20/04/2015 11:00 GMT+7

​Tránh gây sốc khi báo bệnh ung thư

NGUYỄN THỊ MAI (Tiền Giang)
NGUYỄN THỊ MAI (Tiền Giang)

TT - Người nhà tôi bị ung thư. Khi phát hiện bệnh thì một bệnh viện chỉ thông báo với người nhà, còn nhân viên bệnh viện khác lại nói thẳng với bệnh nhân.

Bác sĩ sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để thông báo tình hình cho người bệnh. Trong ảnh: bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám cho một bệnh nhân - Ảnh: Hữu Khoa

 Tôi không hiểu sao lại có cách làm khác nhau như vậy?

Chú tôi đã hơn 70 tuổi, ở Tiền Giang, được bác sĩ bệnh viện tỉnh chẩn đoán bệnh ung thư vòm họng.

Cả nhà bất ngờ vì trông chú tôi khá khỏe mạnh, lâu nay không có biểu hiện bệnh gì. Nghĩ là bệnh viện tỉnh có khi xác định bệnh không đúng, gia đình đưa ông lên xét nghiệm, sinh thiết tại một bệnh viện ở TP.HCM. Kết quả là ông bị bệnh ung thư.

Cả gia đình chú tôi buồn bã, lo lắng. Mọi người bàn nhau có nên nói rõ bệnh tình cho chú biết không. Có người nói không nên vì nếu biết mình bị ung thư chú sẽ sớm suy sụp, dẫn đến sức khỏe xuống nhanh.

Có người bảo cứ nói thật bệnh tình để chú chuẩn bị, trăng trối con cháu vì bệnh ung thư của chú dù sao cũng đã ở giai đoạn cuối. Sau thời gian bàn bạc, cả gia đình quyết định không nói ra bệnh thật cho chú biết, để chú vui sống ngày nào hay ngày ấy.

Khi đưa chú nhập viện ở bệnh viện tại TP.HCM, gia đình giải thích với chú là bị bướu lành, cần phải mổ, điều trị mới hết bệnh. Chú tôi cũng tin điều này, cho đến một hôm cô y tá đến chăm sóc ông, sau khi xong công việc đã thản nhiên thông báo: “Ông bị ung thư nhé!”.

Người nhà chú tôi lúc ấy khá bất ngờ, không thể ngăn cản kịp. Chú tôi lúc ấy sững sờ, không nói được điều gì. Kể từ đó ông cứ buồn bã, rồi trách cứ người nhà giấu bệnh của ông và không chịu điều trị tiếp.

Tôi rất băn khoăn vì sao khi bác sĩ ở bệnh viện tỉnh Tiền Giang phát hiện chú tôi bị ung thư thì chỉ thông báo cho người nhà chú tôi biết mà ở bệnh viện tại TP.HCM thì y tá lại công khai cho bệnh nhân? Cách thông báo nào sẽ phù hợp với người bị bệnh ung thư?

Tôi nghĩ nếu cần thiết cho bệnh nhân biết bệnh của mình thì bệnh viện có thể yêu cầu người nhà tìm cách báo cho bệnh nhân, hoặc bệnh viện tìm cách thông báo sao cho khéo léo, chứ nói đột ngột như cách cô y tá đã làm với chú tôi thì quả thật là đã gây sốc cho bệnh nhân.

* Bác sĩ ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Lựa chọn thời điểm phù hợp

Theo Luật khám chữa bệnh, người bệnh và gia đình người bệnh (người đại diện cho những người thân thuộc nhất như bố mẹ, vợ con, anh chị em ruột) phải được biết thông tin đầy đủ, chính xác về căn bệnh của bệnh nhân như chẩn đoán, phương pháp điều trị, khả năng điều trị, các tai biến có thể xảy ra...

Người chịu trách nhiệm chính trong việc thông tin này thường là bác sĩ điều trị trực tiếp vì họ nắm rõ tình trạng bệnh tật của bệnh nhân nhất. Các nhân viên y tế khác như điều dưỡng, hộ lý... không được giao nhiệm vụ này.

Đối với bệnh ung thư, việc thông báo cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân biết rõ chẩn đoán, giai đoạn bệnh nặng hay nhẹ, phương pháp điều trị ra sao, khả năng chữa khỏi đến đâu, thời gian sống còn lại của người bệnh ước chừng bao lâu... là rất cần thiết, nhằm giúp bệnh nhân và gia đình bệnh nhân hợp tác điều trị, cũng như dự tính các kế hoạch riêng cho tương lai.

Về nguyên tắc, nếu chính bệnh nhân yêu cầu phải cung cấp thông tin đầy đủ thì bác sĩ phải có nghĩa vụ cung cấp cho người bệnh. Tuy nhiên, trong thực tế tùy theo trạng thái tâm lý của bệnh nhân khi tiếp xúc và yêu cầu của gia đình mà bác sĩ sẽ lựa chọn thời điểm thông tin cho phù hợp.

Đối với các bệnh nhân có trạng thái tâm lý hoang mang, bác sĩ có thể sẽ chưa cung cấp hết ngay những thông tin bất lợi của căn bệnh cho chính bệnh nhân, mà chỉ giải thích cặn kẽ cho gia đình người bệnh biết trước.

Sau đó, trong quá trình điều trị người bệnh dần dần hiểu ra căn bệnh của mình hơn thông qua tiếp xúc với những người bệnh xung quanh cũng như với người nhà, khi đó bác sĩ sẽ tiếp tục cung cấp liều lượng thông tin cho phù hợp.

Tuy khả năng của y học có thể chữa khỏi căn bệnh ung thư ngày càng cao, nhưng nhìn chung đây vẫn còn là căn bệnh gây lo sợ cho nhiều người, chính vì vậy luôn đòi hỏi nhân viên y tế phải có kỹ năng thông tin và hiểu biết tâm lý mới có thể giúp bệnh nhân an tâm điều trị.

L.TH.H. ghi 

* Ông TRẦN VĂN THUẤN (phó giám đốc Bệnh viện K):

Tùy theo sự cân nhắc của bác sĩ

Trong nhiều năm làm bác sĩ điều trị ung thư, tôi không có thống kê về số lượng bệnh nhân mà bác sĩ có thể nói thẳng là họ đã mắc ung thư, nhưng tỉ lệ thông thường thì một nửa số bệnh nhân có thể nhận thông báo trực tiếp.

Với một nửa số bệnh nhân còn lại, chỉ nên nói rõ cho người nhà về bệnh trạng của bệnh nhân, để người nhà hỗ trợ bệnh nhân phối hợp với bác sĩ trong quá trình điều trị, còn với người bệnh phải lùi thời gian một chút để tránh sốc cho bệnh nhân.

Về lý thuyết, hiệu quả điều trị không phụ thuộc việc bệnh nhân có bị sốc hay không ở thời điểm được thông báo bị ung thư, mà phụ thuộc vào thể trạng bệnh nhân.

Tuy nhiên những người bệnh có tinh thần vững vàng, có thể đương đầu trong những trường hợp khó khăn sẽ có tinh thần hợp tác tốt hơn với bác sĩ trong quá trình điều trị.

Việc nói cho bệnh nhân, hay lùi lại một chút để giải thích dần cho bệnh nhân tùy vào từng bác sĩ, nếu thấy bệnh nhân tinh thần không vững vàng thì tốt nhất là chưa nên nói ngay cho họ biết.

L.ANH ghi

 

NGUYỄN THỊ MAI (Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên