10/03/2016 11:30 GMT+7

Trao nhầm con 42 năm

TÂM LỤA - LAN ANH
TÂM LỤA - LAN ANH

TTO - Sau hơn 40 năm giấu sự thật trong lòng, người mẹ 64 tuổi quyết định nói với cô con gái thứ ba một câu: “Con không phải là con ruột của mẹ”.

 

Vợ chồng chị Trang (hai bên bìa ảnh) và chị cả Tạ Thị Thu Vân - Ảnh: L.Anh

Định mệnh trớ trêu khiến người mẹ nhận nhầm con của người khác từ nhà hộ sinh, nhưng suốt 42 năm qua bà vẫn yêu thương, chăm sóc “con người ta” như con gái ruột của mình.

Ngày 10-10-2015, sau hơn 40 năm trăn trở và giấu sự thật trong lòng, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 64 tuổi) quyết định nói cho đứa con gái thứ ba của mình là Tạ Thị Thu Trang (hiện 42 tuổi) rằng “con không phải là con ruột của mẹ”.

Quá đỗi bàng hoàng và bị sốc, chị Trang chỉ biết khóc. “Ngay lúc ấy tôi chỉ biết nói con chỉ có gia đình này, mở mắt chào đời con là con của mẹ” - chị Trang nói.

Sự nhầm lẫn trớ trêu

Nhìn bề ngoài đúng là bốn người con của bà Hạnh quá khác biệt. Ba người con ruột đều giống bà với vóc người thấp, gương mặt tròn, làn da nhẵn nhụi, bàn chân bàn tay nhỏ nhắn.

Còn người con thứ ba Tạ Thị Thu Trang thì chân tay dài hơn, đi giầy cỡ 39, gương mặt nhỏ và dài. Ngay hàng xóm cũng có băn khoăn chị Trang không phải là con ruột của gia đình.

Nhưng mỗi lần chị Trang nghe được những lời băn khoăn này về mách mẹ, bà Hạnh lại gạt đi. Bà cũng rất bênh chị, nên cuộc sống cứ thế đầm ấm trôi đi. Ít ai ngờ rằng bà đã băn khoăn đứa con thứ ba không phải con ruột mình từ khi mới sinh con.

Cách đây 42 năm, bà Hạnh sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình (nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội).

Để tránh nhầm lẫn, đứa trẻ sau khi sinh và người mẹ được viết bằng bút mực cùng một con số vào chân. Bà Hạnh được đánh số 33 nhưng trong lần cho con bú đầu tiên, bà phát hiện trên chân con mình lại đánh số 32. Nghĩ đã bị trao nhầm con, bà bảo các nhân viên hộ sinh bế cháu số 32 đi kiểm tra lại và tìm cháu số 33.

“Nhân viên nhà hộ sinh đi tìm vài bé nhưng không thấy và nói cho mẹ tôi rằng đây chính là em bé số 33, nhưng khi đi tắm mực ở chân cháu bị mờ” - chị Tạ Thị Thu Vân, con gái cả của bà Hạnh, kể với phóng viên Tuổi Trẻ.

Linh cảm đứa trẻ không phải là con mình, bà tâm sự với chồng, ông cũng ngạc nhiên: “Vừa đi đẻ về sao lại nói đứa trẻ không phải là con mình”. Thời đó y học chưa phát triển, phương tiện thông tin cũng không nhiều như bây giờ, bà Hạnh đành đưa con về nhà nuôi với nỗi hoài nghi...

Trang càng lớn càng không giống với bất cứ thành viên nào trong gia đình. Khi Trang được 1-2 tháng tuổi, nhiều người ác miệng nói bà Hạnh “không chung thủy với chồng” nhưng bà vẫn im lặng.

Năm Trang được 22 tuổi, bà Hạnh một mình đi xét nghiệm ADN. Kết quả dù đã linh tính trước nhưng không khỏi làm bà đau xót: chị Trang không phải là con ruột của ông bà.

Biết sự thật ấy nhưng vì thương con, bà Hạnh vẫn âm thầm giấu kín mọi việc. 12 năm trước, chồng bà qua đời vẫn không biết bí mật ấy.

Không tin vào kết quả xét nghiệm ADN từ 20 năm trước, tháng 10-2015 bà Hạnh lại âm thầm đi xét nghiệm ADN một lần nữa. Và kết quả vẫn như trước đây: Trang không phải là con ruột của ông bà.

Sau những ngày suy nghĩ, dằn vặt, đúng ngày sinh nhật của con gái Thu Trang tròn 41 tuổi, ngày 10-10-2015, bà Hạnh quyết định nói sự thật cho chị Trang và các con biết với mong muốn tìm lại được con gái ruột và chị Trang cũng có cơ hội tìm lại bố mẹ ruột của mình.

“Con không cần biết ai là bố mẹ ruột của con cả, con chỉ biết có mẹ Hạnh, biết gia đình này thôi!” - chị Trang kể đã bị sốc thật sự và nhắc đi nhắc lại câu nói ấy sau khi nghe mẹ kể sự thật. Chị lo lắng nếu người con gái ruột trở về, cô ấy sẽ nhận mẹ và các anh chị em, chị sẽ còn lại gì đây?

Nhưng người mẹ đã nuôi chị 42 năm nhắc chị phải vui lên, nếu tìm được bố mẹ đẻ của mình thì con sẽ có thêm một gia đình. Còn sự thật mãi mãi không thay đổi là mẹ vẫn là mẹ của con, vẫn yêu thương con.

Sau khi bình tâm lại, chị nhận ra tình yêu thương của cả gia đình dành cho mình vẫn nguyên vẹn, chị nhớ lại suốt 42 năm qua bà Hạnh đã hết lòng nuôi dạy chị nên người.

Chị bảo chị nhận ra “mình đã ích kỷ với mẹ nhiều quá”! Và chị cũng âm thầm nhận ra rằng nếu tìm được cha mẹ đã cho chị hình hài, chị sẽ có thêm một gia đình. Còn con gái thật của mẹ Hạnh cũng sẽ được về với mẹ và các anh chị em ruột thịt.

“Khi tôi còn nhỏ, có người nói tôi là con được nhận nhầm ở nhà hộ sinh, tôi khóc chạy về nhà hỏi mẹ. Mẹ tôi cương quyết: “Đứa nào nói bậy bạ như vậy, để mẹ tìm đến nhà mắng cho một trận”.

Người ta bảo tôi: “Con gái gì mà không giống mẹ”, mẹ tôi vội thanh minh: “Nó giống bố, giống dì nó”. Tôi hỏi sao mẹ và hai chị em gái xinh như vậy mà tôi xấu thế, mẹ tôi hỏi lại: “Ai nói con xấu, con mẹ xinh lắm!” Từ nhỏ đến giờ mẹ đã làm mọi thứ để tôi tin tưởng rằng mình là con ruột của mẹ.

Cho đến bây giờ, khi nghĩ lại việc mẹ bảo muốn nói ra sự thật để thanh minh cho gia đình bên nội và mọi người hiểu mẹ không lăng nhăng, tôi lại càng thấy thương mẹ nhiều hơn...” - chị Trang tâm sự.

“Trong nhà tôi là đứa làm mẹ lo lắng nhất. Cho đến bây giờ mẹ vẫn lo cho tôi từ miếng ăn giấc ngủ, 42 tuổi rồi tôi vẫn chưa đền đáp cho mẹ được ngày nào. Các con ruột của mẹ mỗi người đi lập nghiệp một nơi, dì út đã sang tận Vương quốc Anh, nhưng riêng tôi và chị Vân vẫn lập nghiệp ở ngôi nhà này, không đi đâu từ bé tới giờ” - nước mắt chị Trang tuôn rơi khi nhắc về bà Hạnh...

Bức ảnh cũ của gia đình có mặt cả năm mẹ con bà Hạnh. Trong ảnh chị Trang đứng ở bìa phải ảnh, tựa đầu vào vai chị cả - Ảnh: L.Anh

Mong tìm lại được con...

Cuối năm 2015, bà Hạnh sang Anh thăm con gái út. Sau khi nghe tâm sự của mẹ, cách đây ba ngày, người con gái đã đăng thông tin lên mạng xã hội để giúp bà Hạnh tìm được con ruột. Câu chuyện tìm con bị thất lạc suốt 42 năm những ngày qua đã làm cư dân mạng xúc động.

Ba ngày nay, kể từ khi câu chuyện được đăng tải, nhiều phóng viên đã đến gặp gia đình bà Hạnh để lấy thông tin. Điều đó làm bà Hạnh và cả gia đình mừng rỡ vì tin rằng sẽ có thêm cơ hội tìm con.

Nhưng rồi ba ngày qua vẫn chưa thấy ai phản hồi, dù chỉ là dòng thông tin “cùng sinh con ở nhà hộ sinh Ba Đình chiều 10-10-1974” lại khiến bà Hạnh trở nên lo lắng...

“Trẻ thơ không có tội. Nó đâu có lỗi gì. Tôi vẫn thường tự nhủ đó là số phận và cố gắng thương yêu, chăm sóc Trang nhiều hơn để cháu nên người và hi vọng con đẻ của mình cũng được chăm sóc, yêu thương như vậy” - bà Hạnh lý giải về tình thương của mình với chị Trang suốt 42 năm qua.

Chị Trang bảo sau khi vượt qua cú sốc, chị lại thấy thương mẹ nhiều hơn: “Xem tivi thấy phụ nữ chăm con, bế con đi tiêm khi con đau ốm, tôi lại ứa nước mắt vì thương mẹ. Biết tôi không phải là con đẻ nhưng mẹ đã chăm tôi suốt 42 năm qua, dồn tất cả tình yêu thương cho tôi”.

Từ ngày các con lập gia đình, bà Hạnh dặn ba anh em mua nhà mới ở đâu cũng phải ở gần nhau cho tình cảm. Vậy là ba đứa con của bà đều mua nhà ở khu Kim Liên (quận Đống Đa).

Riêng chị Trang mở cửa hàng bán bún và kinh doanh sim điện thoại tại căn nhà nhỏ của đại gia đình trên phố Đặng Dung, quận Ba Đình.

Trưa 9-3 khi chúng tôi đến thăm, chị Trang cùng chị gái gọi điện thoại cho bà Hạnh, lúc đó ở Anh đang là hơn 4g sáng nhưng bà Hạnh không ngủ, mấy ngày nay bà đều không ngủ vì ngóng tin ở quê nhà.

“Mẹ yêu con thế này, mẹ đã ban cho con những tình cảm thế này thì ông trời sẽ không phụ lòng mẹ. Con gái ruột của mẹ cũng sẽ được người ta yêu thương, chăm bẵm như mẹ đã thương con” - chị Trang động viên bà Hạnh như thế khi bà tràn ngập nỗi lo về đứa con thất lạc.

Giữa cuộc điện thoại, chị Trang động viên bà Hạnh: “Mẹ cố gắng ngủ thêm chút nữa đi, đợi vài ngày nữa sẽ có tin vui với gia đình mình”.

Sau khi chấp nhận sự thật, chị Trang bảo mình đã cảm thấy nhẹ nhõm và giờ chỉ mong tìm được bố mẹ ruột để biết nguồn cội, để mẹ Hạnh vơi đi nỗi lo suốt 42 năm qua.

Dù không có quan hệ huyết thống nhưng với chị Trang và bà Hạnh, có một sự thật không bao giờ thay đổi: họ đã là một gia đình với tình yêu thương như nhất, trọn vẹn nhất, họ đã có chung quá khứ 42 năm và không có gì đổi thay được điều này.

Khi chúng tôi đang viết bài báo này, một hi vọng nhỏ đang dần mở ra, thông qua mạng xã hội một người ở bộ phận quản lý hồ sơ hành chính đã khoanh vùng cùng sinh ngày 10-10-1974 ở Hà Nội hiện có 400 người, riêng quận Ba Đình có bốn người phụ nữ và điều đặc biệt là ¾ người vẫn đang ở địa chỉ cũ thuộc quận Ba Đình.

Chị Vân và chị Trang sẽ cùng đến từng địa chỉ để tìm.

Chị Vân cũng từng gửi câu chuyện của gia đình mình lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Cả gia đình chị đang trong hành trình tìm lại một người thân.

Hai chị em cùng xem lại những tờ giấy khai sinh của bốn chị em - Ảnh: L.Anh

Ngày 10-10-2015, sau khi có kết quả xét nghiệm ADN và nói sự thật cho các con biết, bà Hạnh đã gửi đơn đề nghị khẩn thiết đến ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, gửi đơn tìm con thất lạc đến Sở Y tế Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến... để trình bày sự việc.

Nghe nhiều người cho biết về dự án đi tìm người thất lạc, bà Hạnh tìm đến nhưng tổ chức không còn ở chỗ cũ. Bà cũng nhờ các con đăng thông tin trên mạng xã hội và một số trang rao vặt để tìm kiếm con gái.

Ngày 24-11-2015, Trung tâm Y tế Ba Đình có thư trả lời bà Hạnh, cho biết sau khi nhận được đơn tìm con thất lạc của bà, trung tâm đã rà soát hồ sơ lưu trữ và trao đổi với cán bộ làm việc lâu năm làm việc tại nhà hộ sinh giai đoạn 1974-1975.

“Do nhà hộ sinh đã chuyển sang địa điểm mới và thời gian quá lâu, 41 năm nên không tìm thấy bất kỳ thông tin nào liên quan đến trường hợp này. Mong bác thông cảm và xin chia sẻ nỗi buồn của bác. Hi vọng bác sớm có thông tin vui để có thể tìm lại đứa con thất lạc của mình” - văn bản của ông Phạm Hữu Tiệp, giám đốc Trung tâm y tế quận Ba Đình, Hà Nội gửi bà Hạnh, viết.

TÂM LỤA - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên