bán mang về. Cậu ăn vội vã, ngon lành, vẻ chưa tin tưởng người lạ. Chúng tôi nói Minh cứ ăn từ từ, nếu muốn có thể gọi tiếp nhưng cậu bé lắc đầu.

Minh sinh năm 2006, quê ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cha vào tù vì ma túy, mẹ đi lấy chồng khác, cậu và em trai ở cùng ông nội. 

Chán nản cảnh gia đình, Minh đón xe xuống Hà Nội để tìm cuộc sống mới với sự thôi thúc "đi cho biết". Nhưng cậu đã nhận ra thành phố "Có nhiều thứ em không thích, có người đáng sợ và đói".

Một năm ở Hà Nội, Minh đã làm qua các công việc bán kẹo, rửa bát, phụ bán nước. Có việc chỉ được trả vài chục ngàn một ngày, có việc chỉ được ăn và chỗ ngủ, không được trả tiền. 

Cậu không có chứng minh nhân dân, không có giấy tờ nào trong người. Khi nhân viên tổ chức bảo vệ trẻ em Rồng Xanh, Hà Nội mời Minh về trung tâm và đưa về quê gặp lại gia đình, cậu đã rụt rè từ chối.

"Nhiều trẻ đề phòng, vì các em đã từng bị lừa dối" - Hoàng Anh, một nhân viên của tổ chức Rồng Xanh, cho biết. Anh đưa cho Minh một ít tiền và số điện thoại liên lạc, hy vọng cậu sẽ sớm gọi lại mình. 

Đúng như hy vọng, vài ngày sau Hoàng Anh cho biết tin vui, Minh đã gọi và được tổ chức giúp đỡ đưa về quê với ông nội. Minh cũng được giúp làm chứng minh nhân dân, được hỗ trợ đi học nghề như mong ước nếu quyết tâm.

Nhân viên của tổ chức về trẻ em này cũng cho biết trước đợt dịch một số trẻ đã may mắn về được quê. 

Một số khác được tổ chức cứu trợ và những người chủ tốt bụng giúp đỡ. "Nhưng không nhiều trẻ may mắn được giúp đỡ như vậy, chúng tôi không nhanh bằng môi giới việc làm lừa đảo và kẻ biến thái".

Hoàng Anh hiểu đặc tính của trẻ thích tự do, không muốn bị quản lý trong tổ chức. Vì trẻ từng chịu nhiều tổn thương nên thiếu niềm tin, dễ oán hận và ngang bướng. Các em ở một môi trường xa lạ, không hiểu sự đời, hiểu người tốt kẻ xấu nên dễ bị lôi kéo.

Có trẻ chỉ cần vài chục ngàn đồng, một bữa ăn, được mượn điện thoại chơi game thì dễ dàng đi theo người giúp đỡ. Hoặc ai đó giới thiệu một công việc với "lương hấp dẫn" thì trẻ tin ngay, chỉ khi trải qua những lần bị lừa dối trẻ mới biết cách phòng bị.

"Cũng có trẻ đói quá không còn cách nào kiếm tiền, đành chấp nhận làm những công việc nặng nhọc ở công trường xây dựng, hoặc đi với kẻ biến thái, làm chân sai vặt, trộm cắp" - Hoàng Anh lo lắng vì trẻ cần thời gian mới tạo được niềm tin điều tốt, trong khi cái xấu dễ tiếp cận trẻ nhanh hơn.

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 2: Những bữa cơm không no - Ảnh 2.

Chỗ "tạm trú" của Đào Văn Hoàng dưới chân đường vành đai Hà Nội - Ảnh: TÂM LÊ

Cạm bẫy trên đường phố

Dưới chân cầu vành đai đoạn tới vườn ổi trên đường Phạm Hùng, chúng tôi gặp một cậu bé nằm trên tấm đệm rách đang ngủ mê mệt. Sau khi thuyết phục giúp đỡ, cậu bé đã khoác chiếc balô xẹp lép theo chúng tôi.

Cậu bé là Đào Văn Hoàng (nhân vật đã đổi tên) 16 tuổi, quê ở Lào Cai. Hoàng cho biết dịch nên không về quê kịp, phải ở lại xin việc làm nhưng chưa được. 

Hoàng đã ở Hà Nội nửa năm, từng làm phụ bàn tại quán cơm sinh viên ở Cầu Giấy. Dịch bệnh làm quán cơm đóng cửa nửa tháng. Tiền chủ trả được vài trăm ngàn, Hoàng đã tiêu gần hết.

"Hôm qua có anh xe ôm đưa em về nhà ngủ và hẹn sẽ xin việc làm cho em. Anh ấy đã cầm chứng minh thư của em, em đang đợi để lấy lại" - Hoàng cho biết.

Lúc chúng tôi đi bộ trên vỉa hè, mấy người chạy xe ôm đã rà lại gần Hoàng. Thực tế một số xe ôm này chính là môi giới việc làm, nhưng cũng có thể là kẻ biến thái đang tìm kiếm trẻ để lạm dụng.

Khi chúng tôi ngồi nghỉ chân, chưa đầy một tiếng đồng hồ, đã có tới bảy xe ôm dừng lại hỏi han. Có tài xế nói luôn số lương: "6 triệu một tháng, có đi không?". Có người nói: "Muốn đi làm thì đóng 100.000 đồng". Lại có tài xế sẵn sàng chở đi luôn đâu đó nếu Hoàng đồng ý.

Mỗi lần Hoàng lắc đầu từ chối, những xe ôm này tỏ ra bực bội và "ném" cho chúng tôi ánh mắt đầy đố kỵ như đã cướp mất "con mồi" của họ. 

Theo thông tin từ một bác xe ôm tốt bụng, những người chạy xe ôm làm môi giới lao động hay tìm trẻ khắp nơi. Họ sẽ tập trung chúng ở một nhà trọ nào đó. Khi các em được nhận việc làm thì tiền lương phải trích ra để trả tiền trọ và tiền ăn uống những ngày chờ việc.

Các công việc mà trẻ nhận được thường là làm tại các quán ăn hoặc ở ngoài công trường xây dựng. Nếu đồng ý đi làm, trẻ thường phải cam kết ba tháng mới được nhận lương. Chủ quán thường lấy lý do tiền đặt cọc, tiền đồng phục, tiền bồi thường làm hỏng đồ để giữ chân trẻ.

Nếu làm ngoài công trường thì họ lấy lý do nhà thầu chưa thanh toán để không trả lương hoặc trả rất ít và giữ giấy tờ của trẻ để các em không bỏ việc giữa chừng. Những thông tin này đúng với lời trẻ kể lại và nhân viên giúp đỡ trẻ đường phố của tổ chức Rồng Xanh xác nhận.

"Các em phải làm việc nặng nhọc như bốc gạch, ximăng ngoài công trường hay làm nhiều giờ liên tục trong các quán ăn. Tuổi nhỏ mà làm việc nặng thì cơ thể yếu ớt của các em làm sao chịu nổi!" - Hoàng Anh cho biết.

Nghe lời khuyên của chúng tôi, cậu bé Hoàng đã gọi điện cho xe ôm đang giữ giấy tờ. Rất may sau đó Hoàng nhận lại được chứng minh nhân dân của mình, em sẽ được tổ chức giúp trẻ đường phố hỗ trợ để có tiền về quê sớm. 

Nguy hiểm mà các em gặp phải nhưng khó nhận biết đó là ấu dâm, những kẻ bị gọi là "biến thái", chuyên đi tìm trẻ em nam để lạm dụng tình dục. "Càng nhiều trẻ ngủ ngoài đường đợt dịch, ấu dâm xuất hiện càng nhiều" - Hoàng Anh cho biết mình và các đồng nghiệp từng giải cứu nhiều trẻ thoát khỏi ấu dâm.

Hậu quả khi kẻ biến thái xâm hại trẻ, khiến các em không chỉ đau đớn về thể xác mà còn chấn động về tinh thần dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. 

Các em như tờ giấy trắng, giới tính hoàn toàn bình thường, các em đâu biết thế nào là cạm bẫy. Chỉ một đêm rủ trẻ về ngủ là những kẻ biến thái có thể đã hại trẻ.

Trẻ đường phố vốn chịu nhiều tổn thương tình cảm và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Nhiều em bị bỏ rơi, bị đối xử tệ bạc, bị bạo hành và phải chịu một tuổi thơ thiệt thòi. Các em muốn tìm chốn no ấm, bình yên, nào ngờ nhiều người tốt nhưng cũng không ít kẻ xấu...

******

Mỗi tối, người qua đường bên ga Hà Nội lại gặp cảnh người mẹ ôm hai con nhỏ ngồi sát vách tường mặc gió mưa, bụi bặm...

>> Kỳ tới: Sa bước không nhà

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 1:  Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 1: 'Nhà' cống

TTO - Dãy ống cống ximăng nhem nhuốc, tua tủa đầu sắt đen nhọn nhô ra ngoài, ấy thế mà là 'nhà' của trẻ vô gia cư trong mùa dịch. Chỗ nào có vài cái áo quần giăng phơi, cái chăn gối cũ nát hay vỏ gói mì tôm, chỗ đó có trẻ nghèo sa cơ.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên