29/05/2019 11:50 GMT+7

Tránh lo lắng quá mức về polyp túi mật

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Nhiều người vô tình phát hiện túi mật có polyp và dù đã được bác sĩ tư vấn, chỉ định chung sống hòa bình nhưng vẫn lo lắng quá mức đến mất ăn mất ngủ…

Tránh lo lắng quá mức về polyp túi mật - Ảnh 1.

Nhiều người đi khám sức khỏe định kỳ và được bác sĩ siêu âm bụng phát hiện có polyp túi mật - Ảnh: XUÂN MAI

Họ lo polyp tiến triển thành ung thư, trong khi theo các bác sĩ nếu polyp trên 10mm thì mới xem xét đến việc phẫu thuật để ngừa dẫn đến ung thư túi mật về sau.

* Liên quan đến thực phẩm, thói quen ăn uống?

Tháng 6-2017, chị P.T.D.L. (21 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cảm thấy người luôn bứt rứt, bồn chồn và xuất hiện tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực vào mỗi sáng. Lo ngại khi sức khỏe thất thường, chị L. đi khám sức khỏe tổng quát tại một phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM. 

Khi siêu âm bụng, bác sĩ phát hiện túi mật của chị L. có polyp kích thước 2mm. Bác sĩ tư vấn đây là polyp lành tính nên chỉ chung sống hòa bình, không cần can thiệp phẫu thuật cắt polyp.

Mới đây, chị L. tái khám thì kích thích polyp túi mật nói trên tăng lên thành 3mm. Bác sĩ vẫn đưa ra kết luận như trên, nhưng chị L. khá lo lắng vì sợ polyp này tăng kích thước rồi gây ung thư.

Cách đây khoảng 2 tuần, anh H.H.M. (26 tuổi, ngụ Q.5) đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám bệnh vì ho kéo dài. Nhân tiện, anh M. siêu âm tổng quát thì vô tình phát hiện trong túi mật có nhiều ployp với đường kính 5mm và tại tuyến tiền liệt có vài nốt đóng voi 7mm. Với kết quả này, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật để ngừa polyp phát triển thành ung thư.

"Mặc dù tôi thường thức khuya, ăn uống buông thả, thích gì ăn đó nhưng sức khỏe của tôi bình thường, không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Bây giờ túi mật xuất hiện polyp, nếu tôi đồng ý phẫu thuật thì không biết có để lại những biến chứng phức tạp về sau không?" - anh M. băn khoăn.

BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết túi mật là nơi chứa mật dự trữ do gan bài tiết ra, có kích thước từ 4-5cm. Polyp túi mật là những cục thịt dư lành tính trong túi mật.

Những yếu tố được xem là nguyên nhân "sản sinh" polyp túi mật có thể do yếu tố cơ địa di truyền, người thừa cân, bị nhiễm giun sán hay mắc một số bệnh về gan... Đặc biệt, yếu tố thực phẩm và thói quen ăn uống không lành mạnh cũng được giới y khoa "điểm mặt". Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định được chính xác nguyên nhân hình thành polyp túi mật.

* Cắt túi mật khi polyp trên 10mm

Theo các bác sĩ, polyp túi mật thường gặp ở những người từ 35 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nay bệnh vẫn thường xuất hiện ở những bệnh nhân trên dưới 20 tuổi. Điều này cũng cho thấy bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Hiện tỉ lệ người bị polyp túi mật trong cộng đồng dao động từ 0,03 - 9%. Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10mm.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc, bác sĩ Lưu Phương nhận định: "Có đến 99,99% polyp túi mật dưới 10mm là lành tính, vì vậy chỉ cần chung sống hòa bình và theo dõi định kỳ 1-2 năm/lần. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bệnh nhân rất lo lắng, thậm chí mất ăn mất ngủ khi vô tình biết được túi mật có polyp".

Bác sĩ Lưu Phương nhấn mạnh chỉ những trường hợp polyp túi mật trên 10mm thì mới xem xét đến việc phẫu thuật cắt túi mật. Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ung thư hóa của các polyp túi mật phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, kích thước, hình dạng và số lượng polyp.

"Nếu polyp lớn hơn 10mm, cách xử lý polyp duy nhất là cắt bỏ túi mật - tức là cắt luôn u lành thì polyp sẽ không bao giờ tái phát. Việc cắt túi mật không ảnh hưởng đến sức khỏe, nghĩa là bạn vẫn sống bình thường dù không có túi mật. Túi mật giống như sổ tiết kiệm, có càng tốt, không có cũng chẳng sao" - bác sĩ Lưu Phương giải thích thêm.

Để phòng tránh polyp túi mật, các bác sĩ khuyến cáo người dân: cần tẩy giun định kỳ, kiểm tra chức năng gan mật, hạn chế ăn chất béo, không để cơ thể quá thừa cân, tập luyện phù hợp thể trạng, tăng cường rau xanh và chất xơ, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá…

Chế độ ăn sau cắt bỏ túi mật

Mặc dù sau khi cắt bỏ túi mật, bạn có thể sống bình thường mà không cần túi mật, nhưng bạn sẽ cần phải thay đổi một chút về chế độ ăn của mình.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên