Sau nhiều tháng khiếu nại ròng rã, một số khách hàng nộp đơn sau ngày 30-4 đã được Công ty Manulife Việt Nam gọi điện đặt lịch hẹn gặp trực tiếp vào tháng 11.
Tháng 11 Manulife Việt Nam sẽ gặp trực tiếp một số khách hàng khiếu nại
Trầy trật khiếu nại, chờ kết quả cuộc đối chất với Manulife vào tháng 11-2023
"Mỗi lần cầm đồng lương nhận được từ việc rửa chén thuê, rồi nghĩ tới số tiền đã bị dính vào bảo hiểm, tôi chỉ biết bật khóc", bà Vũ Thị Nhường (53 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) nghẹn ngào.
Bà Nhường cho biết giữa năm 2021 bà tới Ngân hàng SCB và được tư vấn chuyển hơn 100 triệu vào bảo hiểm nhân thọ của Manulife. Nội dung trong giấy nộp tiền cũng ghi là "thanh toan hd dau tu nam dau tien...", khiến bà càng tin tưởng đã chuyển tiền để đầu tư.
Năm tiếp theo bà đóng thêm, nâng tổng số lên hơn 200 triệu. "Đó là khoản tiền cả một đời lam lũ của gia đình tôi", bà Nhường nói.
Mãi tới tháng 5-2023 bà mới tá hỏa phát hiện thực chất đã mua bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải gửi tiết kiệm hay đầu tư như vẫn lầm tưởng.
Không đủ khả năng duy trì hợp đồng, đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền tích góp hàng chục năm của hai vợ chồng, bà Nhường trầy trật khiếu nại 5 tháng liền, gần đây mới được công ty bảo hiểm đặt lịch hẹn giữa tháng 11.
"Cách xử lý quá tệ. Đề nghị công ty phải giải quyết thỏa đáng cho khách hàng", bà Nhường chia sẻ.
Cũng vừa được đặt lịch hẹn đối chất, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyến (ngụ quận 10, TP.HCM) cho biết: "Hợp đồng bảo hiểm của tôi có rất nhiều thông tin bất thường, nhưng Manulife vẫn bác bỏ. Tôi còn dính gần 100 triệu, số tiền rất lớn, hai con đang tuổi ăn học. Nếu sau buổi đối chất mà công ty tiếp tục xử lý không thỏa đáng tôi sẽ khiếu nại tới cùng".
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ Online, phía doanh nghiệp chia sẻ: "Với mọi khiếu nại của khách hàng, Manulife Việt Nam luôn áp dụng một quy trình đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý và thấu đáo cho tất cả các bên liên quan".
Cả thị trường bảo hiểm đang nhìn cách Manulife xử lý khiếu nại
Cuộc khủng hoảng không chỉ bủa vây Manulife suốt một năm nay, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nửa đầu năm nay có xấp xỉ hơn 1 triệu hợp đồng được khai thác mới, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính của Manulife cũng cho thấy doanh thu phí khai thác mới cũng bị giảm tới 58%.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán (thành viên Hội Luật gia Việt Nam) nhìn nhận: "Khi xảy ra khủng hoảng niềm tin, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải xử lý thận trọng. Người dân đang nhìn vào cách xử lý của một doanh nghiệp bảo hiểm lớn, nếu đưa ra quyết định sai lầm thì không chỉ bản thân doanh nghiệp, mà có thể khiến cả thị trường bảo hiểm bị "lãnh đạn", kể cả những người làm đúng cũng bị "ăn đòn" oan".
Theo đó, công ty bảo hiểm có thể cử một đội ngũ nhân sự đủ lớn để xử lý bài bản toàn bộ khiếu nại; phải mở rộng cửa tiếp nhận đơn, lập quỹ dự phòng để chi trả cho các trường hợp khiếu nại hợp lý, chứ không thể chốt sổ và chỉ giải quyết cho vài nhóm rồi thôi.
"Khủng hoảng niềm tin đang diễn ra cũng là bài học để các công ty bảo hiểm có ứng xử phù hợp, lường trước rủi ro khi ký kết hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng", ông Đán cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận