Bức tranh "La Famille "của họa sĩ Lê Phổ sẽ được nhà Sotheby's Hong Kong đấu giá vào ngày 30-9
Vụ việc càng khiến mọi người đặc biệt chú ý khi bức tranh được đưa ra mức giá ước tính lên đến 2,5 triệu đô la Hong Kong.
Đây là mức giá kỷ lục của tranh Việt trên các sàn đấu giá quốc tế. Phiên đấu giá diễn ra ngày 30-9 và 1-10.
Bức tranh lụa La Famille có kích thước 63x46 cm, được nhà Sotheby’s giới thiệu là tranh của họa sĩ Lê Phổ (vẽ vào giai đoạn 1938-1940).
Theo thông tin trên catalogue do nhà đấu giá cung cấp, bức tranh (sẽ được đấu giá vào ngày 30-9) trên là tài sản thừa kế của tư nhân. Sotheby’s được gallery Romanet của Pháp ủy thác để bán ra.
Các chuyên gia của Sotheby’s cho rằng bức tranh là cái nhìn của họa sĩ Lê Phổ về khoảnh khắc riêng tư của một gia đình: người mẹ ôm một đứa con bằng tay trái và hơi nghiêng người để con hôn lên má.
Bàn tay phải của người mẹ nắm lấy chiếc khăn đang bị đứa con thứ hai đùa nghịch. Người cha nhìn vào gia đình mình với vẻ điềm đạm, thanh thản.
Thế nhưng, trái với lời miêu tả của Sotheby’s, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, người đầu tiên đặt ra nghi vấn về bức La Famille, cho biết ông đặc biệt chú ý đến các chi tiết và phát hiện người phụ nữ trong bức tranh có hai bàn tay trái.
Chẳng lẽ danh họa Lê Phổ, một trong những học trò ưu tú nhất của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1, người được hiệu trưởng Victor Tardieu đặt hi vọng nhiều nhất, lại mắc lỗi hình họa sơ đẳng như vậy?
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long
Sau phát hiện của nhà nghiên cứu Phạm Long, nhiều họa sĩ khác cũng cho rằng bức La Famille tuy có bút pháp khá giống Lê Phổ nhưng lại có nhiều điểm đáng ngờ.
Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh cho rằng màu mặt của các nhân vật trong tranh không tự nhiên, có cảm giác hơi kênh. Đường viền mái tóc đằng trước và đôi mắt nhìn rất dại, không có hồn, khác với nét vẻ thông thường của Lê Phổ.
Bức tranh này có khả năng cao là không phải tác phẩm của Lê Phổ. Ở những bức khác, họa sĩ vẽ hình họa chuẩn chứ không phải tay không có hình, không có xương như bức tranh này.
Hoạ sĩ Phạm An Hải
Trong khi đó, họa sĩ Phạm An Hải nhận định: "Bức tranh này có khả năng cao là không phải tác phẩm của Lê Phổ. Ở những bức khác, họa sĩ vẽ hình họa chuẩn chứ không phải tay không có hình, không có xương như bức tranh này".
Thư hồi đáp của Sotheby's gửi họa sĩ Nguyễn Đức Tiến
Ngay khi biết được vụ việc, nhà sưu tập và đầu tư nghệ thuật Nguyễn Đức Tiến đã gửi thư cho nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong để thông báo về những nghi vấn trên, và yêu cầu xác minh nguồn gốc bức tranh.
Từng là một học viên trong khóa học về đấu giá và đầu tư tác phẩm nghệ thuật do chính Sotheby’s tổ chức, ông Tiến chia sẻ:
Với những mỹ từ mà nhà đấu giá dành cho Lê Phổ, họ không thể nào chấp nhận được những cái sai nói trên. Làm rõ chuyện lần này cũng là cách để tôi bảo vệ danh tiếng của Sotheby’s không bị hủy hoại bởi sự vô tình hay cố ý.
Nhà đầu tư nghệ thuật Nguyễn Đức Tiến
Bức thư đầu tiên được ông Nguyễn Đức Tiến gửi đi vào ngày 14-9 nhưng không nhận được hồi âm. Sau đó ông đã gửi thêm hai bức thư khác cho Sotheby’s.
Đến ngày 21-9, ông Mok Kim Chuan, Giám đốc mảng Nghệ thuật đương đại và hiện đại Đông Nam Á của Sotheby’s đã trả lời. Nhà đấu giá khẳng định nguồn gốc tác phẩm như đã đăng trên catalogue, nhưng lại không nói gì đến chi tiết người phụ nữ có hai bàn tay trái.
Hiện nay, ông Nguyễn Đức Tiến đang viết thư cho Đại sứ quán Pháp, nhờ họ cung cấp thêm thông tin về gallery Romanet để truy nguồn gốc bức La Famille, sau đó sẽ tiếp tục yêu cầu Sotheby’s có câu trả lời đầy đủ.
Bức tranh "The Young Beggar" của Murillo (trái), và bức tranh có chữ ký của họa sĩ Tô Ngọc Vân trên sàn đấu giá Chrisite's Hong Kong ngày 28-5 (phải)
Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tranh Việt được rao bán tại các nhà đấu giá quốc tế. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
Thế nhưng, cũng qua các phiên đấu giá này, một số bức tranh giả đề tên của các danh họa được rao bán, gây tổn thất đến uy tín của các họa sĩ và thị trường nghệ thuật Việt Nam.
Trước đó, một bức tranh được nhà đấu giá Christie’s cho là của Tô Ngọc Vân đã bị phát hiện giống hệt bức The Young Beggar của họa sĩ Murillo ở Tây Ban Nha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận