14/07/2020 09:38 GMT+7

Trẻ bị bạo hành, xâm hại: Báo cơ quan nào?

ÁI NHÂN - VŨ THỦY
ÁI NHÂN - VŨ THỦY

TTO - Thấy trẻ bị hành hạ, xâm hại có thể báo cơ quan nào? Bao lâu sau trẻ sẽ được hỗ trợ và sự việc được can thiệp, xử lý? Theo quy trình mới của TP.HCM, những vụ việc này có thể được xử lý nhanh sau 2-24 giờ nhận được tin báo.

Trẻ bị bạo hành, xâm hại: Báo cơ quan nào? - Ảnh 1.

Một tiết học về giáo dục giới tính cho trẻ của dự án “Lớn lên an toàn” - Ảnh: T.L.

Một clip lan truyền trên mạng ghi hình một người đàn ông bạo hành dã man bé gái 4 tuổi tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM. Vụ việc đã được các cơ quan liên quan tại địa phương vào cuộc can thiệp, xử lý cực nhanh.

Đây là một điển hình hiệu quả xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ theo quy trình mới.

Hỗ trợ, can thiệp, xử lý sau 2 - 24 giờ

Ngày 8-6, UBND TP đã ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn.

Theo đó, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc có thông tin về trẻ bị bạo lực, xâm hại đều phải thông báo ngay (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) cho 4 đầu mối gồm: UBND, công an cấp xã, đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em (111, 113, 1900.54.55.59, 1800.90.69) và cơ quan lao động - thương binh & xã hội các cấp.

Trong vòng hai giờ kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho chủ tịch UBND và trưởng ban bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã, đồng thời báo cáo nhanh về thường trực ban điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, huyện (phòng lao động - thương binh & xã hội) để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

Lúc này, chủ tịch UBND cấp xã và thường trực ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp ngay giấy giới thiệu cho cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm pháp y.

Trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận nạn nhân, bệnh viện, cơ sở y tế cung cấp kết quả khám, điều trị ban đầu của trẻ cho UBND cấp xã.

Trường hợp trẻ có dấu hiệu bị bạo lực (hành hạ, ngược đãi, đánh đập), xâm hại, xâm hại tình dục thì bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm thông tin nhanh nội dung vụ việc đến Sở Lao động - thương binh & xã hội hoặc cơ quan cấp giấy giới thiệu.

Tiếp đó, trong vòng tám giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ của bệnh viện, cơ sở y tế, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, chủ tịch UBND cấp xã gửi kiến nghị khởi tố đến công an quận, huyện để xem xét, xử lý. Trong vòng 12 giờ công an quận, huyện ra quyết định trưng cầu giám định, cử người đưa trẻ em đi giám định...

Về phía Trung tâm Pháp y TP có trách nhiệm cấp kết luận giám định trong hạn 5-7 ngày. Trong hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định, công an quận, huyện phải thông báo kết luận giám định cho người bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại và thực hiện tiếp các bước tố tụng.

Mọi thông tin liên quan đến trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đều phải bảo mật. Việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý phải kịp thời, nhanh chóng, phù hợp, vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trẻ bị bạo hành, xâm hại: Báo cơ quan nào? - Ảnh 2.

Trách nhiệm rõ ràng, rút ngắn tiến độ

Nói như ông Phạm Đình Nghinh - phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, với quy trình này, UBND cấp xã là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong công tác hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.

Thời hạn giải quyết cho từng bước cũng được quy định cụ thể và rút ngắn hơn so với quy định của luật hiện hành...

Còn ông Lê Viết Toàn - chủ tịch UBND phường Hiệp Tân, nơi xảy ra vụ cha dượng bạo hành trẻ - cho hay thực hiện theo quy trình của TP thì có thuận lợi là các cơ quan liên quan được quy định trách nhiệm rõ ràng và phối hợp nhịp nhàng.

"Ngay khi tìm ra địa điểm cư trú của người mẹ và cháu bé bị bạo hành trong clip, phường đã thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho cháu bé. Đồng thời chúng tôi đã có văn bản kiến nghị khởi tố kèm hồ sơ để Công an quận Tân Phú củng cố xử lý hình sự theo quy định..." - ông Toàn nói thêm.

Bà Trần Thị Kim Thanh, trưởng phòng chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết sở và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý về thực hiện quy trình, đồng thời tuyên truyền rộng rãi để người dân biết đến các thông tin liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em, nơi trình báo, các đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết các vụ việc...

Nỗi đau, đừng bắt trẻ phải kể lại nhiều lần

Đầu năm 2020, khi tham gia đoàn giám sát của Quốc hội, tôi cũng đề xuất thí điểm mô hình Một điểm dừng với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đây là mô hình rất hay, có rất nhiều ưu điểm về bảo vệ trẻ em mà Hàn Quốc và một số quốc gia đã thực hiện.

Đó là khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại, xâm hại tình dục thì chỉ cần đến một địa điểm được tổ chức là đầu mối để thực hiện tất cả các khâu của quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý.

Khi xác định có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại thì cha mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ đưa trẻ đến địa điểm này. Tại đây có đầy đủ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham gia như: luật sư, hội phụ nữ, ủy ban phường, cơ quan công an, pháp y...

Khi bị xâm hại tình dục, trẻ thường vô cùng hoảng loạn, khiếp sợ khi nghĩ đến, nhắc đến sự việc.

Theo quy trình hiện nay, trẻ phải làm việc với cơ quan công an khi xác minh vụ việc, rồi cơ quan pháp y khi giám định, rồi tiếp tục làm việc với cơ quan công an lấy lời khai khi điều tra... Như thế trẻ phải nhớ lại, nhắc lại nhiều lần chuyện đau lòng, khủng khiếp mà trẻ phải chịu đựng.

Nếu áp dụng mô hình Một điểm dừng, các cơ quan có trách nhiệm cùng ngồi lại với trẻ, một lần thôi, lấy lời khai, quay phim, ghi âm lại để dùng làm chứng cứ xử lý... Như thế sẽ bảo vệ tốt hơn cho trẻ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ
(chi hội trưởng Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM)

* Ông PHAN ĐÌNH AN (chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp):

Tuyên truyền quy trình đến từng khu dân cư

Ngay khi TP ban hành quy chế phối hợp, phường chúng tôi triển khai, tuyên truyền ngay. Phường 6 là một trong những đơn vị tham gia dự án của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI: Save The Children) nên có nhiều thuận lợi khi được hỗ trợ kinh phí, tập huấn cho người làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Phường tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức (ví dụ lập Câu lạc bộ Làm cha mẹ tốt). Chúng tôi cố gắng tiếp cận các trường hợp ít có điều kiện như khu dân cư, khu nhà trọ, tổ công nhân tự quản...

Phường chú trọng triển khai phối hợp tuyên truyền đến các trường học trên địa bàn, đến từng phụ huynh, học sinh.

Chúng tôi từng ghi nhận thông tin trình báo hai vụ việc liên quan xâm hại trẻ. Một trường hợp trình báo trẻ bị xâm hại ở tiệm photocopy và một vụ học sinh tố cáo bị xâm hại trong nhà vệ sinh ở một trường học.

Hai trường hợp này phường đã triển khai các bước hỗ trợ, can thiệp. Tuy nhiên, cả hai trường hợp đó cơ quan công an xác định không đủ cơ sở để xử lý hình sự.

* Bà NGUYỄN NGỌC THẮM (phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân):

Từng phụ huynh phải nắm rõ quy trình

Ngay sau khi TP ban hành quy trình, phường chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức tập huấn cho 19 khu phố, 188 tổ dân phố. Trong đó lưu tâm việc tập huấn cho đối tượng giáo viên, thường mời chuyên gia tâm lý, giáo dục về tập huấn.

Là địa bàn đông dân (nhất là công nhân), phường thường quan tâm trẻ em bằng các cách tạo điều kiện để trẻ được đến trường. Phường tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn cho phụ huynh cách chăm sóc con em mình, nhất là đối với phụ huynh có con trong độ tuổi 6-16 tuổi.

'Giá bà ngoại bé 3 tuổi bị bạo hành đến chết biết đến Tổng đài 111'

TTO - Nhắc lại câu chuyện cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội bị chính mẹ đẻ, bố dượng bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm, cục trưởng Đặng Hoa Nam chia sẻ "giá như bà ngoại cháu bé, hàng xóm biết đến số Tổng đài 111".

ÁI NHÂN - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên