Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tranh luận tại phiên tòa - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 18-12, phiên tòa của TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm vụ án chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản thế chấp ngân hàng liên quan tới cựu bí thư thị xã Bến Cát kết thúc phần tranh luận, bước vào nghị án, dự kiến ngày 24-12 sẽ tuyên án.
Đáng lưu ý, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương (VKS) đã "đính chính", "nói lại cho rõ" nhiều nội dung mà luật sư tranh luận.
Điển hình như trong cáo trạng và phần luận tội của VKS nêu "Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng nhà nước"; sau khi nghe luật sư tranh luận, đại diện VKS thừa nhận do "lỗi đánh máy" nên cáo trạng đã ghi sai, khi luận tội thì kiểm sát viên cũng sơ suất không sửa ngay lỗi này.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Huy Hùng, luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng tiền mà BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn cho bà Hồ Thị Hiệp (sinh năm 1945, đã mất năm 2016) và các công ty của gia đình bà Hiệp vay là tiền huy động của khách hàng để cho vay lại, không phải vốn nhà nước. Do đó, cáo trạng truy tố các bị cáo là cán bộ BIDV theo điều 219 Bộ luật hình sự về tội "quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" là không đúng.
Đối đáp lại luật sư, đại diện VKS vẫn giữ quan điểm 3 bị cáo bị truy tố theo điều 219 Bộ luật hình sự là có căn cứ.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Khanh) cho rằng mở đầu cáo trạng có nêu theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Hiệp Hòa (49 tuổi, con trai của bà Hiệp) tố cáo ông Khanh và các cán bộ ngân hàng đã "o ép bà Hiệp phải chuyển nhượng đất với giá rẻ" nhưng VKS không đưa ra căn cứ nào chứng minh được việc có hành vi "o ép".
Đại diện VKS giải thích rằng nội dung tố cáo "o ép" mới là tố cáo một phía của ông Hòa, hiện cơ quan công an đang làm rõ. Vì vậy, tới nay VKS không khẳng định là có việc o ép.
Về việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương vi phạm thủ tục tố tụng khi chậm chuyển kết quả định giá cho đại diện các bị cáo, đại diện VKS cho rằng đây là sai sót của cơ quan điều tra nhưng "không làm thay đổi nội dung, kết quả của việc định giá".
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, bà Hồ Thị Hiệp và gia đình thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền tại BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn và sau đó mất khả năng chi trả. Bà Hiệp xin được bán tài sản thế chấp để trả nợ và được phía ngân hàng đồng ý.
Thông qua môi giới, vợ chồng ông Nguyễn Hồng Khanh - bí thư Thị ủy Bến Cát - mua được một phần trong diện tích đất mà bà Hiệp và gia đình thế chấp ngân hàng nói trên. Do có người tố cáo nên cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương vào cuộc và khởi tố vụ án. Sau đó, hai cán bộ của BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn bị truy tố về tội "quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Riêng ông Khanh cũng bị truy tố cùng tội danh với vai trò giúp sức.
Chưa xem xét việc hợp đồng ủy quyền có thể bị làm giả
Tại tòa, luật sư và người đại diện cho bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái của bà Hồ Thị Hiệp, hiện đang định cư tại Mỹ) cho biết bà Hảo đứng tên trên sổ đỏ diện tích đất khoảng 9,7ha được thế chấp ngân hàng, đồng thời là một cổ đông trong công ty của gia đình. Bà Hảo không ủy quyền cho bà Hiệp đem lô đất do bà Hảo đứng tên thế chấp ngân hàng. Do đó, luật sư của bà Hảo cho rằng có khả năng giấy ủy quyền để thế chấp đất của bà Hảo cho ngân hàng bị làm giả, từ đó các hợp đồng vay vốn, thế chấp với BIDV có thể bị vô hiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận