Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, cử tri một số tỉnh thành kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 2 đến 5-9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
Nghỉ thêm ngày lễ để đưa con đi khai giảng
Phản hồi đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Sơn nêu ý kiến: "Nên chăng kéo dài kỳ nghỉ Quốc khánh thêm 1-2 ngày, để người lao động có thời gian nghỉ dài thêm chút. Như Tết Nguyên đán thường là đầu tháng 2, nghỉ 5 ngày. Sau 3 tháng làm việc thì nghỉ 30-4 và 1-5 thêm 3-4 ngày nữa.
Tiếp sau đó là làm việc 4 tháng, được nghỉ thêm 3-4 ngày Quốc khánh 2-9 nữa. Sau đó làm việc 3-4 tháng lại nghỉ Tết. Tính trung bình 3-4 tháng người lao động sẽ được nghỉ 3-4 ngày sẽ hợp lý hơn".
Độc giả Hong Viet cho rằng: "Cho nghỉ thêm ngày là biện pháp tăng lương mà không mất thêm ngân sách trả lương, kích thích du lịch, tiêu dùng, giảm áp lực căng thẳng công việc. Bố trí sao phù hợp, người dân sẽ ủng hộ".
Song, bạn đọc Trương Mùi bày tỏ: "Nghỉ nhiều thì chỉ có cán bộ công nhân viên là sướng thôi vì nghỉ mà vẫn có lương.
Còn những người lao động tự do, doanh nghiệp tư nhân thì nghỉ nhiều đồng nghĩa với treo niêu".
"Không nên nghỉ nhiều như thế. Chỉ có công chức, viên chức hưởng lương thấy vui. Còn các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng rất nhiều về sản xuất.
Công chức xuất nhập khẩu nghỉ thì xuất nhập khẩu kéo dài, bị phạt hợp đồng nữa. Kiến nghị không nên kéo dài ngày nghỉ 2-9", độc giả tên Hưng ý kiến.
Theo bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp: "Việc cả nước có 11 ngày nghỉ là đã đủ. Mỗi khi cơ quan hành chính nghỉ lễ, người dân, doanh nghiệp có việc cần cũng không giải quyết được".
Tranh luận lại, bạn đọc Ngọc Thành cho rằng: "Đã là ngày nghỉ lễ thường niên thì doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, có phải nghỉ đột xuất đâu mà kêu khó".
Trong khi đó, nhiều bạn đọc góp ý: "Muốn tăng thêm ngày nghỉ lễ, tôi nghĩ nên tăng thêm 2 ngày nữa trong dịp Tết Nguyên đán để mọi người làm ăn xa có thời gian sum họp gia đình nhiều hơn".
Đồng tình, bạn đọc Bá Minh bày tỏ: "Ngày Tết là ngày cần nghỉ dài ngày nhất để bà con có điều kiện về quê sum họp gia đình. Theo lịch bây giờ nghỉ 5 ngày là quá ít. Cần dành thêm hai ngày nghỉ cho dịp Tết là hợp lý (một ngày trước Tết, một ngày sau Tết)".
Công đoàn chưa đề xuất tăng ngày nghỉ lúc này
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đình Quảng, phó trưởng ban chính sách - pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bày tỏ đồng tình với mong muốn của công nhân lao động về tăng ngày nghỉ lễ.
Trước đó, khi tham gia ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động, tổ chức Công đoàn đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ, ví dụ dịp Quốc khánh. Chẳng hạn, Trung Quốc cho nghỉ Quốc khánh 3 ngày, Việt Nam có thể cân nhắc nghỉ thêm, vượt đến ngày 5-9, tức ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Tuy nhiên, ông cho rằng: "Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 đã nâng số ngày nghỉ lễ Tết từ 10 ngày lên 11, đảm bảo cân đối ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ lễ. Tuy ngày nghỉ lễ Tết của chúng ta thấp so với khu vực, song nay chưa phải là thời điểm để đề xuất vì phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội".
Bộ luật Lao động 2019 nêu có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày), Ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động (2 ngày), Quốc khánh (2 ngày).
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Úc, Đức và nhiều quốc gia khác đa phần chỉ nghỉ 1 ngày trong dịp Quốc khánh.
Tại Canada, nếu Quốc khánh 1-7 trùng vào thứ bảy hoặc chủ nhật, người dân sẽ được nghỉ bù vào ngày thứ hai.
Riêng tại Trung Quốc, kỳ nghỉ Quốc khánh 1-10 thường kéo dài 3 ngày. Năm nay, kết hợp với ngày nghỉ điều chỉnh và cuối tuần, kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc kéo dài tới 7 ngày (từ 1 đến 7-10). Dịp này được xem là "tuần lễ vàng" của Trung Quốc.
Thăm dò ý kiến
Xung quanh việc cử tri đề nghị mỗi năm tăng thêm hai dịp nghỉ, gồm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) và thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh để công nhân đưa con đến trường khai giảng năm học (5-9), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận