TTCT - Vì "có ai từng tận mắt thấy vượn thành người đâu"? Phát ngôn từng gây tranh cãi của một quan chức giáo dục Ấn Độ cách đây 5 năm bỗng dưng mới lại khi thuyết tiến hóa bị loại khỏi sách giáo khoa đầu cấp III. Ảnh: Andrea Izzotti / Adobe StockTừ năm học 2023-2024, hàng triệu học sinh lớp 10 Ấn Độ sẽ không còn được học về thuyết tiến hóa của Darwin và cả bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học, khi các chương liên quan bị gỡ khỏi sách giáo khoa mới, theo quyết định của Hội đồng Nghiên cứu và đào tạo giáo dục quốc gia (NCERT).Vụ việc lập tức gây xôn xao dư luận cả trong nước lẫn quốc tế từ đầu tháng 6, khiến NCERT sau đó phải nói lại cho rõ là nội dung về thuyết tiến hóa hay bảng tuần hoàn vẫn sẽ được tích hợp dạy trong các môn khoa học khi học sinh lên lớp 11 và 12. Nhưng chừng ấy cũng không đủ xoa dịu dư luận. Trong 2 năm cuối cấp phổ thông, học sinh Ấn Độ sẽ được chọn môn học; những em không có định hướng theo đuổi nghề nghiệp cần đến kiến thức sinh, hóa tuyệt nhiên sẽ không gặp thuyết tiến hóa suốt thời học sinh.Các ý kiến chỉ trích NCERT cho rằng những kiến thức về thuyết tiến hóa của loài người một khi bị gạt ra ở lớp 10 không chỉ gây khó cho học sinh có ý định học chuyên sâu khoa học ở hai năm 11 và 12, mà còn tước đoạt quyền được biết của học sinh nước này với một lý thuyết mà giới thức giả xem như cốt lõi của khoa học hiện đại.NCERT đương nhiên có giải thích cho quyết định của mình, nhưng những cái cớ đưa ra - giảm tải chương trình và "lựa lúc thích hợp" để dạy các nội dung này cho học sinh - đều bị phe ủng hộ khoa học cho là thiếu sức thuyết phục. Tới nay, hơn 4.000 người đã ký vào đơn kiến nghị tập thể do Hiệp hội Khoa học đột phá, một tổ chức phi chính phủ, kêu gọi để yêu cầu đưa thuyết tiến hóa về lại sách giáo khoa. Trong đơn, họ khẳng định lý thuyết tiến hóa là một khái niệm trung tâm của sinh học. Học sinh sẽ hiểu được mối liên hệ giữa tất cả sự sống vô cùng đa dạng trên Trái đất. Loại bỏ lý thuyết tiến hóa có thể là một bước lùi.Nhìn rộng ra, đây có thể là cuộc đối đầu ý thức giữa quan niệm tôn giáo bảo thủ trong các chính khách tại Ấn Độ và lý thuyết khoa học. Một số diễn biến gần đây cho thấy cán cân đã nghiêng về bên nào.Trong đại dịch, một số tín đồ Hindu tin rằng phân, nước tiểu bò có thể chữa được bệnh. Không dừng lại ở đó, cuối tháng 5-2023, Bộ trưởng Thủy sản, Chăn nuôi và Sữa Parshottam Rupala tuyên bố "đã đến lúc nói với thế giới rằng phân và nước tiểu bò là thiêng liêng đối với con người và chứng minh điều đó một cách khoa học".Một ví dụ khác: Năm 2015, một bài tham luận tại Hội nghị Khoa học Ấn Độ tuyên bố một nhà tiên tri Ấn Độ cổ đại đã đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc chế tạo máy bay 7.000 năm trước. Cùng năm, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Harsh Vardhan nói rằng các nhà toán học Ấn Độ cổ đại đã phát hiện ra định lý Pitago, dù đến nay thế giới biết đây là công trình của người Hy Lạp. Cả Thủ tướng Narendra Modi cũng từng trích dẫn điển tích Hindu để chứng minh khoa học di truyền và phẫu thuật thẩm mỹ đã tồn tại ở Ấn Độ cổ đại. Thêm vào đó là phát ngôn năm 2018 về thuyết tiến hóa của Satyapal Singh, Quốc vụ khanh (Minister of State) phụ trách giáo dục bậc cao thuộc Bộ Phát triển nguồn nhân lực (nay là Bộ Giáo dục) Ấn Độ, như đã nói ở đầu bài.Nguyên văn phát biểu, theo tờ The Hindu: "Thuyết của Darwin (về sự tiến hóa của con người) là sai về mặt khoa học. Nó cần phải thay đổi trong chương trình giảng dạy ở trường và đại học. Kể từ khi con người được nhìn thấy trên Trái đất, họ đã sẵn là con người (...). Không ai, kể cả tổ tiên của chúng ta, bằng văn bản hay bằng miệng, nói rằng họ đã nhìn thấy một con vượn biến thành người (...). Không có cuốn sách nào chúng tôi đọc hay những câu chuyện do ông bà kể cho chúng tôi đề cập đến điều đó".Sau phát biểu dậy sóng này, 3 tổ chức khoa học lớn của Ấn Độ đã phát một tuyên bố chung ủng hộ thuyết tiến hóa và phản đối quan điểm của ông Satyapal Singh, truyền thông và giới khoa học quốc tế cũng chỉ trích rất nhiều. Nhưng có hề gì, hoạn lộ của Satyapal Singh vẫn không có gì trắc trở. Giờ ông vẫn là quốc vụ khanh, nhưng đã chuyển sang Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình, và đề xuất bỏ thuyết tiến hóa khỏi sách giáo khoa của ông đang được hiện thực hóa kia kìa. Tags: Học thuyết tiến hóaSách giáo khoaHọc sinh lớp 10Nguyên tố hóa họcThuyết tiến hóaẤn ĐỘHóa họcHọc sinhGiáo dụcKhoa học
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.