Chung cư Trúc Giang (Q. 4, TP.HCM) xuống cấp nặng - Ảnh: THANH YẾN
Theo mục tiêu TP.HCM đặt ra, đến năm 2020 sẽ xây mới 237 chung cư xây dựng từ trước năm 1975 (50% trong số 474 chung cư cũ). Nhưng đến cuối năm 2018, Sở Xây dựng cho biết mới hoàn thành được 24% mục tiêu này.
Phương án duy nhất
Giữa tháng 1-2019, người dân chung cư Trúc Giang (P.13, Q.4) bỏ phiếu chọn chủ đầu tư xây mới chung cư này. Chỉ có một doanh nghiệp trình bày một phương án xây mới chung cư và hướng bồi thường, tái định cư cho người dân.
Theo đó, người dân được bố trí tái định cư tại chỗ; 1m2 nhà cũ sẽ được tái định cư bằng 1,1m2 nhà mới xây; tái định cư từ tầng 5 đến tầng 10 ở chung cư mới. Trường hợp không có nhu cầu ở chung cư sẽ bán lại cho chủ đầu tư giá 27,5 triệu đồng/m2...
Theo UBND Q.4, ban đầu có nhiều nhà đầu tư làm phương án tham gia xây mới chung cư Trúc Giang. Tuy nhiên, có chủ đầu tư muốn tăng thêm tầng lên cao (thành 32 tầng) quá chỉ tiêu quy hoạch, hoặc có chủ đầu tư chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch nhưng lại đề xuất quận phải hỗ trợ thêm khoảng 40 tỉ đồng nên quận không đồng ý. Vì vậy, cuối cùng chỉ còn một chủ đầu tư có phương án tương đối ổn định "ra mắt" người dân ở chung cư.
Ông Lê Hoàng Hùng, một người dân ở chung cư Trúc Giang, cho biết chung cư hư hỏng cấp nguy hiểm nên người dân mong sớm được xây mới, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn. Ví dụ như chủ đầu tư chưa công bố giá bán diện tích tăng thêm ngoài quy định. Chẳng hạn như người có nhà cũ 25m2 nhưng muốn mua căn hộ mới diện tích 57m2 thì giá bán ra sao? Hay người dân muốn được bố trí chỗ tạm cư trong thời gian chờ xây chung cư, chứ không nhận tiền tự lo chỗ ở có được không?...
Trần chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) nứt nẻ, bong tróc - Ảnh: THANH YẾN
Làm lại từ đầu sau... 10 năm!
Cũng trên địa bàn Q.4, chung cư Vĩnh Hội đã cũ kỹ không kém chung cư Trúc Giang. Tại chung cư này, người dân quá quen với những mảng trần bêtông loang lổ vết bong tróc, lòi cả sắt thép bên trong, những cột bêtông ở hành lang lung lay, chằng chịt vết nứt nẻ hay cả chuyện trong nhà bị thấm, dột, nước chảy tong tỏng từ trần nhà xuống... Thế nhưng, việc xây mới các lô chung cư Vĩnh Hội A, B, C bị giậm chân tại chỗ từ 10 năm qua.
Ba lô A, B, C của chung cư Vĩnh Hội đã được UBND TP cấp chứng nhận đầu tư cho một công ty bất động sản từ tháng 6-2008, nhưng chủ đầu tư chỉ làm một vài thủ tục ban đầu rồi im lặng nhiều năm liền.
Từ năm 2016, UBND Q.4 đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến cuối năm 2018, UBND TP mới chính thức thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án.
Từ thời điểm này, Q.4 ra thông báo kêu gọi nhà đầu tư cho ba lô chung cư Vĩnh Hội A, B, C. Như vậy, việc xây mới ba lô chung cư này sau 10 năm làm thủ tục đã trở lại vạch xuất phát ban đầu!
Tại Q.3, ông Đỗ Minh Long, trưởng Phòng quản lý đô thị quận, cho biết các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch kêu gọi đầu tư xây mới cụm chung cư Nguyễn Thiện Thuật từ 10 năm trước.
Ban đầu cũng có doanh nghiệp đăng ký làm dự án, nhưng sau đó không thực hiện được. UBND Q.3 cũng ưu tiên cho doanh nghiệp nhiều phương án linh hoạt khi xây mới chung cư này, nhưng đến nay cụm chung cư này vẫn chưa có chủ đầu tư.
Còn nhiều cái khó
Nhiều người trong cuộc cho rằng tiến độ thực hiện các dự án xây mới chung cư cũ chậm chạp là do thủ tục còn qua nhiều bước. Một doanh nghiệp cho biết đã trình UBND TP phương án xây mới một cụm chung cư cũ từ cuối năm 2017, nhưng đến cuối năm 2018 vẫn chưa có phản hồi từ các cơ quan chức năng.
Còn đại diện UBND Q.4 cho biết tại chung cư 6bis Nguyễn Tất Thành, quận đã tổ chức 5 lần hội nghị nhà chung cư nhưng không thống nhất được phương án chọn nhà đầu tư, vì có hai nhà đầu tư cùng có mong muốn tham gia dự án xây mới chung cư này nên phải đưa ra đấu thầu.
"Hiện chưa có hướng dẫn về việc đấu thầu chọn chủ đầu tư cho dự án xây dựng mới chung cư cũ vì các dự án này có một số ưu đãi so với dự án bình thường. Sở Xây dựng cho biết đang chờ Bộ Xây dựng hướng dẫn nên việc chọn chủ đầu tư của dự án này cũng đang... chờ" - đại diện UBND Q.4 cho biết.
Tại Q.3, có 13 chung cư cũ có diện tích dưới 500m2, nhưng số lượng hộ dân lớn, vị trí không thuận lợi nên cũng khó tìm được nhà đầu tư. Ông Đỗ Minh Long cho biết cụm chung cư Nguyễn Thiện Thuật không có mặt tiền đường và số lượng hộ dân quá lớn (hơn 1.800 hộ) nên cũng rất "kén" nhà đầu tư.
Kết hợp dự án xây mới chung cư cũ với dự án khác
Để giải quyết những khó khăn trong xây mới chung cư cũ, UBND Q.3 đã kiến nghị và được UBND TP đồng ý phương án kết hợp giữa các dự án xây mới chung cư cũ với các dự án dân cư khác.
Ví dụ như 9 lô chung cư cũ có diện tích nhỏ thì được phối hợp với dự án xây dựng khu dân cư, trung tâm thương mại Lê Văn Sĩ. Các chung cư cũ có diện tích nhỏ khác cũng được kết hợp với dự án xây mới chung cư Nguyễn Thiện Thuật.
Các chung cư cũ có diện tích nhỏ sau khi tháo dỡ sẽ xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, còn người dân sẽ được tái định cư tại các dự án có dân cư như khu dân cư Lê Văn Sĩ hoặc tại dự án chung cư Nguyễn Thiện Thuật mới.
Lãnh đạo một quận nội thành cho rằng theo quy định, việc xây mới các chung cư cũ có kết quả kiểm định cấp B, C phải có 100% các chủ sở hữu đồng ý. Tỉ lệ này rất khó đạt được nên gây khó khăn cho chính quyền và cả doanh nghiệp tham gia dự án xây mới chung cư cũ.
Vị này kiến nghị với các chung cư cũ có kết quả kiểm định chất lượng chung cư cấp B, C thì chỉ cần 70% các chủ sở hữu đồng ý xây mới là UBND quận được phép tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng để xây công trình mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận