Báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết loại ý kiến thứ nhất thống nhất bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo luật, đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ hơn để bảo đảm quyền lợi của các bên, tránh lợi dụng thương mại hóa. Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị chưa nên quy định vấn đề này, lo ngại sẽ phát sinh nhiều hệ lụy như việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên, nhất là đối với trẻ em. Đó là chưa kể băn khoăn quy định này liệu có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện quan điểm: việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, phúc đáp nhu cầu thực tiễn. Nếu pháp luật không quy định thì một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm, tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời không tránh khỏi phát sinh việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục. Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong luật, đồng thời cho biết chỉnh sửa nhiều quy định của dự thảo luật.
Mặc dù đã được thuyết phục như vậy, nhưng không ít đại biểu vẫn thể hiện quan điểm của mình chưa nên đưa quy định việc mang thai vào dự thảo luật. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) nói người chịu ảnh hưởng nhiều nhất (chịu hậu quả pháp lý và xã hội) chính là đứa trẻ sinh ra từ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp? Đứa trẻ sinh ra không thể gọi người cưu mang mình trong quá trình thai kỳ là “người mang thai hộ”, mà phải gọi là mẹ. Như vậy thì trong hồ sơ pháp lý cá nhân, phần khai về người mẹ, ngoài việc phân biệt: mẹ ruột, mẹ nuôi, còn có thêm “mẹ mang thai hộ”. “Tôi cho rằng điều này sẽ rất khó xử và suy cho cùng không mang lại ý nghĩa tích cực, chí ít là trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta” - đại biểu Ngọc Hạnh quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình.
Chốt lại, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng - điều khiển phiên thảo luận - quyết định sẽ tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu riêng đối với quy định về mang thai hộ trước khi trình dự thảo luật để Quốc hội biểu quyết thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận