Thành tích xuất khẩu một phần rất quan trọng từ khối FDI. Trong ảnh: sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Thương hiệu quốc gia của VN tăng lên 9 bậc chứng tỏ nền kinh tế, đời sống xã hội của VN đang rất sôi động, phát triển tích cực. Chúng ta đã thấy những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, linh hoạt trong sản xuất… đã giúp VN vẫn giữ được con số kim ngạch xuất siêu đầy bất ngờ. Sự dịch chuyển dòng vốn ngoại vào VN đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật cao, người lao động được nâng cao tay nghề, hàm lượng giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu đã tăng lên nhiều, hàng Việt không ngừng mở rộng thị trường...
Nhưng bước sang năm 2021, chúng ta vẫn còn nhiều bài toán phải giải quyết với những ẩn số đầy thách thức chứ không hẳn chỉ một màu sắc lạc quan.
Dòng vốn ngoại mới cũng đi kèm với thực tế các doanh nghiệp VN sẽ bị gia tăng áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Nhiều hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, thị trường nội địa sẽ sớm chia phần với hàng hóa quốc tế. Doanh nghiệp nào không thay đổi kịp sẽ khó khăn, thậm chí bị đào thải. Doanh nghiệp VN cần có công tác dự báo tốt để đón đầu, đủ năng lực sẵn sàng tiếp nhận dòng vốn nước ngoài trong tương lai.
Xuất khẩu và xuất siêu đạt thành tích cao. Nhưng thực tế, ước tính năm 2020 chúng ta xuất siêu 19,1 tỉ USD nhưng khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu tới 15,5 tỉ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại xuất siêu đến 34,6 tỉ USD.
Rõ ràng, thành quả của xuất nhập khẩu chủ yếu là đóng góp của khối FDI. Ở mặt tích cực là chúng ta đã kêu gọi đúng dòng vốn có chất lượng hơn, các sản phẩm xuất khẩu của VN bây giờ là hàng điện tử, hàng công nghệ cao chứ không chỉ nông sản thô. Nhưng nếu không có ứng phó, VN sẽ bị đóng vai "người gia công thầm lặng".
Ngay cả trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, đạt 245,6 tỉ USD, trong khi nhóm hàng tiêu dùng chỉ 16,8 tỉ USD, giảm 3,8%. Điều này chứng tỏ chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng làm ra sản phẩm thấp.
Ngoài ra, với nhiều hiệp định thương mại tự do, VN còn có nguy cơ trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của các nước láng giềng, nhập khẩu hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm từ nước ngoài về đây để giả mạo xuất xứ xuất vào các nước khác. Các vụ kho nhôm khủng hơn 4,3 tỉ USD ở Vũng Tàu hay nhiều nhóm hàng giả mạo VN đã bị các nước áp thuế cao, khiến hàng Việt bị vạ lây. Sẽ rất nguy hiểm cho hàng xuất khẩu VN nếu hiện tượng này không được ngăn chặn.
Doanh nghiệp các nước dịch chuyển hoạt động sản xuất về VN là để đón các lợi ích. Liệu lao động VN đủ sức cạnh tranh với chính các đối tác ngoại ngay trên sân nhà? Doanh nghiệp Việt có kịp tự cải thiện năng suất lao động, đầu tư máy móc, hiện đại hóa quy trình lao động, ứng dụng công nghệ để cùng vươn lên?...
Những câu hỏi và thực tế trên đòi hỏi nhiều giải pháp hiệu quả. Ngay cải cách môi trường đầu tư, chúng ta vẫn còn nhiều việc cần phải làm ngay, như xóa các khoản chi phí không chính thức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận