25/10/2018 17:49 GMT+7

Tranh luận 'nảy lửa' việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sáng 25-10, nội dung xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau từ các đại biểu Quốc hội.

Tranh luận nảy lửa việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu sáng 25-10 - Ảnh: B.D

Bà Lê Thị Nga - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội giải trình việc đưa ra hai phương án xử lý khác nhau: "Chúng tôi tiếp cận trên quan điểm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân nhưng chủ thể của loại tài sản này cũng là một nhóm đối tượng đặc biệt, là cán bộ viên chức. Không có phương án xử lý nào có thể nào đảm bảo mỹ mãn, mỗi phương án đều có ưu nhược điểm khác nhau".

Tịch thu, ra toà hay thu thuế?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng không thể nói vì tài sản đó chủ sở hữu không chứng minh được nguồn gốc mà thu hồi hoặc giao cho toà án xử lý.

"Điều này liệu có vi phạm Hiến pháp không? Pháp luật đã quy định mọi người có quyền sở hữu tài sản và được pháp luật bảo hộ. Không chứng minh được vi phạm mà tiến hành thu hồi thì không đủ cơ sở để thực thi, dễ gây ra sự chống đối", ông Phương nói.

"Việc chuyển cho toà cũng sẽ là làm khó cho toà, gây áp lực, và có nguy cơ oan sai, mất niềm tin và phát sinh tiêu cực. Tôi đồng ý với phương án thu thuế đối với loại tài sản này".

Trái ngược với ông Phương, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng phương án chuyển cho toà án là khả thi nhất bởi nghĩa vụ chứng minh tài sản không rõ nguồn gốc là thuộc về toà. Tuy nhiên ông Tám cũng băn khoăn nếu áp dụng hình thức này thì sẽ làm toà án quá tải.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cả hai phương án đều không đảm bảo: Nếu chuyển cho toà thì chúng ta đang vô tình "hình sự hoá trá hình" các vụ việc dân sự. Đánh thuế cũng không ổn bởi sẽ gây ra tình trạng thuế chồng thuế.

"Nếu tài sản trong diện nghi vấn thì dứt khoát phải tiến hành điều tra, nếu điều tra thấy tham nhũng thì cho thu hồi. Cả hai biện pháp mà chúng ta đưa ra đều là biện pháp nửa vời. Đạo luật này sinh ra để phòng ngừa tham nhũng chứ không phải để thực hiện nghiệp vụ bởi nếu nghiệp vụ thì có các công cụ khác rồi", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Cứ đặt vấn đề như đại biểu Nhưỡng thì luật sẽ không có lối ra.

"Chúng ta cần phải đặt vấn đề loại tài sản không khẳng định là bất minh mà đơn giản chỉ là 'chưa xác định nguồn gốc' thì cần xử lý để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng", ông Thành nói.

"Dù phương án nào thì bản chất vẫn là tịch thu tài sản này, tịch thu ở mức độ nào thì quyền hạn thuộc về toà án. Không phải cơ quan nào cũng đủ thẩm quyền để chứng minh loại tài sản này".

Tranh luận nảy lửa việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trình bày quan điểm về dự thảo luật PCTN sáng 25-10 - Ảnh: B.D

Kỷ luật nặng, chuyển cơ quan điều tra trước khi ra toà

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng cần kỷ luật nặng chủ sở hữu chứ không nên tịch thu đối với loại tàn sản kê khai không trung thực, không chứng minh được nguồn gốc.

Theo ông Thân, việc thu hồi sẽ không đủ cơ sở pháp lý, một khi đã tịch thu thì phải chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có. "Tôi tán thành phương án chuyển hình thức xử lý tài sản không rõ nguồn gốc qua cơ quan thuế", ông Thân nói.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đưa quan điểm khác hơn khi cho rằng nên chuyển qua toà án nhưng trước khi chuyển cho toà thì cần chuyển trước cho cơ quan điều tra xem xét đã đủ cơ sở pháp lý chưa.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình rằng nếu cơ quan quản lý nghi ngờ tài sản không rõ nguồn gốc là loại tài sản tham nhưng không chứng minh được mối nghi ngờ đó thì phải chuyển cho cơ quan điều tra.

"Khi mà cả cơ quan điều tra vẫn không chứng minh được thì cần chuyển qua cơ quan thuế để áp dụng hình thức đánh thuế cao. Việc này không sợ thuế chồng thuế bởi bản thân người sở hữu cũng không chứng minh được tài sản đó đã đóng thuế", ông Cường phản biện mối lo của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng cần bổ sung, nói rõ hơn quy định khen thưởng đối với người có công trong việc đấu tranh chống tham nhũng chứ không nên quy định chung chung như dự thảo. 

Thực tế thời gian qua nhiều người đi đấu tranh chống tham nhũng đã chịu áp lực, thậm chí mất việc, đe doạ an toàn tính mạng, cái giá mà họ phải đánh đổi là rất lớn. Cần có sự khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng để bù đắp lại phần nào công sức của họ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Sĩ quan quân đội, công an cũng phải kê khai tài sản lần đầu

TTO - Dự thảo mới nhất của Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã được chỉnh lý theo hướng quy định người có nghĩa vụ kê khai lần đầu bao gồm cả sĩ quan, quân nhân lực lượng vũ trang.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên