TTCT - Những phản ứng từ Nga - một siêu cường cũ đang muốn tìm lại vị thế, và Trung Quốc - một siêu cường đang trỗi dậy, với Hội nghị an ninh Munich 2017 có phải đang báo hiệu một trật tự thế giới mới đã hình thành phía chân trời? Ảnh chế trên The New York Times, hình dung một cục diện “Yalta mới” (2017) với lời bình: "Chỉ quan tâm đến quyền lực của mình". Ngay sau MSC 2017, trên truyền thông Trung Quốc và Nga đã xuất hiện những lời gửi gắm kèm theo “điều kiện sách” cho siêu cường hiện tại - Hoa Kỳ - lẫn đồng minh châu Âu nay đã “dáo dát bay” của họ. Russia Today ngày 20-2 chạy tựa ngạo nghễ: “Một chục năm sau vụ Putin làm rung chuyển Munich, ông Lavrov nói khái niệm “hậu - phương Tây” giờ là một chuyện thời thượng ở Matxcơva”. Trên China Daily cùng ngày cũng là thái độ ngạo mạn không kém: “Đe dọa chiến tranh thương mại chỉ làm hại nước Mỹ mà thôi”. Hai tít báo trên có thể tóm tắt tình hình cán cân quyền lực thế giới ngày nay, vào lúc mà ở Mỹ tân Tổng thống Donald Trump đưa ra một chính sách đối ngoại hoàn toàn mới: cương lĩnh “Nước Mỹ trên hết”. Nhưng nước Mỹ - cảnh sát toàn cầu bấy lâu nay - sẽ không thể tách rời họ khỏi thế giới mà họ đang tồn tại. Hôm 9-1, Paul Roderick Gregory của Viện Hoover, Đại học Stanford, một chuyên gia về kinh tế học và Nga, đã muốn can gián ông Trump với bài viết “Tại sao Nga không thể trở thành bạn của chúng ta: bản ghi nhớ gửi ông Trump”. “Ông Trump sẽ đối diện ông Putin mà có rất ít khả năng xoay trở. Ông Trump có thể ngỡ rằng ông đang có trong tay những lá bài lớn nút còn ông Putin thì yếu thế hơn” - tác giả Gregory viết, nhưng trên thực tế chính ông Putin mới đang nắm những quân bài tẩy khi ông thực sự là người quyền lực nhất của nước Nga, còn ông Trump phải “làm việc” với các đồng minh đang bị xé toạc bởi sự xung đột lợi ích và đầy chia rẽ. Quả thật, trong khi ở Nga dân tình vẫn cứ im ru, thậm chí tán thưởng ông Putin thì ông Trump vừa “lên ngôi” đã bị chống đối, trên đường phố, trong tòa án, các chính quyền tiểu bang, trên truyền thông và thậm chí là từ trong chính nội các của ông. Hậu quả là tỉ lệ tán thành ông ở tháng thứ nhất chỉ là 39% so với tỉ lệ bất đồng 56%, một kỷ lục buồn. Không chỉ trong nội bộ, xã hội Mỹ đang chia rẽ chưa từng thấy, cả cái được gọi là thế giới “dưới sự lãnh đạo của nước Mỹ” cũng đang tan đàn xẻ nghé. Trước khi sang Munich, ở Brussels Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã trấn an EU rằng ông - thay mặt Tổng thống Trump - tiếp tục cam kết mạnh mẽ với EU rằng “mặc cho các khác biệt, hai lục địa này vẫn cùng chia sẻ một di sản, các giá trị chung, và trên tất cả chia sẻ mục đích thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng qua tự do, dân chủ và pháp quyền”. Nhưng đáp từ của Chủ tịch Ủy ban EU Donald Tusk không được vồn vã lắm: “Tôi đã được nghe những lời nói hứa hẹn tương lai, rất nhiều lời giải thích về cách tiếp cận mới của Washington... Song, tôi cũng đã được nghe quá nhiều ý kiến... về quan hệ giữa chúng ta và nền an ninh chung, và đôi khi đó là những ý kiến gây hoang mang để chúng tôi có thể cho rằng mọi việc vẫn cứ như trước đây”. Ông Tusk cũng giải thích rõ EU chẳng muốn gì khác ngoài việc “trông cậy một Hoa Kỳ toàn tâm toàn ý y hệt trong quá khứ. Tôi nhắc lại toàn tâm, toàn ý, không mơ hồ gì cả trong việc hậu thuẫn ý tưởng một châu Âu hợp nhất, hậu thuẫn ý nghĩ NATO không lỗi thời. (Do lẽ) thế giới sẽ xấu đi nếu như châu Âu không còn hợp nhất. Cũng như các giá trị gắn với tổ chức này không hề lỗi thời”. Ông cho rằng đó là vấn đề giá trị: “Cả người châu Âu lẫn người Mỹ cần thực hành những gì (chúng ta) rao giảng”. Ngược lại, Nga cũng đang coi NATO và EU là mối đe dọa sinh tử với họ. Bài báo đăng trên RT 20-2 “ôn cố tri tân”: “Một chục năm trước sau cuộc chiến tranh Iraq, Vladimir Putin đã đứng lên ở Munich và có một bài phát biểu mang tính bước ngoặt, trong đó ông đả kích các nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một trật tự thế giới đơn cực. Đặc biệt, Tổng thống Nga đã phát biểu rất ư là rõ ràng làm thế nào mà việc NATO mở rộng lại được Matxcơva xem là “sự khiêu khích nghiêm trọng”. Kết quả là những ai chịu hiểu bài phát biểu đó đã chẳng lấy làm ngạc nhiên trước những nỗ lực của điện Kremlin nhằm đẩy lùi sự mở rộng thêm của NATO. Nhất là ở Ukraine, vốn được xem là “lằn ranh giới hạn””. Cũng như trong vật lý học, mực chất lỏng trong hai bình thông nhau tự điều chỉnh lên xuống cho bằng nhau. Khi lượng chất lỏng trong một trong hai bình thay đổi, bàn cờ thế giới cũng sẽ lắc lư theo, giống như khi một siêu cường dù bị bắt buộc hay tự nguyện rời vị trí kẻ thống trị, thì một hay nhiều cường quốc khác sẽ tìm cách xen vào thế chỗ đúng lẽ tự nhiên.■ Tags: Siêu cườngMỹ - ngaYalta 2017Trật tự thế giới mới
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.