Thông tư 22/2023 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực ngày 1-7-2024, quy định người dân vay tín dụng để mua nhà ở thương mại bảo đảm bằng bất động sản là chính nhà ở thương mại đó thì tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đối với trường hợp nhà ở thương mại đã được hoàn thành để bàn giao, tức là nhà ở thương mại có sẵn.
Điều này có nghĩa không cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho người dân vay để mua nhà ở thương mại chưa hoàn thành để bàn giao (tức là nhà ở thương mại hình thành trong tương lai) được bảo đảm (thế chấp) bằng chính căn nhà đó.
Một số ý kiến lo lắng quy định trên có thể gây khó khăn, cản trở hoạt động bình thường của thị trường bất động sản, tác động tiêu cực đến tiến trình phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản cả trước mắt và lâu dài.
Bảo vệ quyền lợi người mua nhà
Tuy nhiên, đa số phản hồi của bạn đọc cho rằng khi thông tư trên có hiệu lực sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người mua nhà, chấm dứt tình trạng "mượn đầu heo nấu cháo" của các công ty bất động sản không có năng lực.
Bạn đọc Nguyễn Tuấn Anh lên tiếng: "Ủng hộ không cho vay với bất động sản hình thành trong tương lai. Đó là bảo vệ người dân và cả ngành ngân hàng, cả nền kinh tế. Chủ đầu tư lởm giờ nhiều lắm, không tin được".
Với tư cách là người mua nhà, bạn đọc Đặng Hinh "hoàn toàn ủng hộ quy định này. Đây là biện pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng chủ đầu tư không có năng lực tài chính vẫn huy động tiền đặt cọc mua chung cư rồi dây dưa không xây dựng".
Theo bạn đọc Thế: "Mua nhà ở hình thành trong tương lai là 5 ăn 5 thua vì chưa chắc chủ đầu tư sẽ hoàn thành việc xây dựng. Lại đem chính tài sản không chắc chắn có đó làm tài sản đảm bảo cho khoản vay thì càng nguy hiểm. Rủi ro cho cả ngân hàng và người mua nhà".
Còn bạn đọc Minh Trần chia sẻ: "Quy định cấm cho vay với nhà ở hình thành trong tương lai là đúng rồi. Chấm dứt vấn nạn nhiều chủ đầu tư mượn đầu heo nấu cháo gây ra rất nhiều hệ lụy".
Cơ hội ổn định thị trường bất động sản
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng: "Việc không cho phép tổ chức tín dụng cho cá nhân vay tín dụng để mua nhà ở thương mại hình thành trong tương lai được bảo đảm thế chấp bằng chính căn nhà đó là không phù hợp, không đồng bộ, không thống nhất với các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 cũng như các luật hiện hành và các luật vừa được thông qua liên quan đến bất động sản".
Nhiều bạn đọc đã tranh luận lại với nhận định trên.
Bạn đọc Hai Le có ý kiến: "Thông tư này rất đúng đắn để đảm bảo quyền lợi người mua nhà, hạn chế đầu cơ lướt sóng, hạn chế rủi ro cho ngân hàng. Đưa thị trường bất động sản đi vào ổn định, không còn thời vẽ dự án ra rồi bán hay huy động vốn dạng góp đầu tư nữa. Các nhà phát triển bất động sản phải làm ăn đàng hoàng bằng năng lực sẵn có".
"Thực tế thị trường bất động sản còn chưa ổn định. Nếu quy định nào trước đây vênh với thông tư này thì cần điều chỉnh cho phù hợp, để ổn định thị trường bất động sản" - bạn đọc Tran Thu đề nghị.
Đồng tình, bạn đọc Tu Van bày tỏ: "Không ít người mua nhà ở hình thành trong tương lai nhưng dính phải dự án dừng vô thời hạn, nhà chưa thấy đâu mà ôm cục nợ ngân hàng. Hãy sửa đổi các luật và văn bản dưới luật có liên quan để thông tin trên sớm có hiệu lực".
Và bạn đọc Le kết luận: "Thông tư này vừa bảo vệ được quyền lợi người mua nhà vừa tạo cơ hội cho các công ty bất động sản có năng lực thực sự phát triển, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng, hạn chế được tình trạng tranh chấp, khiếu kiện...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận