Đại biểu phát biểu tạo hội nghị sáng 14-4 - Ảnh: M.G |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Chúng ta cần giải quyết triệt để những vấn đề đang tồn tại (chất lượng, quy mô, tính bền vững) mà nhiều người chưa ý thức, thậm chí còn nghi ngờ để phát triển hệ thống một cách bền vững, chất lượng đào tạo ngày một được nâng cao.
Cả nước hiện có 60 trường ĐH ngoài công lập, quy mô đào tạo chiếm 13,6% quy mô đào tạo ĐH. Con số này thấp hơn nhiều mục tiêu đến năm 2020, 40% sinh viên học tập trong các trường ĐH NCL.
Bà Phạm Thị Huyền, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường ĐH NCL, đã báo cáo kết quả nghiên cứu sau khi khảo sát trực tiếp tại 59 trường. Có thể thấy, mặc dù đạt được nhiều thành quả nhất định nhưng về tổng thể, hệ thống ĐH NCL vẫn còn nhiếu hạn chế.
Về đội ngũ, vẫn còn một lượng lớn giảng viên có trình độ cử nhân.
Về cơ sở vật chất, vẫn còn một số trường có quá nhiều cơ sở, diện tích cơ sở nhỏ. Đến nay vẫn còn 12 trường thuê mướn 100% cơ sở đào tạo. Đáng chú ý là 5 trường trong số này đã hoạt động trên 20 năm.
Nguồn lực tài chính của các trường ĐH NCL còn hạn chế. Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường, chiếm trên 61,17% tổng thu. Chi chủ yếu cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường như trả lương cho cán bộ nhân viên, chi phí điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất đã chiếm tới hơn 59%.
Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường ĐH NCL chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Vấn đề cũng hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Công tác tuyển sinh của các trường gặp khó khăn tại tất cả các hệ đào tạo một phần do cơ chế, chính sách tuyển sinh, một phần do địa điểm xây dựng trường ở một số địa phương và một phần do uy tín và các điều kiện học tập của trường chưa đủ hấp dẫn để thu hút người học dẫn đến việc không tuyển đủ sinh viên về số lượng và chất lượng làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, đào tạo và NCKH.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa cập nhật kịp với xu thế phát triển của thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Rất nhiều ý kiến từ phía các trường đòi các chính sách của nhà nước phải bình đẳng công tư trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, các chính sách về tuyển sinh, đào tạo, đấu thầu nghiên cứu khoa học.
Một vấn đề được nhiều đại biểu ý kiến đó là việc Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng có hướng dẫn để các trường ĐH dân lập chuyển sang trường tư thục không vì lợi nhuận.
Theo qui định hiện nay, các trường dân lập phải chuyển sang trường tư thục (xác định cổ phần, tỷ lệ vốn góp) sau đó mới được chuyển tiếp sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Đây là điều vướng mắc khiến nhiều trường chưa thể chuyển sang loại hình tư thục.
Cả nước hiện còn 8 trường ĐH chưa chuyển sang loại hình tư thục, trong đó có 3 trường đề nghị chuyển thẳng từ dân lập sang tư thục không vì lợi nhuận nhưng Bộ GD-ĐT chưa đồng ý.
GS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng - cho hay trường ông từng ba lần gửi hồ sơ chuyển đổi từ dân lập sang tư thục không vì lợi nhuận nhưng chưa được đồng ý.
“98% số người góp vốn chiếm tỷ lệ 86,45 vốn điều lệ của trường đồng ý chuyển sang trường tư thục không vì lợi nhuận thế nhưng khi làm hồ sơ chuyển đổi Bộ GD-ĐT lại không duyệt vì theo qui định phải chuyển sang trường tư thục trước.
Đây là điều phi lý, lẽ ra thành lập trường tư vì lợi nhuận phải khó khăn hơn không vì lội nhuận mới phải, đằng này thì ngược lại. Chúng tôi có 150 tỷ, 15ha đất, muốn đóng góp cho xã hội vậy mà hơn 10 năm nay bị vướng chính sách mà chưa thực hiện được" - ông Nghị bức xúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận