18/04/2021 07:17 GMT+7

Tránh ngộ độc từ đồ chơi, thức ăn cổng trường

THẢO THƯƠNG - ĐOÀN CƯỜNG ghi
THẢO THƯƠNG - ĐOÀN CƯỜNG ghi

TTO - Sau câu chuyện học sinh ngộ độc từ đồ chơi trước cổng trường ở Đà Nẵng (Tuổi Trẻ ngày 17-4), nhiều ý kiến cho rằng căngtin là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa ngộ độc từ các đồ chơi, thức ăn trước cổng trường.

Tránh ngộ độc từ đồ chơi, thức ăn cổng trường - Ảnh 1.

Học sinh ở Đà Nẵng ngộ độc do chơi đồ chơi mua trước cổng trường - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong khi đó, một số ý kiến cũng cho biết vai trò của phụ huynh cũng quan trọng không kém khi khuyên bảo con không nên mua đồ không rõ xuất xứ trước cổng trường.

* Cô Trần Thị Thu Hương (hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM):

Tuyệt đối không bán hàng không xuất xứ

Hơn 1.300 học sinh của trường được sử dụng bữa ăn công nghiệp. Ngoài việc giám sát chất lượng vệ sinh thực phẩm rất chặt chẽ, căngtin cũng là nơi trường chú ý về thực phẩm, đặc biệt bữa sáng. Nơi cung cấp suất ăn công nghiệp đã có giấy chứng nhận rõ ràng, đơn vị cung cấp nguyên liệu để có những bữa ăn cũng nằm trong chuỗi đơn vị được công nhận. Thức ăn được chuyển đến trường thường xuyên được kiểm tra bằng cảm quan, trước khi học sinh ăn có bộ phận y tế, hiệu trưởng ăn thử trước.

Riêng căngtin, trường ra quy định tuyệt đối không cho bán hàng không nhãn mác, không rõ xuất xứ hoặc xuất xứ không rõ ràng. Vì dịch COVID-19 nên bữa sáng món ăn cũng chỉ là mì ly, mì gói hoặc xúc xích chiên. Tất cả được mua trong siêu thị, nguồn gốc rõ ràng. 

Ngoài cổng trường, trường kết hợp địa phương nên không có tình trạng hàng rong, hàng ăn vặt trước cổng. Tuy nhiên, ai cũng biết hiện nay có quá nhiều sản phẩm, đồ chơi thiên biến vạn hóa, tiềm ẩn những nguy hiểm, ngộ độc... nên trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phổ biến, tuyên truyền dặn dò các em trong các buổi sinh hoạt, ngoại khóa... để học sinh không mua những đồ ăn, đồ chơi độc hại.

* Cô Đặng Thu Hà (hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng, Q.6, TP.HCM):

Hạn chế mua đồ chơi trước cổng trường

Hơn 1.500 học sinh học 2 buổi/ngày của trường được ăn bán trú bởi bếp ăn ở trường và có căngtin để phục vụ bữa sáng. Tăng chất lượng, đảm bảo cho căngtin và bếp ăn ở trường, ngay từ đầu năm trong cuộc họp với cha mẹ học sinh, trường đã tuyên truyền, phổ biến kết hợp phụ huynh cùng hỗ trợ để các em hạn chế mua thức ăn, đồ chơi trước cổng trường. Ngoài ra, trong những buổi sinh hoạt đầu tuần, trong sinh hoạt Đội, bao giờ giáo viên cũng nhắc nhở các em.

Về phía hoạt động căngtin, bếp ăn, bao giờ cũng có hai nhân viên và bộ phận y tế đảm trách. Trường cũng giao hẳn việc này cho phó hiệu trưởng quản lý, kết hợp, kiểm tra hằng ngày, có lưu mẫu. 

Bữa sáng ở căngtin bán thức ăn thay đổi theo ngày như hủ tiếu, bún riêu, nui, mì gói, bánh mì; tuyệt đối không bán nước uống có gas... Với đồ chơi chỉ bán liên quan đến hoạt động thể dục thể thao, phục vụ tiết giải lao của các em như: quả cầu, bóng, dây nhảy...

* Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt (hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành, Đà Nẵng):

Cam kết đầu vào đúng tiêu chuẩn

Nếu tổ chức tốt, chất lượng căngtin trường học sẽ là biện pháp để hạn chế ngộ độc từ thức ăn, đồ chơi bên ngoài. Đối với việc tổ chức căngtin tại trường học, người thực hiện phải cam kết đầu vào đúng theo tiêu chuẩn, hạn sử dụng của hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... 

Không chỉ vậy, nhà trường sẽ có đoàn kiểm tra gồm chủ tịch công đoàn, y tế, ban thanh tra, phó hiệu trưởng. Có thể kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ. Ngoài ra, còn thông qua sự giám sát của phụ huynh cũng như tổ chức tuyên truyền dưới cờ cho học sinh về các loại đồ chơi nào không nên sử dụng, không an toàn để các em biết mà tránh...

* Chị Mai Ánh Tuyết (phụ huynh học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM):

Tin tưởng căngtin

Buổi sáng khi đưa con vào trường, không kịp ăn sáng ở nhà, tôi luôn dắt con vào căngtin, chọn món ăn, không muốn con ăn ngoài cổng trường. Tâm lý phụ huynh tin tưởng căngtin vì ở trong trường nên chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều tôi luôn mong muốn. 

Bằng cách nào đó, chẳng hạn như giám sát kiểm tra, công khai danh sách các mặt hàng bán ở căngtin với phụ huynh, cho phụ huynh được tham quan căngtin, hoặc vào trường được ăn cùng con để cùng cảm nhận, rồi góp ý kịp thời cho căngtin nâng chất lượng lên.

* Chị Hà Ánh Ngọc (phụ huynh tại Đà Nẵng):

Vai trò phụ huynh rất quan trọng

Để phòng tránh ngộ độc cho học sinh như vừa qua tại một số địa phương, vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Thực tế hiện nay rất khó kiểm soát hết các loại hàng hóa đồ chơi trẻ em, thực phẩm ở bên ngoài trường.

Nhà trường không đủ khả năng xử lý khi mà các em mua đồ chơi, thức ăn ở ngoài cổng trường. Vì vậy, phụ huynh phải có trách nhiệm trang bị, hướng dẫn cho con biết đồ chơi, thức ăn nào là an toàn hay không.

Không chỉ vậy, việc các con có tiền mua đồ chơi là do phụ huynh cho. Nếu cho con tiền, cần hướng dẫn các con sử dụng như thế nào cho đúng, an toàn.

'Chất dẻo ma quái' làm 35 học sinh ngộ độc trông như thế nào?

TTO - Liên quan đến vụ 35 học sinh chơi slime (chất dẻo ma quái) bị ngộ độc ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, người bán hàng cho biết các em mua thứ chất dẻo này về chơi và trộn với nhiều chất khác để chế ra đồ chơi theo ý thích.

THẢO THƯƠNG - ĐOÀN CƯỜNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên