14/09/2011 06:30 GMT+7

Trẻ chưa được học kỹ cách làm người

PHI LONG - GIA MINH
PHI LONG - GIA MINH

TT - Buổi tọa đàm “Tội phạm đang trẻ hóa, vì đâu?” diễn ra sáng 13-9 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ có sự tham dự của một số cán bộ điều tra, viện kiểm sát, cán bộ trại giam, luật sư, nhà giáo, nhà xã hội học... Sau bài này, chúng tôi tạm khép lại diễn đàn này.

Read this on Tuoitrenews.vn

btaJwtvK.jpgPhóng to

Trung tá Nguyễn Nhật Thành (thứ hai từ phải) cho rằng phần lớn người trẻ phạm tội có hoàn cảnh na ná nhau - Ảnh: H.T.V.

Các vị khách mời đã cùng nhận định về nguyên nhân, thực trạng và giải pháp cho vấn nạn này.

Trách nhiệm từ gia đình tới xã hội

Trung tá Nguyễn Nhật Thành, đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội, Công an Q.1, TP.HCM, cho biết: chín tháng đầu năm 2011, Công an Q.1 bắt giữ 189 đối tượng phạm pháp hình sự, có 14 trường hợp dưới 18 tuổi, 73 trường hợp 18-30 tuổi, chiếm 75%.

Một điều đáng nói nữa là số đối tượng trẻ bị bắt có tiền án tiền sự rất nhiều, có người chỉ trên dưới 30 tuổi nhưng có tới 4-5 tiền án, chứng tỏ tội phạm không những trẻ hóa mà còn có hệ thống, lặp đi lặp lại, tội phạm trẻ cũng ngày càng hung hãn, không biết sợ.

Trung tá Thành cho biết phần lớn những người trẻ phạm tội có hoàn cảnh na ná nhau: cha mẹ hoặc chính bản thân không nghề nghiệp ổn định, gia đình tan vỡ hoặc không hạnh phúc. Thậm chí chính cha mẹ cũng là đối tượng hình sự nên hành vi của trẻ bị tiêm nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Q.3, TP.HCM - cho rằng kinh tế là yếu tố có tính chất nguồn cơn dẫn tới phạm tội trong giới trẻ. Theo ông, những người không có khả năng nhưng có nhu cầu vật chất cao có thể dẫn đến hành vi phạm tội để thỏa mãn mình. Sự phân hóa giàu nghèo, theo ông, cũng là nguyên nhân.

Mặt khác, về văn hóa, theo ông, chất văn hóa phương Đông đang giao thoa với văn hóa phương Tây, gây ra xung đột trong chính giới trẻ, họ muốn “tháo cũi sổ lồng”, tự khẳng định mình bằng những hành động hoặc đời sống khác với truyền thống, trong khi tính tự chủ không được như bạn trẻ phương Tây.

Ông Chung cũng cho rằng nhà nước chưa có sự quan tâm đúng mức tới thực trạng trẻ vị thành niên phạm tội. Việt Nam chưa có tòa án cho trẻ vị thành niên, chưa có chương trình đào tạo nắm bắt tâm lý của trẻ, thậm chí giam giữ trẻ phạm tội chung với người lớn khiến tình trạng lớn dạy nhỏ, nhỏ dạy nhỏ hơn khi ra ngoài lại trở thành đàn anh đàn chị.

Giải pháp căn cơ

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng giáo dục hiện nay nên chú trọng đến việc dạy học sinh làm người, dạy cách nói lời cảm ơn và xin lỗi chứ không nên quá chú trọng vào việc nhồi nhét kiến thức.

Từng tham gia bào chữa nhiều vụ án mà thủ phạm ở lứa tuổi còn trẻ, thậm chí còn đang học phổ thông, luật sư Trạch kể vụ án mình tham gia gần đây nhất là con của một tiến sĩ. “Không chỉ con nhà nghèo, thiếu học phạm tội mà cả con nhà giàu, có học”, ông nhận định.

Giảng viên xã hội học Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM) cũng đặt vấn đề về tính hiệu lực của pháp luật và việc mất công bằng trong việc xét xử cũng dễ dẫn tới tình trạng không tin và tự giải quyết bằng sức mạnh của cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Chung cho rằng gia đình, nhà trường không thể giải quyết tận gốc tình trạng tội phạm trẻ, có chăng chỉ là giải pháp tức thời. Cần phải có thiết chế xã hội đầy đủ, Quốc hội phải có chính sách, ban hành văn bản luật để đảm bảo sự phát triển trong tương lai xa.

Theo ông, cần thành lập ngành nghiên cứu tội phạm học để nghiên cứu, đề xuất cho Nhà nước chiến lược phát triển bền vững về con người, tránh sự lệch lạc nhận thức, dẫn tới tội phạm nói chung và tội phạm trẻ nói riêng gia tăng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

PHI LONG - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên