07/11/2016 15:46 GMT+7

Tránh lạm quyền khi nổ súng

 LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

​TTO - Thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng nếu không quy định kỹ thì vừa có thể bị lạm dụng vừa gây khó cho người thực thi công vụ.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Ảnh: Cổng TTQH
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Ảnh: Cổng TTQH

Rất quan tâm đến vấn đề "nổ súng”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - bình luận: Súng quân dụng là vũ khí gây sát thương rất mạnh. Người sử dụng súng quân dụng bao giờ cũng ở thể chủ động, thượng phong so với người sử dụng các loại vũ khí khác.

Trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên cảnh cáo? 

“Nhà nước giao quyền sử dụng súng cho một số đối tượng là người thi hành công vụ nhằm giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, người sử dụng không những phải thành thạo về mặt kỹ thuật mà còn phải nắm vững các quy trình của pháp luật về việc sử dụng. Nếu không thì gặp nguy cơ phải đối mặt với việc vi phạm pháp luật rất cao” - ông Cầu nói.

Theo đại tá Cầu, người sử dụng súng, công cụ hỗ trợ nếu sử dụng không đúng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội như giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cố ý gây thương tích và tổn hại sức khỏe người khác khi thi hành công vụ… Vi phạm các điều luật này có thể bị phạt tù đến 10 năm.

“Nhiều sĩ quan chỉ huy nếu không bản lĩnh, không nắm vững quy định thì không dám sử dụng chứ chưa nói đến cán bộ, chiến sĩ bình thường” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh. Ông đề nghị ban soạn thảo luật xem xét kỹ điều 21 dự thảo quy định về nổ súng.

Ông Cầu cho rằng dự thảo luật đã có nhiều quy định cụ thể so với trước đây, nhưng vẫn còn những nội dung cần nghiên cứu kỹ để bổ sung. Ví dụ khái niệm nổ súng còn nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn có khoản quy định “trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên để cảnh báo”, vậy bắn chỉ thiên có phải là nổ súng không?

Cũng góp ý điều luật này, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đồng tình với ý kiến của ông Cầu. “Đây là vấn đề nhạy cảm nên phải quy định chặt chẽ, tránh tình trạng lạm quyền khi nổ súng, cũng tránh việc người được trang bị vũ khí vô tình phạm tội” - ông Chính nói.

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao không có vũ khí?

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (đại biểu tỉnh Bình Dương) đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao.

Theo tướng Khánh, quy định của pháp luật trao quyền cho cơ quan điều tra Viện KSND tối cao được khởi tố điều tra một số loại tội phạm, trong đó có tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.

Đây là loại tội phạm hoạt động phức tạp, có trình độ, được trang bị vũ khí, nếu cơ quan điều tra Viện KSND tối cao không được trang bị vũ khí thì sẽ rất nguy hiểm trong trường hợp họ bị các đối tượng phạm tội chống trả quyết liệt.

Trước đó, phát biểu tại các phiên thảo luận, thẩm tra dự án luật, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong cũng đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này. Ông Phong từng dẫn chứng hài hước rằng “cơ quan điều tra Viện KSND tối cao chúng tôi đang phải dùng dây thừng đi bắt người”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên