GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định như vậy về vụ ông Hoàng Hữu Phước dùng blog cá nhân công kích ông Dương Trung Quốc.Xung quanh vấn đề văn hóa tranh luận, GS Nguyễn Minh Thuyết nói:
- Trong tiến trình dân chủ hóa, trên nghị trường VN đã có rất nhiều tranh luận, phát biểu được cho là thẳng thắn, quyết liệt, gay gắt. Một vài đại biểu đôi lúc sử dụng từ ngữ hoặc nói một vài ý không thích hợp, nhưng tôi hiểu đây chỉ là những khoảnh khắc lỡ lời trong những hoàn cảnh đang tranh luận có nhiều cảm xúc.
Phóng to |
* Cá nhân ông từng trải nghiệm những cuộc tranh luận gay gắt như thế nào?
- Nói thật là khi tôi kiến nghị Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm trong vụ Vinashin thì tôi cũng nhận được nhiều lời chỉ trích, trong đó không phải không có những ý kiến chụp mũ. Tôi cũng đã trao đổi lại với những ý kiến như vậy một cách đúng mực, sau đó quan hệ giữa chúng tôi vẫn giữ được thoải mái. Việc các đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng tuyệt đối không nên thóa mạ, chụp mũ lẫn nhau.
* Bên ngoài sinh hoạt nghị trường, ông có từng phải nhận những lời chỉ trích?
- Thường thì những tin nhắn hay cuộc điện thoại gọi cho tôi là những lời động viên. Nhìn lại quá trình tôi hoạt động với tư cách là đại biểu, tôi thấy chưa có những va chạm nào quá đáng, đi quá giới hạn của văn hóa giao tiếp.
* Ông nghĩ thế nào về sự việc ông Hoàng Hữu Phước dùng blog cá nhân công kích ông Dương Trung Quốc?
- Tôi thấy rằng việc ông Phước viết bài trên blog đả kích ông Dương Trung Quốc là hiện tượng chưa từng xảy ra trong hoạt động của Quốc hội VN. Những lời lẽ như thế không phù hợp với chuẩn mực giao tiếp thông thường chứ chưa nói đến văn hóa nghị trường. Kinh hãi nhất là những lời bàn của ông Phước về nạn mại dâm.
Qua những ý kiến ông Phước tung lên mạng, còn có thể thấy hiểu biết của vị đại biểu Quốc hội này về pháp luật rất hạn chế. Ví dụ việc ông phê phán đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng là “hỗn xược” trong khi điều 49 Luật tổ chức Quốc hội cũng quy định đại biểu có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ... Đại biểu Hoàng Hữu Phước cũng có nguy cơ vi phạm quy định tại Bộ luật hình sự khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, nhất là khi dựa trên những điều ông Dương Trung Quốc phát biểu tại nghị trường với tư cách một đại biểu Quốc hội đang thi hành công vụ. Chính vì vậy, bài viết của ông Phước đã phải nhận rất nhiều chỉ trích dữ dội từ dư luận, báo chí chính thống cũng như trên mạng Internet.
Tôi cũng thấy thất vọng khi nghe ông Phước trần tình với báo chí là ông không lường trước được phản ứng mạnh mẽ của công luận về bài viết của mình. Một người đã dấn thân vào con đường chính trị mà nhìn nhận một việc nhỏ cũng không ra thì hoạt động chính trị thế nào? Câu hỏi này chắc phải nhờ cử tri TP.HCM hỏi giúp vị đại biểu của mình.
* Theo ông, những tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau thì như thế nào được coi là có văn hóa?
- Theo tôi, phát biểu của đại biểu Quốc hội trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải có mục đích xây dựng, có nội dung phù hợp với pháp luật và có cách thể hiện phù hợp với chuẩn mực văn hóa. Đại biểu Quốc hội có ý kiến trái ngược nhau là bình thường và đại biểu nên tranh luận cho ra lẽ, nhưng tranh luận gì thì cũng phải phù hợp với chuẩn mực, giống như trong trận bóng đá thì hai bên phải đá vào bóng chứ không thể nhằm vào người đối thủ
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận