Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nêu câu chuyện đợt dịch COVID-19 vừa qua, có doanh nghiệp ủng hộ xe cứu thương trị giá 5 tỉ đồng để chống dịch, nhưng vẫn phải nộp thuế hơn 600 triệu đồng vì vướng quy định.
Đại biểu cho rằng với tình huống đặc biệt huy động nguồn lực của doanh nghiệp, cá nhân cho các mục tiêu quốc phòng, an ninh, cũng cần quy định trong luật về miễn nộp thuế, để có căn cứ thực hiện.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) góp ý nên tách nội dung "động viên công nghiệp" thành luật riêng, trên cơ sở phát triển pháp lệnh, nghị định về nội dung này. Theo ông Nghĩa, "động viên công nghiệp" có những nội dung liên quan tới doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Việc quy định luật cần phù hợp với công ước quốc tế, cũng như rõ ràng để doanh nghiệp yên tâm.
Đại biểu Bùi Minh Châu (Phú Thọ) góp ý tại tổ cho biết dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề tuy không mới nhưng phức tạp. Việc ban hành luật là cần thiết để tạo hành lang pháp lý.
Đại biểu Nguyễn Tân Cương (Bình Dương) góp ý dự án luật cho rằng cần có quy định, cơ chế để thu hút nhân tài, không chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh… Các quy định cũng vừa đảm bảo công khai, có kiểm toán, giám sát nhưng cũng có những nội dung cần đảm bảo bí mật quốc phòng, an ninh.
Trước đó, vào chiều 8-11, đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã trình Quốc hội về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Mục đích xây dựng luật là nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài.
Trong đó bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, an ninh, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận