03/05/2021 10:15 GMT+7

Tranh thủ nghỉ lễ 'khám bệnh' cây xanh

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Những chuyện không may trong năm 2020 như ngã cây, tốc mái, sập cổng... để lại nhiều bài học cho các trường học ở TP.HCM. Năm nay, ngay trước mùa mưa bão, nhiều trường đã chủ động vào cuộc nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy đến với học sinh.

Tranh thủ nghỉ lễ khám bệnh cây xanh - Ảnh 1.

Cây xanh được cắt tỉa, mé nhánh gọn gàng tại Trường mầm non TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đặc biệt, các trường đã tranh thủ kỳ nghỉ lễ để rà soát cơ sở vật chất, "khám bệnh" cho cây xanh, từ đó kịp thời có những giải pháp ứng phó.

Rốt ráo vào cuộc

Trong dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4, Trường THCS Lê Lợi (Q.Tân Phú, TP.HCM) tận dụng thời gian học sinh được nghỉ để rà lại toàn bộ cây xanh và cơ sở vật chất trong khuôn viên. Quá trình kiểm tra được tiến hành khẩn trương, rốt ráo khi TP.HCM đang trong những ngày chuyển giao từ mùa khô sang mùa mưa.

Cô Trần Thị Thuận - hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi - cho biết năm 2020 đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc trong trường học do mưa bão, điển hình là vụ cây phượng bật gốc ở Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM), nên năm nay trường cảnh giác ở mức cao nhất.

Cô Thuận chia sẻ vừa qua, trường có nhờ các đơn vị chuyên môn hạ độ cao, cắt tỉa cây xanh sớm và kỹ lưỡng hơn mọi năm. Các cây có kích thước lớn trong trường đều được mé tất cả những nhánh thừa hoặc có nguy cơ gãy đổ nếu gặp mưa lớn. Những hạng mục khác từ tường rào, cổng, cửa sổ, đường điện đều được kiểm tra và gia cố khi phát hiện bất thường.

Ở Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10), chuyện mé nhánh đã được thực hiện từ rất sớm. Ông Tống Phước Lộc - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh - cho biết từ đầu năm, trường cho mé nhánh hai cây bàng lớn, đồng thời sẽ duy trì kiểm tra trong mùa mưa nhằm phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bất thường.

Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) - chia sẻ hằng năm khi bắt đầu có những cơn mưa trái mùa, trường lập tức đẩy mạnh những biện pháp phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn trường học. Mới đây, trường kết hợp với các cơ quan chức năng mé nhánh ba cây cổ thụ trong trường. 

Mọi bước đều được làm cẩn trọng và không bỏ sót bất kỳ dấu hiệu nào. Theo ông Phú, những công việc trên có tính định kỳ, nhưng tuyệt đối không thể chủ quan. Nếu làm thật kỹ có thể hạn chế được những rủi ro đến mức thấp nhất với học sinh.

Yêu cầu có kế hoạch cụ thể

Trong tháng 4-2021, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa ra kế hoạch triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP trong năm 2021. 

Văn bản do phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng ký, yêu cầu các trường cần xây dựng kế hoạch chi tiết với phương án triển khai cụ thể, nhằm ứng phó với các loại hình thiên tai và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Sở GD-ĐT yêu cầu các trường cần thông tin, cảnh báo nâng cao ý thức người lao động, học sinh, sinh viên về hạn chế rủi ro, thiệt hại, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các tình huống khi thiên tai xảy ra. 

Có thể thành lập đội xung kích, tình nguyện phụ trách tuyên truyền trong các cơ sở giáo dục về các kiến thức liên quan tới thiên tai, năng lực xử lý tình huống, sơ cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị.

Cũng theo Sở GD-ĐT TP.HCM, ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các cơ sở giáo dục cần tổ chức khảo sát, đánh giá thường xuyên về cơ sở vật chất, thảm cây xanh... Khi xảy ra bất thường cần đề nghị nhà trường khắc phục, hoặc cùng với các cơ quan có thẩm quyền khắc phục, đặc biệt khi mùa mưa năm 2021 đang cận kề.

Rất cần sự phối hợp

Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - cho biết lãnh đạo các trường phổ thông là những người làm giáo dục, rất khó nắm bắt hết những nguy cơ tiềm ẩn trong công tác đảm bảo an toàn trường học vốn đa dạng và phức tạp, từ việc kiểm tra cây xanh, nguồn điện, nguồn nước, đến hệ thống máy lạnh, mái tôn, các bảng hiệu...

Đó là chưa kể trường vẫn phải thận trọng trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19.

Trường học trực tiếp theo dõi các nguy cơ trong khuôn viên, nhưng theo ông Phú, các trường cũng rất cần sự chủ động hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn. Vì có nghiệp vụ, họ sẽ dễ dàng chỉ ra những rủi ro mà nhà trường có thể không nhìn thấy, từ đó có những gợi ý và hỗ trợ nhà trường trong việc đảm bảo an toàn trường học cho học sinh.

Quan tâm tới cả chuyện sâu bọ

Theo cô Trần Thị Thuận - hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, không chỉ rà soát cây xanh, cơ sở vật chất, nhà trường còn để ý tới sâu bọ.

"Mùa mưa tới, sâu sinh sôi mạnh trên một số cây, làm vài học sinh ngồi gần có dấu hiệu bị dị ứng. Vừa qua, trường cũng đã lập tức cho người đến phun xịt sâu, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe các em" - cô Thuận nói.

Cắt trụi cây xanh: Nhà trường họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm Cắt trụi cây xanh: Nhà trường họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm

TTO - Lãnh đạo Trường THCS Cát Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An nhìn nhận trường có thiếu sót trong quá trình giám sát việc cắt tỉa cây xanh dẫn đến việc cây xanh bị người thực hiện cắt quá tay, trông phản cảm.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên