Bức tranh sơn dầu gốc của họa sĩ Nguyễn Đông (phải) và bức tranh lụa được Chọn giới thiệu là tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương vẽ năm 1995 và mang ra đấu giá ngày 29-7 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại
Chúng tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân tha thiết với thị trường mỹ thuật hãy nhiệt tình, mạnh dạn thành lập các trung tâm giám định để cục sớm rút ra khỏi hoạt động này theo thông lệ quốc tế.
Ông VI KIẾN THÀNH (cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm)
Đó là thông tin được ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - chia sẻ tại hội thảo "Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - thực trạng và giải pháp" diễn ra ngày 18-7 ở Hà Nội.
Từ chối giám định vì bị kết luận
7 tháng công bố thành lập, không phải là hội đồng này hoàn toàn "ế sưng", cũng đã có 7 nhà sưu tập mang tranh đến gõ cửa nhờ giám định. Có điều, cả 7 bức tranh ấy chỉ nhìn mắt thường, các chuyên gia của hội đồng này cũng kết luận ngay được là tranh giả.
Thế là cả 7 nhà sưu tập đều lặng lẽ rút tranh về, chẳng ai cần thẩm định gì nữa. Bỏ tiền ra thuê thẩm định với giá bạc triệu để nhận về tờ giấy kết luận tranh của mình là tranh giả thì... tất nhiên chẳng nhà sưu tập nào ở Việt Nam có nhu cầu này.
Thế là hội đồng giám định vẫn chưa được làm việc ngày nào kể từ khi thành lập, ngoại trừ hai vụ thẩm định giúp Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm bởi có nghi vấn tranh thật - giả trong quá trình cấp phép triển lãm.
Tình trạng ế ẩm tưởng rất nghịch lý này thực ra lại không hề lạ. Khoảng 10 năm trước, một trung tâm giám định tranh được thành lập trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng trung tâm này đã sớm phải giải tán một năm sau đó bởi không có khách hàng nào, trong khi tình trạng tranh giả ở Việt Nam thời điểm đó đã tai tiếng ra cả quốc tế.
Chỉ có một điều khác là, trung tâm giám định mới thành lập sắp có được "gói công việc lớn": giám định 326 tác phẩm hội họa Việt Nam do một nhà sưu tập Nhật Bản tặng cho TP Đà Nẵng.
Bức tranh Phố đêm (trái) của họa sĩ Đào Hải Phong và bức tranh giả được treo tại một nhà hàng do họa sĩ vô tình phát hiện và chụp lại - Ảnh: ĐÀO HẢI PHONG
3 khó khăn của công tác giám định
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cho hay trước khi thành lập hội đồng giám định thì cục đã có đoàn đi tham khảo, học tập kinh nghiệm các nước, trong đó có Hàn Quốc và được biết nước này hiện có 14 trung tâm giám định của tư nhân, trong đó có 2 trung tâm lớn mỗi năm giám định từ 500 - 700 tác phẩm.
Ngoài chuyện nhu cầu của thị trường mỹ thuật cần một trung tâm giám định thì tình trạng tranh giả nhức nhối nhiều năm ồn ào không ngớt trên báo chí đã khiến "lãnh đạo Bộ VH-TT&DL quá sốt ruột", đã thúc giục các nhà quản lý ngành mỹ thuật cần hành động.
Vì vậy mà Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đành "giơ đầu chịu báng", quyết tâm làm cái việc mà "thế giới không ai làm": cơ quan nhà nước đứng ra thành lập một trung tâm giám định tranh, thay vì do các trung tâm của tư nhân đảm nhiệm, do thị trường tự tổ chức.
Ông Thành nói cục rất mong muốn một ngày nào đó có vài trung tâm giám định của tư nhân đi vào hoạt động và khi "thị trường đủ khỏe" thì trung tâm do cục thành lập sẽ "rút khỏi mặt trận này".
Tuy thế, ông cũng không kỳ vọng sẽ sớm có các trung tâm giám định tư nhân ở Việt Nam bởi công tác giám định này đang gặp phải 3 khó khăn lớn: thiếu các điều luật quy định cụ thể cho hoạt động này; tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không ai chịu ai, không công nhận khả năng của người khác, không công nhận "trọng tài"; các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để làm các kiểm tra kỹ thuật hiện phải nhờ hoàn toàn vào con người và máy móc của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.
Tiếp thu ý kiến tham luận của bà Bùi Thị Thanh Mai - phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - về việc xây dựng hồ sơ nghệ sĩ phục vụ công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, ông Thành cho biết ngay sau hội thảo này, cục sẽ khẩn trương xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tác giả, tác phẩm, nhất là đối với các tác giả đã mất, thành ngân hàng dữ liệu dùng chung cho quốc gia.
Nhà sưu tập hoài nghi
Phát biểu tại hội thảo, nhà sưu tập Xuân Trường bày tỏ nỗi hoài nghi của các nhà sưu tập đối với kết luận của các trung tâm giám định tranh, ngay cả đối với các trung tâm giám định quốc tế.
Ông Trường dẫn ví dụ, hai bảo tàng lớn của Anh và Pháp cùng từng khẳng định bức Hoa hướng dương của Van Gogh mà mình sở hữu là tranh thật. Họ đã mời các trung tâm giám định vào cuộc và nhận được kết quả là cả hai bức tranh đều thật! Điều này cho thấy thật khó để các nhà sưu tập đặt niềm tin vào các trung tâm giám định tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận