04/08/2013 09:10 GMT+7

Tranh luận quanh đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT

H.HG. - L.TRANG - TRỊNH VĨNH HÀ
H.HG. - L.TRANG - TRỊNH VĨNH HÀ

TT - Sau gợi ý của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về việc đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các chuyên gia, nhà giáo...

62gajP5c.jpgPhóng to
TS Nguyễn Cam và GS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Hoàng Hương - N.C.T.

Tỉ lệ tốt nghiệp gần 100% của một số địa phương đã gây bức xúc cho nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay và hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng giải quyết phù hợp và rốt ráo.

* Thầy TRẦN HƯỜNG (nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP.HCM):

Bỏ vì độ tin cậy không cao

"Tôi đã nhiều lần đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một kỳ thi quốc gia gây áp lực lớn cho học sinh, phụ huynh, giáo viên; gây tốn kém nhiều sức lực, tiền bạc nhưng hiệu quả không bao nhiêu"

TS Nguyễn Cam

"Nếu chỉ vì đánh giá thi cử thiếu nghiêm túc, tỉ lệ đỗ năm nào cũng tới 95-97% mà bỏ thi tốt nghiệp thì đó là một giải pháp tiêu cực, đồng nghĩa với thả nổi chất lượng giáo dục phổ thông"

GS Nguyễn Minh Thuyết

Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề thi tốt nghiệp nữa. Vì kết quả kỳ thi đã gây nghi ngờ cho nhân dân và cả lãnh đạo ngành GD-ĐT (bởi vậy nên mới có “cuộc họp tối mật” của giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh thành với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để kéo giảm tỉ lệ tốt nghiệp xuống). Một kỳ thi gây áp lực, tốn kém nhiều nhưng kết quả lại không có độ tin cậy cao thì nên bỏ. Thay vào đó, Bộ GD-ĐT nên tập trung nghiên cứu để có phương pháp tuyển sinh đại học phù hợp hơn, khoa học hơn.

Những năm gần đây, đề thi tuyển sinh đại học được đánh giá có cải tiến nhưng phương án tuyển sinh chung với “điểm sàn” thì vẫn chưa ổn. Xã hội vẫn mong một cách thức tuyển sinh khác.

* TS NGUYỄN CAM (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Cần kiểm định chất lượng giáo dục

Tôi đã nhiều lần đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một kỳ thi quốc gia gây áp lực lớn cho học sinh, phụ huynh, giáo viên; gây tốn kém nhiều sức lực, tiền bạc nhưng hiệu quả không bao nhiêu. Kết quả của một kỳ thi phụ thuộc vào người coi thi và công tác chấm thi. Độ nghiêm túc trong công tác coi thi thì mỗi địa phương mỗi khác, thực tế cho thấy Bộ GD-ĐT không thể kiểm soát nổi tất cả địa phương về vấn đề này. Công tác chấm thi cũng có sự chênh lệch lớn vì vẫn còn nhiều môn thi ra đề theo kiểu tự luận. Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100% của các tỉnh thành có thực chất không?

Việc kiểm tra xem học sinh học hết cấp THPT có đạt được trình độ chuẩn của bậc học không nên giao về cho các địa phương. Các tỉnh thành tự ra đề và công bố kết quả. Công việc của Bộ GD-ĐT là tăng cường thanh tra, kiểm định chất lượng giáo dục. Việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông không chỉ làm từ một phía là cơ quan quản lý giáo dục. Nó phải được đánh giá ngoài, tức phải có những tổ chức chuyên về kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá (đây là những tổ chức kiểm định độc lập chứ không phải trực thuộc Bộ GD-ĐT). Ví dụ với những địa phương khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế mà công bố tỉ lệ tốt nghiệp quá cao thì Bộ GD-ĐT sẽ tập trung kiểm tra, nếu thấy có bất thường là không công nhận kết quả tốt nghiệp đó.

* TS NGUYỄN KIM DUNG (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM):

Kỳ thi 2 trong 1

Thật ra dư luận đã bàn tán nhiều xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT. Rằng tỉ lệ đậu cao như thế thì tổ chức thi làm gì, rồi cũng có dư luận về việc chạy theo thành tích của các địa phương... Tuy nhiên, theo tôi, trước khi đưa ra một quyết định gì Bộ GD-ĐT cần có một cuộc nghiên cứu cụ thể để có kết luận rõ ràng: tỉ lệ tốt nghiệp trong những năm qua có phản ánh chính xác chất lượng giáo dục phổ thông không, học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT có đáp ứng được những yêu cầu cần thiết không,...

Với điều kiện như ở nước ta hiện nay, tôi mong có thể bỏ bớt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó mình sẽ tổ chức kỳ thi 2 trong 1: vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa để tuyển sinh vào đại học. Kỳ thi 2 trong 1 sẽ tiết kiệm được sức lực, tiền bạc của xã hội. Đối với một số trường đại học nổi tiếng có thể tổ chức đợt phỏng vấn (hoặc thi tuyển) riêng để tuyển sinh cho phù hợp với yêu cầu đào tạo. Muốn làm được như vậy cần có một đội ngũ chuyên nghiệp về kiểm tra, đánh giá để có thể biên soạn những đề thi phù hợp với hai mục tiêu trên.

* GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Nên thay đổi cách làm

Kỳ thi nặng tính hình thức, đối phó, tốn kém, ngành GD-ĐT các địa phương bị áp lực từ nhiều phía phải chạy theo thành tích ảo là có thật. Đây cũng là vấn đề đã và đang gây bức bối trong dư luận xã hội. Nhưng không phải tổ chức kém thì thôi bỏ đi cho xong. Cần phải nghĩ tới chất lượng nguồn nhân lực. Nếu chỉ vì đánh giá thi cử thiếu nghiêm túc, tỉ lệ đỗ năm nào cũng tới 95-97% mà bỏ thi tốt nghiệp thì đó là một giải pháp tiêu cực, đồng nghĩa với thả nổi chất lượng giáo dục phổ thông. Chúng ta đã và đang có một nền giáo dục nuông chiều con em. Bỏ thi có thể bớt việc, bớt tốn kém nhưng sẽ như thế nào nếu những thế hệ học sinh sau này càng sa sút hơn?

Nhìn ra các quốc gia khác có thể mỗi nơi có một chương trình, cấu trúc giáo dục phổ thông khác nhau, nhưng tôi hiếm thấy nơi nào bỏ thi tốt nghiệp phổ thông. Một số nước đã bỏ thi tốt nghiệp phổ thông bây giờ lại cân nhắc khôi phục kỳ thi này. Trở lại kỳ thi tốt nghiệp THPT của ta, tuy chưa thực chất nhưng vì có thi nên một bộ phận lớn học sinh vẫn phải học, các trường vẫn phải nỗ lực hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Không thi nữa thì chuyện này sẽ không có. Kỳ thi cuối cấp không chỉ để đánh giá học sinh mà còn là một kênh quan trọng đánh giá chương trình, sách giáo khoa, giáo viên và việc tổ chức dạy học, là cơ sở để điều chỉnh các yếu tố tác động tới chất lượng giáo dục. Với thực trạng hiện nay, chúng ta không nên bàn chuyện bỏ thi mà nên bàn xem đổi mới kỳ thi, cách đánh giá học sinh phổ thông như thế nào.

Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT không nên đứng ra tổ chức kỳ thi này mà giao hẳn cho các địa phương, cụ thể giao các sở GD-ĐT tổ chức. Nên để mỗi địa phương tự đặt ra thời gian tổ chức thi khác nhau, đề thi khác nhau, thậm chí có thể có phương án thi cụ thể khác nhau. Thí sinh vì lý do nào đó không dự thi được ở nơi mình học THPT thì có thể đăng ký tham dự kỳ thi của địa phương khác tổ chức... Tôi không nghĩ giao cho địa phương sẽ tiêu cực hơn đâu. Vì chỉ khi trách nhiệm được thật sự giao về cho địa phương thì họ mới lo làm cho tốt. Kết quả tốt nghiệp lúc đó không phải yếu tố để tỉnh này so với tỉnh kia, để tính điểm thi đua hoặc để trừ điểm thi đua như thời gian vừa qua nữa, các địa phương sẽ chỉ còn một mục tiêu là phải làm thế nào duy trì và nâng chất lượng giáo dục.

Ý kiến bạn đọc

Hàng trăm ý kiến của bạn đọc đã gửi đến Tuổi Trẻ bày tỏ quan điểm về “có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?”.

* Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay bằng xét tuyển như đối với THCS. Tôi đã tham gia giảng dạy tại THPT và coi thi tốt nghiệp 10 năm. Nhìn chung, tôi nhất trí với quan điểm bỏ kỳ thi vất vả, tốn kém mà nên thay bằng xét tuyển. Thực tế chứng minh việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, thay bằng xét tuyển không ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Bộ chưa sẵn sàng thì có thể tham khảo ý kiến giáo viên trực tiếp giảng dạy và phải làm nhiệm vụ coi thi THPT trên toàn quốc, chắc chắn sẽ có câu trả lời phù hợp với thực tiễn.

Trần Thanh (nguyentrant77@...)

* Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị rất hay, tôi ủng hộ 100%. Học sinh khá giỏi thì cho thi đại học, còn trung bình và yếu thì cho học nghề, nếu làm như vậy các thầy cô hơi vất vả và phải hết sức công tâm. Bỏ thi là đúng vì thi cả nước rất tốn kém, ba ngày thi sáu môn, sau đó lại chuẩn bị ôn thi đại học, thực tế thi có trường đạt 96-99% rồi thì đâu cần thi nữa, thắt chặt đầu ra là hợp lý nhất.

Trần Thanh Tuấn (hoangthaituan72@...)

* Theo tôi, nên bỏ hẳn thi tốt nghiệp. Cho học sinh học thẳng từ lớp 1 đến lớp 12. Tất nhiên cũng cần thay đổi cả chương trình dạy. Chúng ta nên thay đổi môi trường giáo dục thay vì cứ nhồi nhét vào đầu học sinh những kiến thức cứng nhắc mà chẳng được thực hành bao giờ. Tất nhiên trong những năm lớp 10-11-12 chúng ta kết hợp thêm định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề, để các em quyết định thi vào đại học hay vào các trường dạy nghề. Học sinh sẽ chỉ phải thi khi muốn vào đại học, như vậy sẽ không bị áp lực làm ảnh hưởng. Điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là chất lượng trong quá trình giảng dạy.

(trinhvietduy1986@...)

* Thi tốt nghiệp phổ thông không thể bỏ được, vì nếu bỏ thì không có gì kiểm soát chất lượng. Thi đại học tập trung và nhiều “chung” như hiện nay có thể bỏ, cho các trường tự chủ. Không quá lo về chất lượng đào tạo vì người sử dụng lao động dần sẽ có vai trò quyết định đến việc đánh giá chất lượng đào tạo của từng trường. Nhà nước cần có cơ chế, tạo thuận lợi để thị trường quyết định chất lượng đào tạo đại học.

(tothai@...)

* Xin Bộ GD-ĐT hãy thận trọng! Thật không thể hình dung được khi dạy học mà không có kiểm tra để đánh giá kiến thức các em đã thu lượm được, kiểm tra là một hình thức để bắt buộc các em phải rèn luyện, phấn đấu. Tôi tin rằng nếu không có sự bắt buộc, các em sẽ không tự giác, nỗ lực tiếp thu các kiến thức nặng nề và có một số phần vô bổ như hiện nay! Việc cần làm là phải chấn chỉnh khâu tổ chức thi để đánh giá đúng thực chất các kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn là quản không được thì bỏ!

(Lê Văn Quang - quangcon12c1...)

H.HG. - L.TRANG - TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên