Họa sĩ, thư pháp gia Trương Lộ (bìa trái) nhận Quyết định phong tặng nghệ nhân ưu tú từ chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân - Ảnh: L.Điền |
Đó là những nghệ nhân “đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Buổi lễ diễn ra tại Nhà hát TP sáng 19-11.
Đây là lần đầu tiên VN xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, theo thủ tục quy định tại nghị định 62 của Chính phủ, ban hành tháng 6-2014 (về phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú).
Trong 600 nghệ nhân ưu tú đợt đầu của cả nước, TP.HCM có 16 nghệ nhân bao gồm hai loại hình trình diễn dân gian và tri thức dân gian.
Các nghệ nhân trình diễn dân gian phần lớn thuộc bộ môn đờn ca tài tử, ngoài ra còn một số bộ môn nghệ thuật khác như lân sư rồng, nghệ thuật múa Chăm, ngâm thơ: Đàng Quang Dũng, Từ Tiết Hằng, Lưu Kiếm Xương, Hồng Oanh, Trần Trọng Dậu, Đoàn Văn Dũng, Nguyễn Tấn Nhì, Lê Hoàng Tân, Lê Khắc Tùng, Phạm Thị Tuyết, Phạm Công Tỵ, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Thế Viên (đã mất).
Các nghệ nhân lĩnh vực tri thức dân gian gồm các họa sĩ, thư pháp gia như: Trương Lộ, Trương Hán Minh, Lý Khắc Nhu.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân trao quyết định phong tặng Nghệ nhân ưu tú cho ông Từ Tiết Hằng (trưởng đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường). Ảnh: L.Điền |
Buổi lễ còn một phần nội dung trao tặng bằng công nhận Di tích văn hóa cho 10 công trình kiến trúc nghệ thuật do UBND TP vừa ra quyết định công nhận trong năm 2015: Cầu Mống (đường Võ Văn Kiệt, Q.1), Mộ cổ họ Lâm (trong công viên Tao Đàn, Q.1), Đền thơ Hùng Vương (trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, Q.1), Hội quán Tam Sơn (Q.5), Chùa Giác Hải (Q.6), Viện Pasteur TP.HCM (Q.3), Trường THPT Marie Curie (Q.3), Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5), Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), Mộ ông Nghị viên địa hạt Đặng Tân Xuân (Q.9).
Như vậy, đến nay TP.HCM đã có 165 di tích văn hóa do UBND ra quyết định công nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận