Cô Vũ Thúy Hòa (phải) - tổ trưởng tổ dân phố 80, khu phố 5, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - đang trao đổi với người dân trong khu phố của mình quản lý - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Tinh giản tổ dân phố, tổ nhân dân để làm gọn bộ máy
Thật ra, việc tinh giản tổ dân phố để làm gọn lại bộ máy đã có chủ trương cách đây 6 năm.
Mục tiêu trên được đề cập tại nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Gò Vấp vào chiều 22-11, khi có nhiều ý kiến của cử tri nêu phản ảnh sự bất công đối với cán bộ không chuyên trách, cán bộ cấp cơ sở ở phường, xã, nhất là ở cấp tổ dân phố, tổ nhân dân, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ xóa tổ dân phố, tổ nhân dân.
"Hiện nay, TP.HCM đang duy trì mô hình hai cấp: khu phố - ấp theo quy định và thêm một cấp trung gian là tổ dân phố - tổ nhân dân. Sắp tới, khi sắp xếp lại thì chỉ còn một cấp, đó là khu phố - ấp. Theo đó, sẽ còn lại 5.452 ấp - khu phố và nhân sự cũng sẽ từ hơn 50.000 người giảm chỉ còn khoảng 26.000 người" - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.
Ủng hộ ý kiến này, bạn đọc Minh Tuấn viết: "Một quyết định lẽ ra phải được thực hiện sớm hơn, nên dẹp bỏ những cái râu ria ôm đồm lẽ ra không nên có".
Phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, phân công phân nhiệm cụ thể, đồng thời phải đảm bảo mức sống cho họ, nhiều bạn đọc cho rằng lẽ ra công việc của tổ trưởng tổ dân phố phải do các cán bộ phường xã làm, đằng này giao hết cho tổ trưởng dân phố là điều không hợp lý.
Về ý này, bạn đọc Thuan Duc Nguyen viết: "Tổ dân phố, nghe có vẻ như một tổ chức xã hội, làm mọi việc có lợi cho dân trong tổ dân phố đó, nhưng thực chất UBND phường, xã kêu gì làm nấy. Người tổ trưởng, tổ phó có quyền hành thế nào, đố ai biết; hằng ngày phải làm cái gì, đố ai hay".
Và theo bạn đọc này, những việc mà các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố làm nên giao cho các cán bộ UBND phường, xã làm, nghĩa là cần dẹp tổ chức "tổ dân phố", "tổ nhân dân".
Bổ sung, bạn Huy Trần viết: "Phần lớn tổ trưởng tổ dân phố là những người lớn tuổi, do đó tôi rất ủng hộ để các bác lớn tuổi nghỉ ngơi. Nên tăng cường lực lượng để tiến tới chuyên nghiệp".
Nên giữ lại
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ việc tinh gọn bộ máy hướng đến chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, cũng có không ít bình luận cho rằng không nên xóa bỏ tổ dân phố vì đây là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp hỗ trợ từng hộ gia đình mỗi khi có việc cần.
"Không có tổ dân phố thì công cuộc chống dịch vừa qua không biết thực hiện thế nào? Tôi rất đồng tình bỏ tổ nhân dân vì rất khó bầu, không ai muốn làm, còn tổ dân phố thì nên giữ" - bạn đọc Mạnh Quyết viết.
Cùng nhắc giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, hình ảnh các tổ trưởng, tổ phó dân phố mang từng gói quà, từng viên thuốc đến từng hộ gia đình hỗ trợ người dân, được ví như những người hùng tuyến đầu xung trận, bạn đọc nick name Pin viết: "Tôi thật sự không hình dung ra nếu như đợt chống dịch COVID-19 vừa rồi mà không có sự hỗ trợ của lực lượng tổ dân phố. Vì thế nên sắp xếp lại, chứ không nên bỏ".
Ôn cố tri tân, coi trọng tình làng nghĩa xóm, nhưng không vì thế mà đi ngược lại xu hướng tất yếu của thời cuộc, một số bạn đọc cũng nêu ý kiến rằng việc TP.HCM rà soát, phân công phân nhiệm lại đội ngũ tổ dân phố, tổ nhân dân là đúng, phù hợp với thực tế phát triển của xã hội.
Về ý này, bạn đọc Hai Sài Gòn viết: "Tương lai gần, khi xã hội phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì cũng nên xóa luôn khu phố, ấp, thôn trên cả nước, chỉ còn phường, xã, thị trấn là đủ".
Bổ sung, bạn đọc Thảo nêu ý kiến: "Đúng vậy, không cần tổ dân phố, khu phố nữa, giờ công nghệ thông tin chỉ cần nhắn một tin là dân nắm hết. Nên phân công cán bộ phường phụ trách cùng với công an khu vực nắm tình hình là tốt rồi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận