Thông tin đã khiến nhiều bạn đọc bức xúc. Rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh câu chuyện này.
Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ là vợ liệt sĩ một khi đã tái giá thì không còn là vợ liệt sĩ, vì thế không cần phải hỗ trợ chính sách cho họ. “Đây là vấn đề về chính sách trợ cấp, cần tính toán, xem xét một cách kỹ lưỡng chứ không thể mang tình cảm một cách tùy tiện vào được” - bạn đọc Thạc Lê nói.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng chính sách nhằm bù đắp những mất mát mà người thân của người có công với đất nước nên được vận dụng theo đúng tinh thần nhân văn mới đi vào lòng người.
“Các chị, hậu phương vững chắc của các liệt sĩ, cũng đã cống hiến hi sinh rất nhiều, hà cớ gì chúng ta tính toán với họ thế? Nỗi đau của các mẹ, các chị khi mất người thân lớn lắm. Hãy mở lòng với họ thì tốt biết bao” - bạn đọc Vĩnh An nêu.
Phụ nữ tái giá thì không còn liên hệ với gia đình liệt sĩ chăng?
Theo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi - phó viện trưởng Viện xã hội học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN, xã hội ta có quan niệm người phụ nữ lấy ai thì thuộc về gia đình nhà đó, khi đã về nhà chồng mới rồi thì không còn mối liên hệ gì với gia đình người chồng cũ nữa.
Cho nên khi chưa có văn bản, tài liệu hướng dẫn cụ thể thì mọi người đều ngầm hiểu vợ liệt sĩ khi đã tái giá thì không còn thuộc về gia đình của liệt sĩ, nên không được hưởng một số chính cách trợ cấp xã hội.
“Đã là quan niệm chung của xã hội cho nên vấn đề hỗ trợ chính sách cho những phụ nữ này là thực sự nhạy cảm” - ông Vũ Mạnh Lợi đánh giá.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Hào Quang - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương), với những phụ nữ trở thành vợ liệt sĩ khi tuổi đời còn trẻ thì việc họ muốn mưu cầu một hạnh phúc khác sau khi chồng hi sinh cũng là việc dễ hiểu và cần phải được xã hội thông cảm.
“Đây là vấn đề nhạy cảm, nếu xử lý không khéo có thể gây phản ứng không hay. Truyền thống dân tộc ta dành rất nhiều sự quan tâm cho những liệt sĩ hi sinh xương máu cho Tổ quốc và gia đình của họ. Đừng nên đánh mất điều nhân văn này” - PGS.TS Vũ Hào Quang nói.
Ở một chiều hướng khác, PGS.TS Vũ Hào Quang cho rằng trong thời bình như hiện nay, số lượng liệt sĩ mới không nhiều, do đó không thể nói vì khó khăn về mặt kinh tế mà không có những chính sách nhân văn hỗ trợ cho gia đình của những liệt sĩ này.
Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Hào Quang nêu lên trường hợp điển hình của chị Trần Thị Hà, vợ của đại tá Trần Quang Khải - phó trung đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng trung đoàn 923, sư đoàn không quân 371 - đã hi sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.
Chị Hà hiện đã được đặc cách tuyển dụng, trở thành giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Q.Tây Hồ (Hà Nội).
Xóa định kiến về giới trong thực thi chính sách
Theo ThS xã hội học Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM), việc những người thực thi chính sách có suy nghĩ và hành xử mang tính phân biệt giữa phụ nữ tái giá và người phụ nữ không tái giá cho thấy tình trạng phân biệt giới hay định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại của chúng ta hiện nay.
Trong thời kỳ phong kiến, xã hội đặt ra những quy định rất ngặt nghèo đối với người phụ nữ, khi chồng qua đời vì bất cứ lý do gì thì người phụ nữ cũng phải thủ tiết thờ chồng, theo con, bởi nếu tái giá thì người phụ nữ ấy sẽ bị xã hội chê bai.
Suy nghĩ mang đậm màu sắc phong kiến ấy vẫn còn hiện diện trong xã hội thời hiện đại ngày nay - ThS Lê Minh Tiến nhận xét.
“Trong xã hội hiện đại, luật pháp đã quy định việc ly hôn và tái hôn là quyền của mỗi công dân và xã hội hiện đại cũng đã nói tới sự bình đẳng nam nữ. Nếu đánh giá người phụ nữ chỉ dựa trên đạo đức phong kiến là không còn phù hợp và thậm chí là thiếu nhân văn” - ThS Minh Tiến nói.
Theo ông Lê Minh Tiến, để khắc phục tình trạng phân biệt giới, định kiến giới trong việc lập và thực thi chính sách, cần mở rộng hơn nữa cơ hội tham gia của phụ nữ vào bộ máy chính quyền, cũng như cần phải hành xử dựa trên một xã hội của sự bình đẳng giới.
Không nên có những chính sách “cào bằng”
Theo PGS.TS Vũ Hào Quang, không phải trường hợp nào cũng nên được hưởng chế độ chính sách như nhau. Đối với vợ liệt sĩ đã tái giá, cần xem xét mối quan hệ và những đóng góp của người phụ nữ này với gia đình liệt sĩ để đưa ra tỉ lệ hưởng chính sách cho phù hợp.
Cần hỗ trợ đặc biệt về mặt vật chất và tinh thần cho người vẫn nuôi con của chồng liệt sĩ. Trường hợp người phụ nữ không có con với liệt sĩ, không phải phụng dưỡng cha mẹ già và gia đình của liệt sĩ, khi đã có cuộc sống mới thì có thể hạn chế một số chính sách.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Ôn Tuấn Bảo, nguyên vụ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng không thể có các chính sách “cào bằng” ai cũng như ai, vì mỗi trường hợp đều có hoàn cảnh riêng. Cần phải xem xét tình hình cụ thể của từng người để đưa ra những quyết định phù hợp.
Theo ông Ôn Tuấn Bảo, chính sách nhà nước phải được thực hiện một cách thấu tình đạt lý, nhất là các chính sách về xã hội, về con người.
“Người vợ đã tái giá mà vẫn nuôi con hoặc chăm sóc cha mẹ của chồng liệt sĩ thì cần được bổ sung vào diện được hỗ trợ các chính sách như nhà ở, hỗ trợ giá tiền sử dụng đất, điều dưỡng... cũng như một số chính sách ưu tiên khác.
Nếu các quy định hiện nay chưa có các trường hợp đầy đủ hoặc chưa giải thích một cách rõ ràng cho các trường hợp cá biệt như trên, cơ quan làm chính sách cần nghiên cứu bổ sung” - ông Tuấn Bảo nói.
Bên cạnh đó, TS Ôn Tuấn Bảo cho rằng tình cảm vợ chồng là một điều tế nhị nhưng rất cần được xã hội quan tâm.
Thân nhân liệt sĩ được hưởng những chính sách gì? Theo pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005, thân nhân liệt sĩ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ. Các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ bao gồm trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử, trợ cấp tiền tuất hằng tháng, trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng. Bên cạnh đó, thân nhân liệt sĩ còn được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, ưu tiên vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế, miễn nghĩa vụ lao động công ích theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước và địa phương. Ngoài ra còn được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khoẻ; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước; khi chết thì người tổ chức mai táng được hưởng một khoản trợ cấp và mai táng phí. Con liệt sĩ được ưu tiên trong tuyển sinh và tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> PGS.TS Vũ Mạnh Lợi:
>> PGS.TS Vũ Hào Quang:
>> TS Ôn Tuấn Bảo:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận