Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sau vụ việc một bé trai 8 tuổi ở Bình Phước bị chó pitbull nặng hơn 30kg cắn chết tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc nuôi và quản lý những loài thú ngoại lai, bản tính hung dữ.
Trên thế giới, tại châu Âu, rất nhiều nước đã cấm giống chó này, bao gồm: Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ý, Latvia, Liechtenstein, Malta, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh, và 15/16 bang của Đức.
Trong khi đó, tại châu Mỹ, những nước như: Argentina, Ecuador, Guyana, Puerto Rico và Venezuela đã cấm nuôi pitbull. Ở khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia lân cận như Malaysia hay Singapore cũng đã cấm giống chó này.
Từ những năm đầu của thập kỷ 1990 bên Pháp đã cấm nuôi chó pitbull. Việt Nam cần ra lệnh cấm vì giống chó này quá hung dữ, mà người Việt nuôi lại không cẩn thận thì càng vô cùng nguy hiểm.
Long Nguyen
Còn ở Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc đau lòng liên quan đến chó dữ. Mới đây nhất, vào trưa 29-5 tại Đà Nẵng đã có một vụ án người hàng xóm xua chó dữ tấn công trả thù láng giềng, khiến công an phải vào cuộc.
Xâu chuỗi toàn bộ sự kiện liên quan đến chó dữ và liên quan đến phát biểu "Không vì vài vụ chó pitbull cắn người mà cấm nuôi" của quyền cục trưởng Cục Thú y, nhiều bạn đọc tỏ ra không đồng tình với quan điểm này.
"Tôi đề nghị cấm nuôi loài chó này tại Việt Nam, vì từ thực tế nước ngoài đã xảy ra rất nhiều vụ việc đáng tiếc từ loài chó này" - một bạn đọc tên Phuc viết.
Ngoài việc đề nghị cấm nuôi loài vật tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người, một số bạn đọc còn đề nghị các cơ quan chức năng nên khởi tố vụ án các cá nhân liên quan tội vô ý làm chết người để răn đe. Và, có như vậy mới thay đổi được nhận thức về sự nguy hiểm của nuôi chó dữ.
Về ý này, bạn đọc Phạm Như Quyến viết: "Chó dữ vậy thì nuôi làm gì. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những người nuôi chó không rọ mõm, thả đi lung tung. Nếu chết người thì xử lý hình sự, để răn đe người khác".
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng khi để xảy ra những vụ việc chó hung dữ, lỗi đầu tiên thuộc về chủ nuôi đã không có phương pháp huấn luyện. Nếu thuần dưỡng tốt, có khi pitbull lại giúp cho con người.
Theo tôi không nên cấm nuôi chó. Quan trọng nhất là bắt buộc người nuôi chó phải tuân thủ các quy định đã có trong luật bằng hình thức phạt nặng người vi phạm.
Trần Quốc Anh
Ủng hộ quan điểm này, bạn đọc Văn Bình viết: "Không phải tại chó. Mà do chủ nuôi. Nuôi chó mà không có trách nhiệm, nuôi chó mà không có sự hiểu biết. Nuôi chó phải dạy dỗ, huấn luyện nghiêm túc. Dạy chỗ đi vệ sinh. Dạy tấn công hay không tấn công người do mục đích chủ nuôi. Khi chó stress, hung dữ dễ tấn công người khác".
Cũng theo bạn đọc này, đặc biệt giống chó dữ pitbull càng cần phải được huấn luyện kỹ lưỡng hơn. Nếu quản lý, huấn luyện thật tốt, thực tế pitbull giúp trẻ tự kỉ trị bệnh, bảo vệ gia đình rất tốt.
Đề xuất giải pháp dung hòa cả hai, bạn đọc Thanh Hiếu viết: "Tôi nghĩ cần phải có cơ quan quản lý thú nuôi, chủ nuôi phải đăng ký và được cấp mã quản lý mỗi con vật, phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi thú nuôi mình gây ra, phải trả phí quản lý để duy trì hoạt động cho cơ quan này. Nếu không đáp ứng được thì cấm nuôi. Phạt như nuôi động vật hoang dã trong khu dân cư".
Đồng tình ý này, bạn đọc Văn Giàu viết: "Tôi nghĩ thay vì cấm chó dữ, nên phạt nặng chủ chó vô ý thức. Ví dụ thả rông hay không rọ mõm thì phạt 5 triệu đồng. Chó cắn người, nhẹ thì phạt 10 triệu đồng, nặng đến mức nhập viện thì hình sự... Chúng ta cần pháp luật để uốn nắn những con người vô ý thức".
Thăm dò ý kiến
Việc nuôi cho dữ, theo bạn, nhà nước nên
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này? Theo bạn, có nên cấm nuôi hay chọn giải pháp dung hòa quản lý thật chặt?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận