Bạn Trần Tuấn Anh - tân sinh viên Trường ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội - chia sẻ cảm nghĩ khi nhận được học bổng bên cạnh chị gái Trần Thị Xuân xúc động cầm micrô cho em trai |
Những tân sinh viên này đều lớn lên trong nhọc nhằn, chịu sự nghiệt ngã của số phận nhưng cùng chung ý chí vươn lên, vượt lên những đau buồn, vượt lên sự thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần để đạt được ước mơ bước vào giảng đường đại học…
Mỗi suất học bổng được trao trị giá 7 triệu đồng, với tổng kinh phí 1,2 tỉ đồng từ nguồn do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” tài trợ 172 suất và Quỹ khuyến học Vinacam 10 suất.
Không thể gục ngã
Hàng trăm người có mặt tại lễ trao học bổng đã lặng đi khi nhìn thấy hình ảnh Trần Tuấn Anh (quê Hoài Đức, Hà Nội), cậu sinh viên 18 tuổi đã sáu năm trời trường kỳ đi học bằng đôi chân của chị gái mình. Chứng rối loạn gen bất thường đã khiến đôi chân của Tuấn Anh “có mà như không”.
Tai họa tiếp tục ập đến khi bố Tuấn Anh, trụ cột gia đình, qua đời. Cậu bé không đi lại được bằng đôi chân của chính mình lặng lẽ vượt lên trên nỗi đau, gắng học và đỗ ĐH vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhưng ngay cả khi Tuấn Anh đỗ đại học, nhiều người vẫn không thể tin sức mạnh nào đã đưa cậu bé có đôi chân yếu ớt ấy giành được kết quả học tập đáng ngưỡng mộ.
“Tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi vì bên cạnh luôn có chị mình nâng bước. Tôi biết ơn chị đã hi sinh tất cả vì mình và như thế, mọi nỗ lực của bản thân là không bao giờ đủ” - Tuấn Anh chia sẻ.
Người chị gái của Tuấn Anh - chị Trần Thị Xuân - với sức vóc nhỏ bé của cô gái chỉ tròm trèm 40kg đã bền bỉ suốt mấy năm qua cõng cậu em trai gần 60kg của mình đến trường. Để mượn đôi chân của chị, Tuấn Anh thường xuyên phải đi học sớm hoặc ngồi chờ chị khi tan tiết muộn. Hai chị em như hình với bóng.
Xuân cho biết cô đã phải thu xếp từ việc học hành đến sinh hoạt để có thể thuận tiện cho việc cõng em đi học. Ngay cả bây giờ khi có gia đình, Xuân cũng tính toán sinh con đúng dịp hè khi Tuấn Anh được nghỉ học để không đứt đoạn việc học của em trai.
Hình ảnh Bùi Trung Hiếu (quê Hà Nam), tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội - trong đoạn clip do Tuổi Trẻ thực hiện khi em gồng mình bê bao bột đá, lúc em phải tranh thủ làm thêm ở mỏ đá trước khi nhập học khiến nhiều người rưng rưng. Cậu tân sinh viên gầy gò cố gồng mình bê những bao bột đá nặng đến 50kg để có thêm nguồn trang trải cuộc sống côi cút của mình.
Mất bố, nhà quá nghèo, mẹ phải gửi anh em Hiếu cho bác để đi kiếm việc làm. Để giúp đỡ mẹ và bác, Hiếu phải vừa học vừa làm, em đi bán than, đi vác đá, làm đủ thứ việc. Khổ như vậy nhưng 12 năm học phổ thông Hiếu đều là học sinh giỏi. Em cũng đoạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi khi còn học phổ thông.
Nhưng bất hạnh lại ập đến khi đúng dịp thi ĐH, mẹ Hiếu đột ngột qua đời. Nỗi đau chất chồng không làm Hiếu gục ngã, mà càng thúc giục em phải vươn lên hiện thực hóa ước mơ của mình. Đỗ đại học với mức điểm gần như tuyệt đối và có cơ hội được nhận vào hai trường ĐH, nhưng cổng trường ĐH như vẫn quá xa so với hoàn cảnh của Hiếu.
Để có thể tiếp tục mơ ước của mình, Hiếu lại lao vào cuộc mưu sinh vất vả. Những đêm không ngủ đôi khi khiến Hiếu cảm thấy mệt mỏi. Nhưng mỗi bình minh thức dậy, em lại thấy rằng phải tiếp tục cuộc sống với những nỗ lực không ngừng.
“Tôi không thể dừng lại. Tôi hiểu nếu chỉ có thoáng chút ý nghĩ rằng không cần nỗ lực nữa, tôi sẽ không thể thay đổi được số phận của mình”, Hiếu chia sẻ.
Một khán giả không cầm được nước mắt khi chứng kiến những câu chuyện nghị lực vượt khó đầy xúc động của các tân sinh viên nghèo - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Chạm đến ước mơ
Ai cũng có ước mơ nhưng không phải ai cũng thực hiện được ước mơ của mình. Song bằng nỗ lực vượt khó, nhiều người từng là những tân sinh viên khó khăn nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” những năm trước, nay đã chạm được đến ước mơ, khát vọng của mình.
Trong lễ trao học bổng này, sự hiện diện của cô giáo Tạ Thị Quỳnh Mai đã làm những người dõi theo học bổng “Tiếp sức đến trường" nhiều năm qua không thể không rưng rưng nhớ lại câu chuyện của cô tân sinh viên ở Điện Biên năm nào.
Năm 2009 trong lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại Điện Biên, hầu hết những người có mặt đều rơi nước mắt vì câu chuyện của Quỳnh Mai. Cô gái bé nhỏ đã mất đi cánh tay phải từ năm lên 3, nay lại mất đi người cha và phải sống cuộc sống thiếu vắng hoàn toàn hơi ấm gia đình khi người mẹ trót vướng vào vòng lao lý với mức án lên đến 10 năm trời.
Một mình tiếp tục sống trong ngôi nhà xập xệ, một mình vượt qua chặng đường 12km để đến trường nhưng Quỳnh Mai đã không gục ngã. Cô thi đỗ vào khoa giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và giờ đây trở thành một giáo viên với mong muốn giúp đỡ được những đứa trẻ đặc biệt, khó khăn.
“Sáu năm có nhiều trải nghiệm đáng nhớ, nhưng tôi không bao giờ quên chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” đã tiếp sức cho mình để có ngày hôm nay”, Quỳnh Mai xúc động giải bày.
Nói với các tân sinh viên tại buổi lễ, Quỳnh Mai chia sẻ: “Mình không được lựa chọn gia cảnh, nhưng mình hoàn toàn có quyền lựa chọn mình sống như thế nào. Lựa chọn đứng lên đi tiếp hay gục ngã. Chị đã lựa chọn cách đứng lên, nỗ lực không ngừng, nên mong rằng các em tân sinh viên cũng như chị lựa chọn sự cố gắng để thay đổi cuộc sống của mình”.
Năm 2015, học bổng “Tiếp sức đến trường” đã tổ chức trao cho 1.500 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước với tổng kinh phí 10 tỉ đồng. Bắt đầu từ câu chuyện đau lòng của một số tân sinh viên học giỏi, đậu đại học nhưng do hoàn cảnh khó khăn không được đến trường, chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng đã bước sang năm thứ 13, với trên 13.500 tân sinh viên khó khăn được nhận học bổng, trị giá hơn 60 tỉ đồng. Ông Vũ Duy Hải, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, phó trưởng ban tổ chức giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường”, bày tỏ mong muốn 182 tân sinh viên tiếp tục chặng đường mới, với những nỗ lực mới để thành công trên con đường học vấn. “7 triệu đồng học bổng không lớn, nhưng là chắt chiu, là tấm lòng của các mạnh thường quân tiếp sức cho các em trong thời điểm quan trọng nhất để thắp lên nụ cười của các em, nuôi dưỡng tiếp mơ ước và hi vọng góp phần giúp các em thành công”, ông Hải chia sẻ trong niềm xúc động. Ông Phan Văn Đắc - trưởng ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ - bày tỏ niềm hi vọng những sinh viên được tiếp sức kịp thời hôm nay sẽ từng bước trưởng thành để trong tương lai sẽ có ngày trở lại với gia đình “Vì ngày mai phát triển”, tiếp sức cho thế hệ sinh viên tiếp nối. “Không có gì cản trở được chúng ta nếu chúng ta luôn nỗ lực hết mình để cuộc sống tốt đẹp hơn”- ông Đắc gửi gắm. |
Anh Nguyễn Long Hải (bìa trái), bí thư T.Ư Đoàn, tặng quà và trao giấy chứng nhận cho các tân sinh viên nhận học bổng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Đại diện Công ty cổ phần dược phẩm ECO trao tặng laptop trị già 15 triệu đồng/chiếc cho tân sinh viên Bùi Trung Hiếu - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hình ảnh xúc động tại chương trình khi chị gái Trần Thị Xuân cõng em trai Trần Tuấn Anh rời khỏi sân khấu, suốt 6 năm qua chị Xuân chính là đôi chân đưa Tuấn Anh tới trường - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Các vị đại biểu trao tặng phần quà và bằng chứng nhận cho một tân sinh viên khuyết tật vượt khó học giỏi - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ông Vũ Văn Bình, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trao tặng học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thượng úy Đinh Quang Hoạch chia sẻ cảm xúc khi nhiều năm qua giới thiệu những tân sinh viên nghèo học giỏi đến với học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Niềm vui của chị Tạ Thị Quỳnh Mai - một cựu sinh viên từng nhận được học bổng "Tiếp sức đến trường" - khi nhận được lời đề nghị trao tặng một chiếc xe máy từ phía ông Vũ Duy Hải, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty Vinacam - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Các vị đại biểu cùng 182 tân sinh viên đến từ 19 tỉnh thành phía Bắc chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận