24/07/2019 09:48 GMT+7

Tránh tối ngày lướt Facebook, sinh viên tìm việc làm thêm dịp nghỉ hè

M.PHƯỢNG - M.NGUYỆT
M.PHƯỢNG - M.NGUYỆT

TTO - Dịp hè là thời gian nhiều sinh viên làm thêm kiếm tiền để đóng học phí cho năm học mới, phụ giúp gia đình cũng như thực hiện các dự định riêng. Nhiều bạn trẻ có gia đình khá giả vẫn chọn đi làm thêm để tăng vốn sống.

Tránh tối ngày lướt Facebook, sinh viên tìm việc làm thêm dịp nghỉ hè - Ảnh 1.

Mỹ Huyền (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) làm phục vụ trong quán cà phê dịp hè để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Tự kiếm ra tiền, trải qua khó khăn mình sẽ quý trọng và biết cách tiêu tiền tiết kiệm.

Mai Thị Mỹ Huyền

Ngày cuối tuần, tại quán cà phê ở khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh (TP.HCM), khách vào ra liên tục. Hai nhân viên phục vụ trong bộ đồng phục xanh, nhanh nhẹn ghi đơn hàng, bưng bê nước cho khách, dọn bàn ghế... gương mặt luôn nở nụ cười thân thiện. Đó là Trần Thị Yến Hòa (19 tuổi) và Mai Thị Mỹ Huyền (21 tuổi) - cả hai đều là sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM).

Ôm sô 2-3 công việc cùng lúc

Quê Hà Tĩnh nhưng hè này Yến Hòa ở lại Sài Gòn làm thêm để dành dụm tiền. Khi tìm thấy thông tin tuyển dụng của quán cà phê, Hòa đến xin việc và được nhận vào quán làm mấy tuần nay. Hòa chọn ca từ 15h - 22h các ngày trong tuần. Riêng ngày cuối tuần, Hòa làm cả ngày.

"Quê mình ở xa, về quê tốn tiền đi lại. Mình muốn ở lại Sài Gòn, tranh thủ thời gian nghỉ đi làm kiếm tiền đóng học phí cũng như thực hiện mong ước một lần đặt chân lên Đà Lạt" - Hòa nói.

Cô bạn nói ngoài mục đích kiếm tiền thì "đi làm thêm lợi đủ thứ". Đó là Hòa được va chạm với cuộc sống, học cách giao tiếp với những người xung quanh.

"Hồi trước mình ngại tiếp xúc với mọi người lắm. Trở thành sinh viên, khi bạn bè rủ đi bán phụ kiện, đi làm PG, mong muốn thay đổi bản thân nên mình thử đi làm, dần dần rồi quen. Hè này, mình vừa làm ở quán cà phê này vừa tiếp tục nhận làm PG" - cô sinh viên năm 2 chia sẻ.

Cũng từng làm thêm nhiều công việc trước đó, hè này Mai Thị Mỹ Huyền ở lại Sài Gòn vừa học hai môn trên trường, vừa đi phụ quán cà phê, làm PG kiếm tiền đóng học phí, mua đồ sinh hoạt cá nhân. "Dù ba mẹ không cho đi làm thêm, muốn mình tập trung việc học nhưng mình không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào ba mẹ. Việc học mình vẫn hoàn thành tốt nhất" - Huyền cho biết.

Cũng nhận cùng lúc nhiều công việc để "cày cuốc" trong mùa hè là Lý Thị Tem (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM). Dù đang trong kỳ thực tập ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và quãng đường cách TP.HCM khá xa, nhưng Tem vẫn chọn đi về mỗi ngày bằng xe công ty để tiện làm thêm kiếm tiền trang trải cho năm học mới.

Mỗi tối, Tem làm tranh giấy xoắn tại nhà với giá 20.000 đồng/bức. Mỗi tháng, cô kiếm được khoảng 3,2 triệu đồng. Hai ngày cuối tuần, Tem xin làm nhân viên kiểm kho hàng cho một công ty tại quận Tân Bình (TP.HCM). Mỗi ca làm 8 tiếng, lương 25.000 đồng/giờ.

Rèn kỹ năng bản thân

Nhiều sinh viên không cần "đổ mồ hôi vất vả" vì gia đình đủ điều kiện nhưng vẫn chọn đi làm thêm để cọ xát với cuộc sống, rèn luyện kỹ năng phục vụ công việc sau này. Nguyễn Thị Thanh Lan (sinh viên năm 3, Trường ĐH Luật TP.HCM) dành mùa hè này xin vào thực tập tại một công ty luật ở quận 4 (TP.HCM). Buổi tối và cuối tuần, Lan đi dạy kèm toán và ngữ văn cho hai em học sinh.

"Siêng cày" nên mỗi tháng Lan kiếm được khoảng 6 triệu đồng. "Mình muốn được cọ xát với thực tế ngành nghề để sau này đi làm bớt bỡ ngỡ. Làm nhiều cũng đuối nhưng mình muốn phụ giúp được bố mẹ phần nào. Hơn một năm nay mình không còn phải xin tiền bố mẹ mỗi tháng nữa" - Lan cười vui.

Còn Trần Thị Thu Thùy (sinh viên năm 2) mỗi tháng được gia đình gửi 5 triệu đồng nhưng cô bạn vẫn chọn đi làm thêm. Thùy cho biết: "Về nhà thì cũng tối ngày lướt Facebook, xem phim, nên mình quyết tâm ở lại TP đăng ký vừa học hè vừa đi làm để cuộc sống đỡ nhàm chán".

Thùy làm lễ tân, phục vụ tiệc cưới cho một nhà hàng gần 2 năm. Mỗi buổi làm bắt đầu từ 17h và kết thúc vào 23h. "Sau mỗi tiệc, mình nhận được số tiền từ 130.000 đến 180.000 đồng và tiền tip nếu khách cho thêm".

Còn Mai Thị Mỹ Huyền vốn được cha mẹ bao bọc nên "nhỏ tới lớn không phải làm gì". Khi đi làm, Huyền phải tiếp xúc với nhiều người khác nhau và "không phải ai cũng lịch sự, dịu dàng".

"Ban đầu mình không quen nên buồn lắm, mình cứ nghĩ hoài. Nhưng sau này mình mạnh mẽ hơn, biết cách vượt qua. Tự kiếm ra tiền, trải qua khó khăn mình sẽ quý trọng và biết cách tiêu tiền tiết kiệm" - Huyền nói.

Học tính kiên nhẫn

Những ngày nhà hàng đông khách, Thu Thùy phải đảm nhận một lúc 2 - 3 bàn tiệc. Lúc ấy, việc bị khách khó tính cằn nhằn, la mắng "lề mề" là chuyện cơm bữa. Cũng không ít lần Thùy bị khách chọc ghẹo, cố tình đụng chạm, bị xúc phạm.

"Có một lần mình phục vụ bàn tiệc toàn những khách mặc đồ hàng hiệu sang trọng lắm. Tuy nhiên, một khách nữ gọi mình bằng cách búng tay và tặc lưỡi như cách gọi con vật. Mình sốc lắm, hỏi lại còn bị gắt gỏng" - Thùy cho biết.

Nhưng hai năm gắn bó với công việc phục vụ tiệc cưới đã giúp Thùy học được rất nhiều kỹ năng liên quan đến nghiệp vụ nhà hàng, cách đi đứng nói năng... Đặc biệt, Thùy học được tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, biết chú ý và quan sát hơn.

Sinh viên vào mùa làm thêm dịp tết

TTO - Việc làm thêm cho sinh viên dịp cuối năm rất đa dạng, từ bán hàng siêu thị đến phục vụ quán, gói quà tết, bảo vệ... Mức lương gấp 2-3 lần ngày thường.

M.PHƯỢNG - M.NGUYỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên