Nhờ sự hỗ trợ của bạn đọc, phóng viên Tuổi Trẻ vào vai đầu nậu sang Hàn Quốc và Singapore thu thập chứng cứ để làm rõ nghi vấn nhiều DN nhập khẩu rác thải về VN - Ảnh: LÊ NAM
Gieo chữ nơi vùng cao đã khó, nhưng những thầy cô giáo nơi đây nói sự vất vả của mình chẳng thấm vào đâu so với sự nhọc nhằn của bà con và học trò.
Và hai thầy cô đã chia sẻ với cộng đồng những hình ảnh sự học vùng cao bằng lòng yêu nghề và sự thấu cảm.
Lễ khai giảng bên bờ suối
Lễ khai giảng 5-9, thầy trò Trường PTDT bán trú - THCS Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vừa kịp chào cờ thì trời đổ cơn mưa lớn.
Lo mưa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học trò, thầy hiệu trưởng Nguyễn Long Khánh quyết định dừng buổi lễ.
Thầy Khánh đăng tải những hình ảnh khai giảng của thầy trò bên bờ suối Nậm Ngà trên Facebook cá nhân.
Và hình ảnh hàng trăm học sinh cùng các giáo viên, lãnh đạo địa phương đứng dự lễ khai giảng bên bờ suối lan truyền trên cộng đồng mạng và trên Tuổi Trẻ khiến nhiều người xúc động.
Báo Tuổi Trẻ đã quyết định trao giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" cho thầy giáo Nguyễn Long Khánh.
"Hôm đó, tôi rất buồn. Nhiều năm qua, trường chỉ khai giảng được hai lần vì cứ đến khai giảng thì gặp mưa", thầy Khánh xúc động nhớ lại.
Ba năm qua, thầy trò tổ chức lễ khai giảng bên bờ suối vì sân trường hẹp, không đủ tập trung hết học sinh, đất bên bờ suối Nậm Ngà là nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa của trường.
Thầy Khánh gắn bó với ngôi trường ở nơi khó khăn nhất của vùng núi Tây Bắc này đã 12 năm. Trước đây do chưa thông đường, chưa có điện, thầy cô băng bộ hai ngày trời từ trung tâm huyện Mường Tè mới đến được điểm trường.
"Khó khăn nơi vùng cao nhiều lắm, nhưng quý nhất tình cảm của người dân, họ coi thầy cô như con em trong nhà. Với học trò, chỉ cần thấy các em thành đạt, quay về chào thầy là vui lắm" - thầy Khánh bày tỏ.
Clip túi nilông và cây cầu Huổi Hạ
Tuổi Trẻ cũng trao giải thưởng cho cô Thái Thị Vui, giáo viên cắm bản ở điểm trường mầm non Huổi Hạ (xã Na Sang, huyện Mường Chà, Điện Biên).
Chứng kiến vất vả, nhọc nhằn của học trò phải chui vào túi nilông để cha mẹ đưa qua suối đến trường, cô đã chia sẻ hình ảnh này lên Facebook.
Chỉ với mong mỏi được mọi người biết tới, chia sẻ với khó khăn của bà con và học trò Huổi Hạ - cô Vui nói.
Những hình ảnh này nhanh chóng lan truyền. Tuổi Trẻ ngày 6-9 đã đăng câu chuyện cảm động này.
Và Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp Tổng cục Đường bộ VN xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn sớm đầu tư xây dựng cầu dân sinh Huổi Hạ.
"Hiện chính quyền đang mở đường triển khai làm cầu, bà con ở đây rất vui, giáo viên đi lại dạy học sẽ đỡ vất vả hơn. Nhận được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, chúng tôi rất vui mừng" - cô Vui xúc động chia sẻ.
Tròn 15 năm gắn bó với trẻ vùng cao, hai năm dạy học ở điểm trường Huổi Hạ, cô Vui kể: "Nhưng vất vả của thầy cô chưa thấm vào đâu so với bà con, học sinh nơi đây.
Trẻ mầm non chỉ đi qua đoạn suối nhỏ, học sinh tiểu học và THCS phải qua đoạn suối lớn để đến trường.
Có khi bố mẹ đưa đón, có khi các em tự đi, rất vất vả, bất đắc dĩ sẽ chui vào túi nilông để qua suối đến trường.
Tôi không nghĩ hình ảnh được chia sẻ mạnh mẽ như thế. Chúng tôi chỉ mong mang đến niềm vui, chia sẻ và gánh vác một phần khó khăn của người dân và con em mình", cô Vui bày tỏ.
Gửi gắm Tuổi Trẻ những trăn trở xã hội
Giải thưởng tác phẩm bạn đọc viết tháng 9-2018 được trao cho bạn đọc Tú Nguyên ở Long An (tác giả bài viết "Nông dân làm nông nghiệp sạch: không dễ đâu!", Tuổi Trẻ 15-9-2018).
Sống với ruộng đồng, gắn với nông nghiệp, và nhiều trăn trở về thị trường nông sản nên bài viết của ông là tiếng nói "người trong cuộc" đầy chất liệu từ thực tế đời sống nông nghiệp, nông thôn.
Ông chia sẻ: "Tôi luôn thấy trên Tuổi Trẻ những bài báo thúc đẩy sự phát triển. Đó là lý do tôi đã chọn tờ báo để mong muốn đóng góp thêm được những trăn trở của mình với các vấn đề xã hội.
66 tuổi, nghỉ hưu đã lâu nhưng những trang báo Tuổi Trẻ luôn khơi gợi cho tôi nhiều ý nghĩ về các vấn về thời sự, xã hội.
Từ sau bài viết đầu tiên tôi gửi đến Tuổi Trẻ Online cách đây gần 10 năm, các anh chị trong báo đã thẳng thắn trao đổi thêm, khuyến khích để tôi có những bài viết chỉn chu, thể hiện được những suy nghĩ về xã hội một cách tròn trĩnh, mạch lạc hơn.
Giải thưởng này là một bất ngờ lớn, giúp tôi có thêm nhiều động lực để tiếp tục viết và gửi gắm ý kiến đến Tuổi Trẻ, cũng là đóng góp ý kiến cho xã hội".
Giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 9-2018 còn được trao cho một bạn đọc đã cung cấp thông tin cho Tuổi Trẻ viết loạt bài "Rác thế giới đổ về Việt Nam" (khởi đăng từ ngày 10-9-2018).
Bạn đọc này đã hỗ trợ phóng viên lần ra các đầu nậu trong và ngoài nước nhập rác đội lốt phế liệu về Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường.
Sau loạt bài này, đã có bốn doanh nghiệp bị khởi tố về hành vi làm giả hồ sơ nhập khẩu; một doanh nghiệp bị phạt 400 triệu đồng do không đưa phế liệu nhập khẩu về nhà máy mà đưa đi nơi khác.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - môi trường cũng đang thanh tra tất cả doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu và các cơ quan cấp phép nhập khẩu, các cơ quan kiểm định trước khi thông quan nhằm siết chặt việc nhập khẩu rác này.
Đ.Q.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận