15/02/2023 14:31 GMT+7

'Tranh chấp liên quan đất đai xử kiểu nào cũng được bởi có quá nhiều luật'

Thực tế trên được luật sư Nguyễn Văn Hậu - chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam - nêu sáng 15-2.

Tranh chấp liên quan đất đai xử kiểu nào cũng được bởi có quá nhiều luật - Ảnh 1.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, hoàn thiện sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nêu ý kiến tại hội nghị góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay đất đai chỉ có một nhưng phân định rất nhiều “màu” - theo ý ông là việc áp dụng rất nhiều luật.

Khi chưa xây dựng dự án thì cần sổ đỏ theo Luật đất đai, còn đã xây dựng thì áp dụng Luật kinh doanh bất động sản, khi xây nhà dùng Luật nhà ở, riêng đất công lại áp dụng Luật quản lý tài sản công.

“Có lần lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao có nói rằng việc giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai xử kiểu nào cũng được bởi chúng ta có quá nhiều luật”, ông Hậu chia sẻ và nhận định để sửa Luật đất đai lần này cần bám vào nghị quyết 18 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nghị quyết này đặt ra quan điểm thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại hội thảo, một trong những ý kiến được nêu nhiều nhất là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo ông Hậu, cần làm rõ hơn các tiêu chí như “phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền”. Nhất là với những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán có sự khác biệt so với đại đa số địa phương.

“Nếu rơi vào trường hợp tại địa bàn xã lẫn địa bàn huyện đều không có đất để bố trí tái định cư buộc phải bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương. Vậy điều kiện tương đương ở đây là gì? Về mặt địa lý tương đương hay là về các tiêu chí được địa phương đề ra?”, ông Hậu đặt vấn đề.

Theo ông Hậu, nếu bố trí người dân tộc thiểu số sang một địa bàn với các phong tục, tập quán hoàn toàn khác với nơi ở cũ sẽ không đáp ứng được một trong các điều kiện của khu tái định cư mà luật quy định.

Tranh chấp liên quan đất đai xử kiểu nào cũng được bởi có quá nhiều luật - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam - tại hội thảo - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Còn theo bà Ung Thị Xuân Hương - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - dự thảo luật lần này cần thể chế hóa các quy định, quy định cụ thể các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”. Với những người dân khi nhường đất để Nhà nước thực hiện các dự án, họ mong muốn đảm bảo các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư.

“Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chúng ta phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư, ví dụ như diện tích nhà ở tối thiểu/người, mức thu nhập bao nhiêu… Cùng với đó là thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi”, bà Hương nói.

Tương tự, PGS.TS Phan Trung Hiền - trưởng khoa luật, Đại học Cần Thơ - cho hay hiện chưa có quy định cụ thể về việc xác định thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất mà chỉ “bồi thường theo quy định pháp luật”. Điều này sẽ không đảm bảo đủ quyền lợi của người dân.

Ông dẫn chứng một trường hợp ở quận Cái Răng (Cần Thơ) có 10ha đất nông nghiệp có lưới B40 bao quanh. Khi bị thu hồi đất, chính quyền cho biết sẽ hỗ trợ di dời hàng rào, trong khi nơi tái định cư của hộ dân này chỉ có khoảng 80m2.

“Vậy hàng rào sẽ dời đi đâu? Để làm gì? Nó là tình trạng thực tế. Bồi thường cần theo thiệt hại thực tế chứ đừng chỉ chiếu theo quy định của pháp luật. Bởi người dân có thiệt hại trực tiếp và gián tiếp, thiệt hại tinh thần…” - ông Hiền nói.

Sửa Luật đất đai 2013: Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 25-4Sửa Luật đất đai 2013: Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 25-4

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành kế hoạch thực hiện lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) qua website: luatdatdai.monre.gov.vn, đồng thời cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 25-4.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên