Các đại biểu dự Diễn đàn quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên sáng 29-11 - Ảnh: HÀ THANH
Sáng 29-11, tại Hà Nội khai mạc Diễn đàn quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên.
Diễn đàn do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của các nước Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Dự chương trình có anh Bùi Quang Huy - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.
Thanh niên là nhà lãnh đạo tương lai
Với chủ đề "Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước", tại diễn đàn các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các nước trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đánh giá tình hình, dự báo về những tác động ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các nước. Từ đó, đề xuất cơ chế phối hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên; tăng cường hợp tác thanh niên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Anh Nguyễn Tường Lâm - bí thư Trung ương Đoàn, phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam - Ảnh: HÀ THANH
Phát biểu khai mạc diễn đàn, anh Nguyễn Tường Lâm - bí thư Trung ương Đoàn, phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam - cho biết tại Việt Nam, thanh niên được xác định trong độ tuổi từ đủ 16 đến 30 tuổi, chiếm 22,5% dân số, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Anh cũng cho biết tại Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hướng đến mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên Việt Nam cũng ngày càng được hoàn thiện.
Trong chia sẻ của mình, bà Naomi Kitahara - trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - nhắc đến việc thúc đẩy để thanh niên tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay ở nhiều nước vẫn tồn tại sự bất bình đẳng trong các vấn đề tiếp cận y tế, giáo dục, các đối tượng thanh niên yếu thế như người dân tộc thiểu số (trong đó có trẻ em gái), lao động nhập cư, người khuyết tật… có nguy cơ tụt lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước. Cùng với đó, việc trao quyền cho thanh niên tham gia vào hoạch định chính sách vẫn còn nhiều hạn chế.
Bà Naomi Kitahara - trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - Ảnh: HÀ THANH
Bà Naomi Kitahara góp ý không chỉ tại Việt Nam mà các nước ASEAN có thể triển khai một số chính sách như: mở rộng cơ chế nền tảng, đối thoại giữa các nhà chính sách với thanh niên, tạo điều kiện cho các đối tượng thanh niên dễ bị tổn thương nói lên tiếng nói của mình. Cùng với đó, xây dựng nhóm tư vấn cho thanh niên ở cấp quốc gia và địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo, giám sát Luật thanh niên.
"Thanh niên không chỉ là nhà lãnh đạo tương lai, mà họ cũng là lãnh đạo của ngày hôm nay" - bà Naomi Kitahara nói.
Sáng kiến thúc đẩy thanh niên từ các nước
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thanh niên có tài năng, bà Pan Meng (giảng viên Học viện Chính trị thanh niên Trung Quốc) mang đến diễn đàn sáng kiến của Trung Quốc nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển tài năng trẻ của đất nước này.
Bà chia sẻ sáng kiến hỗ trợ phát triển thanh niên tài năng, khuyến khích họ tham gia vào các công việc quan trọng của đất nước, đặc biệt thúc đẩy họ phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo.
Đại diện của nước bạn Lào góp sáng kiến về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ, ban, ngành để nâng cao năng lực của thanh niên. Vị này nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong xây dựng chính sách phát triển thanh niên, nâng tầm chiến lược và kế hoạch ở tầm quốc gia.
Đại diện Thái Lan chia sẻ sáng kiến việc chăm sóc đối tượng trẻ em, thông qua các chương trình chính sách và chương trình hoạt động để tạo điều kiện cho trẻ em được chăm sóc đầy đủ, tạo môi trường giúp trẻ em nói lên tiếng nói của mình cũng như cung cấp các nguồn lực xây dựng xã hội cộng đồng nơi trẻ em sinh sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận