Giữa lúc trào lưu mạng “theo” giang hồ online, có nhiều bạn trẻ nhặt rác tạo nên hình ảnh tốt đẹp trên mạng xã hội - Ảnh: M.TRƯỜNG
Nếu chỉ một mình hiện tượng KB, đó là một hiện tượng tự phát, nhưng sự nổi lên của các kênh khác như DMT, DT, HĐ, HHH, KS... đó chắc hẳn là một trào lưu hoặc xu hướng cần được mổ xẻ để hiểu về xã hội chúng ta đang sống.
Bằng cách nào mà trào lưu giang hồ mạng - một trào lưu được coi là đại diện cho các giá trị phi chuẩn tắc - lại hấp dẫn giới trẻ đến thế?
Trước hết, có thể thấy đời sống giang hồ là một thế giới cực kỳ gây tò mò. Trước khi xuất hiện trên mạng xã hội, thế giới đó chỉ có thể đọc qua sách báo, đặc biệt là ở các tiểu thuyết kiếm hiệp. Có thể tìm được một điểm chung ở các kênh của giang hồ mạng là họ nhấn mạnh đến "nghĩa hiệp", "có trước có sau" kiểu mà trong đời thường có vẻ đang có nhiều chỉ dấu khan hiếm.
Nội dung đa số video đều cố gắng diễn đạt "thật" nhất, có thể vì vậy mà ta thấy về mặt kỹ thuật video, ít được trau chuốt. Phải chăng là để công chúng "tin hơn"(?!).
Thứ hai, sự khan hiếm và thất vọng về các giá trị cao quý lẽ ra phải thịnh hành ở cuộc đời thật, phần nào kéo người trẻ vào một thế giới khác - một thế giới "nói là làm", "nghĩa hiệp" - như những video của các giang hồ mạng cố tạo dựng.
Thứ ba, điều chua chát cần phải nói đến, đó là hệ thống "truyền thông" chính thống dẫn đạo dường như đã thất bại. Thử hỏi các em học sinh phổ thông kể tên vài đầu báo lớn, chắc hẳn số em nhớ nổi tên các tờ báo không nhiều. Nhưng thử hỏi các em biết kênh YouTube nào đang đình đám, chắc hẳn nhiều em trong số đó nhớ nằm lòng các kênh của anh chị giang hồ mạng.
Tôi tin rằng trào lưu giang hồ mạng sẽ lụi tàn như mọi trào lưu khác. Vấn đề là cần nhìn "chứng" để trị "căn", phải thấy những thứ bất bình thường để có những điều chỉnh phù hợp. Nếu không, "đường xa nghi nỗi sau này mà kinh".
YouTube từng bị buộc gỡ bỏ nhiều video
Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube - đã bị buộc phải gỡ bỏ các clip có nội dung độc hại trên mạng xã hội liên quan đến chính trị, xã hội... ở Việt Nam.
Mới đây, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã gửi văn bản yêu cầu Google phải gỡ bỏ video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube.
Cục đã yêu cầu hãng này không chỉ gỡ bỏ các link được phát hiện mà còn phải tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để ngăn những clip mang hiểm họa lớn không tiếp tục xuất hiện trên YouTube.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận