Hiện nay, rất nhiều sinh viên tham gia mạng xã hội. Với quy chế công tác sinh viên vừa được ban hành, cần thận trọng hơn trong việc đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh trên mạng - Ảnh: Trần Huỳnh |
Tùy theo mức độ vi phạm, sinh viên sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, sinh viên sẽ bị giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về quy chế mới này.
Có sợ giẫm chân?
Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp cho rằng Bộ luật dân sự (BLDS) và Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành đã có quy định tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
LS Huỳnh Phước Hiệp phân tích các quy định hiện hành cũng cho phép hai bên quyền thương lượng, thỏa thuận với nhau trong trường hợp một người bị người còn lại xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Trong trường hợp hai bên chấp nhận hòa giải, thỏa thuận thì nhà trường có xử lý buộc thôi học đối tượng xúc phạm người khác hay không?
Tiến sĩ, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là đối tượng được pháp luật bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Hành vi xúc phạm người khác là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu sự chế tài của pháp luật.
Người bị xúc phạm có thể tiến hành yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại theo quy định tại điều 611 Bộ luật dân sự năm 2005.
Đối với đối tượng sinh viên còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật giáo dục, cụ thể khoản 2 điều 85 Luật giáo dục năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 là có nhiệm vụ phải thực hiện nội quy, điều lệ nhà trường và chấp hành pháp luật của Nhà nước.
"Như vậy, sinh viên sẽ phải cùng lúc chịu hình thức kỷ luật của nhà trường, hình thức kỷ luật có thể là bị đuổi học và xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ, không có bất kỳ sự giẫm chân nào giữa các quy định" - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nêu ý kiến.
Nhà trường chỉ nên định hướng?
Trao đổi với TTO, một chuyên gia giáo dục cho rằng sinh viên là đối tượng trên 18 tuổi, không thể áp dụng các quy định giống như học sinh THPT, THCS hay tiểu học.
Bản thân các sinh viên là thanh niên, họ có thể tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, vai trò của nhà trường chỉ nên dừng lại ở giáo dục, còn các mối quan hệ xã hội nên để xã hội và pháp luật điều chỉnh.
Đồng tình với ý kiến này, thạc sĩ (ThS) tâm lý học Lê Thị Minh Hoa cũng cho rằng nhà trường chỉ nên dừng ở mức độ nhắc nhở, giáo dục sinh viên bằng việc tổ chức các khóa học hướng dẫn cho các em cách tham gia mạng xã hội như thế nào là an toàn, hiệu quả nhất.
“Định hướng cho các bạn trong việc dùng lời lẽ ra sao trên mạng xã hội, những gì nên và không nên chia sẻ… là điều cần thiết trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay và ai cũng có thể lên mạng để bày tỏ cảm xúc cá nhân” - bà Minh Hoa chia sẻ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục cho rằng nhà trường có thể lồng ghép các thông điệp về sử dụng Internet, phát ngôn trên mạng xã hội vào trong các hoạt động của mình để sinh viên ý thức được tầm ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng của việc phát ngôn, chia sẻ… bừa bãi, thiếu cẩn trọng trên Internet.
Những vụ học sinh bị kỷ luật, bị đình chỉ học vì hành vi sử dụng mạng xã hội không đúng mực từ trước đến nay không phải là hiếm. Cách đây ba năm đã có vụ nữ sinh lớp 8 ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) bị buộc thôi học một năm vì lý do dùng Facebook ra lời kêu gọi chống phá kỳ thi của trường kèm lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo. Tháng 11 năm ngoái, Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cũng buộc thôi học 10 ngày một học sinh lớp 12 vì nói xấu cô giáo trên Facebook. Ba học sinh liên quan đến vụ dùng Facebook mạo danh thành viên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để đe dọa, kích động khủng bố cũng bị Bộ Công an làm việc và giao chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường giáo dục, quản lý. |
Các quy định của pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm Điều 20, điều 21 của Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người đều có bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Theo điều 37 Bộ luật dân sự năm 2005, danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền nhân thân cơ bản của cá nhân và được pháp luật bảo vệ. Theo điểm a khoản 1 điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, hành vi xúc phạm người khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Theo điểm g khoản 3 điều 66 nghị định 174/2013/NĐ-CP, người nào cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội làm nhục người khác, theo đó người nào làm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> LS Huỳnh Phước Hiệp:
>> ThS Lê Thị Minh Hoa:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận