25/11/2024 08:10 GMT+7

Tranh luận gay gắt về tiêu chuẩn sắc đẹp

Vẻ đẹp ngoại hình liệu có phải là thước đo duy nhất cho giá trị của phụ nữ trong các cuộc thi sắc đẹp, khi xã hội ngày càng đề cao sự bình đẳng?

Tranh luận gay gắt về tiêu chuẩn sắc đẹp - Ảnh 1.

Chị Apameh Schoenauer lúc đăng quang Hoa hậu Đức 2024 và trong đời thường - Ảnh: MUSICMUNDIAL

Việc chị Apameh Schoenauer giành vương miện Hoa hậu Đức 2024 vào tháng 4 năm nay đã làm bùng lên những tranh luận gay gắt về tiêu chuẩn sắc đẹp trong thời hiện đại. Cùng với các thay đổi về chuẩn mực nhan sắc, ngày càng có thêm những yêu cầu cao hơn đối với chất lượng và giá trị của các cuộc thi hoa hậu, phản ánh kỳ vọng ngày một lớn từ xã hội.

Nước Đức muốn thay đổi

Chị Apameh Schoenauer, 39 tuổi, một người mẹ, đã làm nên lịch sử khi đăng quang Hoa hậu Đức 2024, không chỉ phá vỡ những tiêu chí truyền thống của cuộc thi mà còn khẳng định bước tiến trong cách nhìn nhận vai trò của phụ nữ. Là một kiến trúc sư xuất sắc, một người mẹ tận tụy và một người nhập cư từ Iran, chị Schoenauer trở thành biểu tượng của người phụ nữ hiện đại, vượt qua mọi rào cản để chạm đến thành công.

Sinh ra tại Iran và cùng gia đình nhập cư vào Đức từ năm 6 tuổi, chị Schoenauer thấu hiểu những khó khăn mà phụ nữ nhập cư phải đối mặt. Trở thành Hoa hậu Đức, chị không chỉ muốn tôn vinh những giá trị của phụ nữ mà còn giúp họ hòa nhập và phát triển tại nước sở tại.

Chị Schoenauer đã thành lập tổ chức Shirzan, có nghĩa là "sư tử cái", để hỗ trợ những phụ nữ bị áp bức, khuyến khích họ chia sẻ câu chuyện của mình và tạo động lực giúp nhau phát huy tiềm năng. Chị mong muốn với tầm ảnh hưởng của mình, sẽ truyền cảm hứng cho những phụ nữ trẻ về sự tự tin, độc lập và lòng quyết tâm.

Việc chị Schoenauer được vinh danh là minh chứng cho thấy các cuộc thi nhan sắc như Hoa hậu Đức đã chuyển hướng sang tìm kiếm những gương mặt không chỉ đẹp mà còn có trí tuệ, tài năng và khả năng cống hiến cho xã hội.

Tuy nhiên, sự thay đổi này không đồng nghĩa với việc các cuộc thi hoa hậu trên toàn cầu đã hoàn toàn thoát khỏi những định kiến lâu đời. Những cuộc thi nhan sắc lớn vẫn thường tập trung vào vẻ đẹp hình thể, tạo nên áp lực lớn cho các thí sinh. Những vòng thi như áo tắm hay dạ hội, dù được nhiều khán giả yêu thích, đã góp phần định hình những khuôn mẫu khắt khe về vóc dáng. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các thí sinh mà còn khiến nhiều phụ nữ cảm thấy tự ti vì không đáp ứng được các chuẩn mực đó.

"Lạm phát" thi sắc đẹp

Theo trang Business Insider, các cuộc thi sắc đẹp ngày nay không chỉ là sân chơi tôn vinh nhan sắc mà còn là những "cỗ máy" kiếm tiền khổng lồ. Đằng sau những chiếc vương miện lấp lánh là một hệ sinh thái phức tạp và đa dạng, quy tụ nhiều lĩnh vực khác nhau. Các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm tài trợ, đơn vị truyền thông, tổ chức sự kiện và cả những người hâm mộ cuồng nhiệt đều góp phần tạo nên một "nhà máy" sản xuất nội dung giải trí đồ sộ.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã biến các thí sinh thành những influencer (người có ảnh hưởng) thực thụ. Không chỉ cạnh tranh trên sân khấu, họ còn xây dựng những cộng đồng người hâm mộ đông đảo trên các nền tảng trực tuyến. Các fanpage, nhóm cộng đồng liên quan đến các cuộc thi này luôn sôi động với những tranh luận, chiến dịch ủng hộ và cả những "drama" kéo dài. Những hoạt động này không chỉ giúp các thí sinh gia tăng độ phủ sóng mà còn tạo ra một thị trường tiêu thụ khổng lồ cho các sản phẩm và dịch vụ liên quan.

Trước sức ép của thị trường, các đơn vị tổ chức cũng không ngừng sáng tạo để giữ chân khán giả. Từ việc mời những giám khảo nổi tiếng, tổ chức các đêm chung kết hoành tráng, cho đến việc khai thác các yếu tố gây sốc, các cuộc thi hoa hậu luôn tìm cách tạo ra điểm nhấn thu hút sự chú ý.

Tuy nhiên, sự thương mại hóa này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng và giá trị cốt lõi của các cuộc thi. Một số ý kiến cho rằng việc quá chú trọng vào yếu tố giải trí và lợi nhuận đã khiến các cuộc thi dần mất đi tính nhân văn và giá trị thực sự trong việc tôn vinh vẻ đẹp và tài năng.

Thương mại hóa và câu chuyện chất lượng

Cách đây 2 năm Hãng tin DPA (Đức) đăng bài báo có tiêu đề "Thi sắc đẹp ở Việt Nam: Đang mất kiểm soát?", cho rằng ở Việt Nam đang bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp với hơn 20 cuộc trong năm 2022, so với chỉ vài cuộc khoảng một thập niên trước. Tuy nhiên con số này chưa dừng ở đó. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã có hơn 30 cuộc thi hoa hậu quy mô quốc gia được tổ chức.

Đáng nói hơn khi chất lượng các cuộc thi đang bị đặt dấu hỏi. Dù số lượng tăng song nhiều thí sinh bị đánh giá thiếu tự tin, kỹ năng và trí tuệ để đại diện Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Một số cuộc thi tập trung quá nhiều vào vẻ đẹp hình thể mà bỏ qua các giá trị về tài năng và phẩm chất. Sự gia tăng này dẫn đến việc khán giả không nhớ nổi tên các hoa hậu và cảm thấy mệt mỏi với sự tràn lan của các cuộc thi. Một số ý kiến cho rằng đây chỉ là một ngành "kinh doanh sắc đẹp", trong khi số khác cho rằng các cuộc thi này đã trở nên vô nghĩa.

Tranh luận gay gắt về tiêu chuẩn sắc đẹp - Ảnh 2.Khi người dẫn chương trình miệt thị ngoại hình, cà khịa giới tính, nói như chửi vào mặt...

Không ít người dẫn chương trình vô tư phát ngôn những câu chữ miệt thị ngoại hình, cà khịa giới tính, thậm chí lên giọng lớn tiếng, nói như chửi vào mặt những người tham gia chương trình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên