NSND Phương Bảo (thứ hai từ trái qua) và thành viên của Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Seattle, Mỹ tham dự đại hội tại Pháp - Ảnh: THANH HIỆP |
Nghệ sĩ Kim Uyên là học trò của GS - nhạc sĩ Phương Oanh, người gọi thầy Khê bằng sư tổ, bởi GS - nhạc sĩ Phương Oanh là mẹ đỡ đầu của Kim Uyên và là học trò xuất sắc của thầy Khê tại Pháp.
Tiếng đàn của dân tộc mình dẫu ở Pháp nhưng vẫn như đang ở nhà vậy. Nó nói hộ tiếng lòng xa xứ và niềm kiêu hãnh của những ai yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam |
NGUYỄN THỊ LAN ANH (học sinh khiếm thị tại Q.Bình Tân, TP.HCM, được tài trợ sang Pháp dự thi đàn tranh và đoạt giải nhất hệ đào tạo 5 năm) |
Bên cạnh màn tranh tài của chín đoàn văn nghệ dân tộc với hơn 180 nghệ sĩ, giáo sư khắp nơi trên thế giới hội tụ về Paris, đại hội lần này (từ ngày 20 đến 23-7 vừa qua) dành hẳn một hội thảo đi tìm sự chuẩn mực trong giáo trình, giáo án và phương pháp trao truyền âm nhạc dân tộc trên xứ người.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo giáo sư, nghệ sĩ, nhạc công từ các quốc gia có đông kiều bào sinh sống như: Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sĩ...
Cốt lõi của hội thảo đặt đúng trọng tâm những điều băn khoăn, trăn trở của người làm nghệ thuật truyền thống, đó là có hay không sự dung hòa giữa mới và cũ trong phương pháp giảng dạy, khi mà đa số giáo trình đều rập khuôn?
Nói về điều này, GS - nhạc sĩ Phương Oanh - người có trên 50 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, được Nhà nước Pháp công nhận là giáo sư nhạc sĩ về âm nhạc truyền thống VN - chia sẻ:
“Dạy và học nhạc cụ dân tộc cho người xa xứ có những cái khó nhưng lại có đặc thù mang tính hỗ trợ rất tích cực.
Ngày nay có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, học trò tôi ở nhiều quốc gia khác nhau, có cả ở VN, đã miệt mài học bằng cách sử dụng Internet để thầy và trò cùng trao đổi, quay hình, quay tư liệu, cung cấp tài liệu trên máy tính để học đàn.
Chúng tôi ghi lại từng ngón đàn, để học trò theo đó thực hành, rồi sao chép lại trong bộ sưu tập...”.
Nghệ sĩ đàn tranh Hồng Việt Hải - trưởng Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Seattle, Mỹ - lại chia sẻ một khó khăn khác:
“16 năm gầy dựng Hướng Việt, tôi đã cập nhật nhiều giáo trình giảng dạy để học trò tôi có thể ứng dụng và thực hành. Cái khó chính là làm thế nào để học trò không bỏ cuộc...”.
Còn với giáo sư Ngọc Dung (Mỹ): “Học trò tìm đến tôi muốn học đàn tranh để áp dụng cho nhạc mới, nhạc trẻ. Tôi chiều luôn, rồi lái từ từ.
Muốn áp dụng cái này thì phải học 20 bài bản tổ của đờn ca tài tử. Ban đầu em thấy ngán, nhưng sau khi học thì mê và rồi theo luôn”.
Để dòng nhạc dân tộc được nuôi dưỡng, đôi lúc người thầy phải hết sức kiên trì như lời kể của nghệ sĩ Phi Thuyền (trưởng Đoàn văn nghệ dân tộc Phượng Ca Oslo, Na Uy):
“Năn nỉ rồi chiêu dụ. Kể cả nấu cơm, đãi ăn vì học trò đến nhà tôi học phải đi 3 giờ đồng hồ, có em bận bịu công việc, bỏ ngang giữa chừng, nhưng tôi vẫn kiên trì, gửi tin nhắn, gọi điện, tìm gặp, thuyết phục để các em quay trở lại. Tất cả để tiếng đàn của âm nhạc Việt vang xa hơn”.
Đại hội lần 5 dự kiến được tổ chức tại San Jose - miền bắc tiểu bang California, Mỹ - vào năm 2019, do giáo sư Phương Mai đăng cai.
Bà có hơn 200 học trò, đã âm thầm truyền dạy âm nhạc dân tộc khắp nơi trên thế giới.
Người viết khấp khởi hi vọng rằng, dù có khó đó, nhưng những tiếng đàn được vang lên từ nhạc cụ dân tộc Việt cứ thế bay khắp năm châu, và vang mãi..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận