31/07/2014 14:12 GMT+7

Tranh luận việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học

Vũng Rú Quế Phong (vungru@...)
Vũng Rú Quế Phong (vungru@...)

TTO - Bỏ cho điểm học sinh tiểu học là cần thiết! Liệu việc bỏ cho điểm có giúp học sinh tiến bộ? Không cho điểm, chỉ nêu những nhận xét có "đẻ" thêm việc cho giáo viên đã quá nhiều việc hiện nay?...

Đó là những luồng ý kiến khác nhau của bạn đọc Tuổi Trẻ Online liên quan nội dung dự thảo bỏ chấm điểm trong đánh giá thường xuyên, tăng nhận xét trong việc đánh giá học sinh tiểu học, vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra thảo luận.

5ZNqzWul.jpgPhóng to
Các đại biểu dự hội nghị xem sách dành cho học sinh tiểu học - Ảnh tư liệu

* Điểm số là thước đo chính xác

+ Đánh giá không bằng điểm số rất chung chung và mơ hồ. Cứ thang điểm 1 đến 10 là chuẩn. Muốn chính xác hơn thì tăng lên thang 20, 50 hoặc 100. Đánh giá không bằng thang điểm mới dễ chạy theo thành tích! Chạy theo thành tích trước hết phải kể đến nhà trường, giáo viên vì ảnh hưởng trực tiếp lợi ích của họ. Học sinh đi học chỉ để kiếm kiến thức.

+ Có lẽ nào một đứa trẻ ở bậc tiểu học (cấp học cơ sở) muốn học thì học mà không học thì thôi? Bởi vì có học cũng không được đánh giá thông qua điểm số.

Mục đích của đổi mới là tạo hứng thú và ham mê trong việc học chứ không phải không đánh giá rồi thông qua một số tiêu chí rất mơ hồ (giỏi một môn, giúp đỡ bạn học, ngoan ngoãn...) để đánh giá học sinh.

* "Đẻ" đủ kiểu việc cho giáo viên

+ Trường tôi cũng áp dụng việc này từ giữa học kỳ năm ngoái. Là giáo viên dạy lớp 1, tôi thấy bản thân người giáo viên có thời gian quan tâm học sinh của mình thì không đợi có cái quy định này mới khích lệ học sinh.

Nhưng tôi thấy bất cập ở chỗ: Lớp tôi có tới 40 em, thời gian đâu mà tôi cập nhật cái sổ đó hằng tuần.

Trong khi trường tôi quy định giáo viên phải ghi nhận xét vào từng quyển vở. Thử hỏi thời gian đâu mà tôi ghi cho hết. Đó là chưa kể giáo án, đủ loại sổ sách không tên ngoài quy định của ngành. Cũng là cho điểm nhưng tôi luôn gọi học sinh lên để chỉ ra cái sai của mình.

Nếu mà chỉ để dành thời gian ra ngồi nghĩ cách phê cho phụ huynh đọc (lớp 1 chưa đọc được) thì có nên không. Một tuần trả sổ về cho phụ huynh xem một lần. Ôi thôi là…

Mục đích lớn nhất vẫn là để khích lệ từng em thì cần gì dài dòng trong quyển sổ đó. Sao không giảm những loại sổ sách khác của giáo viên để họ có thể vui vẻ gọi nhiều học sinh lên để sửa bài trong ngày… Đó là chưa kể ban giám hiệu khen chê sổ cô này viết hay, cô kia viết dở, cô này phê chưa sát học sinh…

Đủ kiểu "đẻ" việc ra cho giáo viên làm...

+ Bản thân tôi là một giáo viên tiểu học. Một ngày ở trường phải dạy 2 buổi, sáng dạy 4 tiết, chiều dạy thêm 2 tiết. Một lớp có 40 em. Bình quân chỉ lấy 4 tiết x 40 em = 160 lần nhận xét.

Nếu chấm bằng điểm thật sự đã rất "choáng" . Đằng này phải nhận xét 160 lần, mỗi lần ít nhất cũng 2 câu mới toát hết ý muốn nói với học sinh.

Liệu các nhà quản lý đã nghĩ đến điều này?

Có lẽ tôi phải in sẵn các câu nhận xét rồi cắt dán vào vở mới xong việc.

+ Điểm số vẫn là công bằng nhất. Là phụ huynh ai cũng muốn con mình được điểm tốt, điểm cao chứ không cần đọc những lời nhận xét mang tính hình thức.

Từ xưa đến giờ, chúng tôi học vẫn nhận được những điểm số xứng đáng với sức học của mình. Cứ đem cái áo rộng thùng thình mà mặc vào con người nhỏ thó thì xem có đặng không?

+ Lại mơ hồ trong đánh giá. Điểm số chính là thước đo đánh giá chất lượng học tập của mỗi học sinh. Qua đó giáo viên sẽ biết được em nào dở, hay môn nào mà bồi dưỡng. Nếu vứt thước đo đi thì dựa vào đâu để đánh giá. Việc này chỉ tạo điều kiện cho đại dịch "ngồi nhầm lớp" phát triển trở lại.

+ Đã học hành là phải có kiểm tra, đánh giá, xếp loại mới giúp người học nhận ra mình ở đâu, mọi người ở chỗ nào. Việc bỏ dần cho điểm chỉ nhằm khắc phục 1 hiện tượng là giáo viên đọc cho học sinh chép bài để lấy điểm cao nhưng có thể dẫn đến hiện trạng rồi đây các cháu sẽ không cần học và không phải học gì nữa.

+ Thang điểm từ 1 đến 10 rõ ràng, đánh giá học sinh là chuẩn nhất. Thay đổi kiểu này, về sau các cháu học sinh đâu biết dựa vào cơ sở nào để phấn đấu. Cả phụ huynh lấy gì để kiểm tra việc học tập của các cháu.

Việc đánh giá bằng định tính là thiếu khách quan, thậm chí là thiếu trung thực của một số thầy cô (liên quan đến việc có học thêm hay không học thêm, có tình cảm hay không có tình cảm với em học sinh đó) dẫn đến việc đánh giá thiếu công bằng và khó có thể công tâm.

+ Bỏ cách đánh giá cho điểm học sinh tiểu học là không tốt. Vì khi người học dù bậc học nào đi chăng nữa cũng cần có kết quả nhất định. Hơn nữa có điểm thì mới khích lệ các cháu. Ở lứa tuổi này lại thích được khen. Như vậy mới khích lệ các cháu học tập các buổi tiếp theo.

Do vậy, theo tôi, bỏ cách đánh giá bằng cho điểm là không tốt, không nên.

+ Khi đưa ra dự thảo này đã có xét về năng lực và đạo đức làm việc của giáo viên chưa? Hay là sau khi áp dụng, các phụ huynh hằng tháng phải gặp thầy cô chủ nhiệm thăm hỏi và "quan tâm" đến giáo viên chủ nhiệm nhiều hơn? Thật sự việc chạy thành tích thì có nhiều cách kiểm tra, tại sao dùng phương pháp này?

Coi chừng giải pháp đưa ra học sinh là nạn nhân của cải cách.

* Bỏ cho điểm là một bước tiến quan trọng

+ Đây rõ ràng là một bước tiến quan trọng. Nền giáo dục phải thay đổi từ gốc đến ngọn như vậy mới có thể chuyển mình được. Học sinh tiểu học chắc chắn là không cần cho điểm. Các em có thể vừa học vừa chơi, không lo sợ bị điểm thấp, bị cô giáo phạt hay cha mẹ phạt.

Thay vào đó chúng ta có thể làm nhiều điều khác để phát triển toàn diện phẩm chất cho các em. Tiên học lễ hậu học văn, có lẽ đã đến lúc có thể thực hiện triệt để.

+ Thật tuyệt vời. Đây mới là sự đổi mới tư duy giáo dục, cởi được nút thắt này sẽ hạn chế tối đa việc dạy thêm học thêm, việc chạy theo thành tích vốn chỉ làm khổ học sinh, cha mẹ mà không hề nâng cao chất lượng giáo dục.

Trẻ em cấp I không nên đặt nặng khối lượng kiến thức quá nhiều, trẻ cần vui chơi nhiều hơn và được chỉ dẫn những kỹ năng của một xã hội văn minh.

+ Thực hiện được thì quá tốt. Lứa tuổi tiểu học không chấm điểm là chính xác, vì điểm số không thể hiện được gì ở tuổi này. Sự thực là hiện nay số học sinh giỏi luôn là 100%, trừ một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt mới không được xếp loại giỏi.

Thay vì chấm điểm chữ viết, điểm cộng trừ... những thứ không cần học rồi cũng biết, thì hãy tạo điều kiện để các cháu tư duy sáng tạo để khám phá khả năng bản thân qua âm nhạc, hội họa, thể thao và các môn phát triển trí tuệ, thể chất và học các kiến thức cơ bản nhất qua các hoạt động này.

Chấm điểm định lượng chỉ nên bắt đầu ở cấp THCS khi học sinh đã có ý thức về cạnh tranh. Bỏ chấm điểm thì giáo viên sẽ vất vả hơn nhiều, nhất là các lớp đông (50-70 học sinh).

Không biết các cô sẽ phải làm cách nào để nhận xét khách quan được từng cháu?

+ Bước tiến lớn. Khó thực hiện nhưng phải làm. Theo quan điểm cá nhân, giáo dục bậc tiểu học là nhằm bồi dưỡng nhận thức và nhân cách của các em. Do đó nên chú trọng xây dựng tính tự giác, khả năng tự đánh giá bản thân của các em. Được vậy thì không cần phải dùng tới điểm số để đảm bảo chất lượng học nữa, vì thật ra điểm bây giờ chỉ để kiểm tra xem các bé có chịu "gạo" trước khi thi không mà thôi.

Hơn nữa, việc đánh giá cũng cần khéo léo, không nên để các em có sự so bì lẫn nhau (giống như việc không nên công khai điểm các em cho nhau), mà (nếu được) nên góp ý riêng.

Và hãy để các em có cơ hội tự đánh giá bản thân và bạn bè, bởi chính các em là người hiểu rõ mình đang ở đâu chứ đừng tán dương hoặc vùi dập các em quá mức, khi đó các em sẽ biết phải rèn luyện thêm điều gì (về phần này thì thầy cô có thể tư vấn thêm cho các em).

+ Ở cấp này, giáo viên có trách nhiệm nặng nề là phát hiện các điểm nổi trội và ưu tú của các em để làm nền móng phát triển tài năng sau này. Lên cấp II với những gì ghi nhận được từ cấp I, các em tiếp tục được theo dõi và đánh giá định lượng (cho điểm).

Cho điểm cũng không phải để so sánh các em với nhau mà để theo dõi xem với sự lựa chọn môn học các em có sự tiến bộ hay không, từ đó giáo viên sẽ cùng gia đình định hướng lại hoặc khuyến khích các em tiến bộ hơn.

Quan điểm của bạn về việc này? Con, em của bạn (đang học tiểu học) thích được cho điểm hay chỉ là những lời nhận xét? Kinh nghiệm giáo dục của các nước mà bạn biết? Sáng kiến của bạn trong việc khuyến khích trẻ học tập tốt hơn?

Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài viết.

Trân trọng.

Mời đọc thêm:

Vũng Rú Quế Phong (vungru@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên