11/03/2018 11:17 GMT+7

Tranh chấp bãi bồi đang ngày càng gay gắt

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Tranh chấp ngư trường bãi bồi đang là một vấn đề phức tạp của tỉnh Kiên Giang. Dưới đây là những gì đang diễn ra tại các bãi bồi ở huyện Kiên Lương thuộc tỉnh này.

Tranh chấp bãi bồi đang ngày càng gay gắt - Ảnh 1.

Ngư dân đánh bắt tại một bãi bồi ở xã Bình An (Kiên Lương). Bãi bồi này đang thuộc quyền quản lý của HTX Tân Tiến, đến tháng 4 tới là hết hạn - Ảnh: K.NAM

Vùng ven biển rộng hàng chục ngàn hecta ở huyện Kiên Lương là vùng khai thác nghêu, sò lụa của ngư dân. Nhưng từ khi có sáng kiến thành lập các HTX nuôi trồng thủy sản ven bờ thì tình trạng tranh chấp ngư trường giữa ngư dân nghèo và các chủ nhân của HTX trở nên gay gắt.

Bỗng dưng thành... cướp

Ông Lê Văn Thạnh (ngụ tổ 4, ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương) phản ảnh trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất, có khoảng 65 ghe cào lớn nhỏ tự ý kéo vào khai thác vùng nuôi nghêu do ông đại diện cho khoảng 30 chủ trực tiếp quản lý. 

Ông Thạnh khẳng định toàn bộ diện tích nuôi nghêu rộng 1.000ha nói trên đều có sổ đỏ, ghi thời hạn sử dụng bãi bồi ven biển tới năm 2030. Bản thân ông Thạnh cùng các chủ bãi khác đều hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê bãi hằng năm. 

"Bãi bồi có sổ đỏ hẳn hoi, chúng tôi phải đầu tư hàng tỉ đồng tiền nghêu giống, tiền thuê người giữ bãi. Họ kéo rần rần cả mấy chục ghe cào vào bãi khai thác thì là cướp chứ gì nữa" - ông Thạnh nói.

Cho rằng những ngư dân vào bãi của mình cào nghêu là "cướp" nên ông Thạnh huy động em, con cháu khoảng 20 người chở theo gạch đá ra biển tấn công ngư dân. Kết quả, ông Thạnh kéo được một ghe cào của ông Nguyễn Văn Lượng (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) vào bờ và giữ ngay trước cửa nhà mình. 

Điều kiện để "chuộc" ghe cào này là ông Lượng phải nộp 3 triệu đồng bồi thường do cào hư một số giàn lưới bắt nghêu (gọi là "lú") của chủ bãi.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Lượng, nhóm của ông chỉ có 2 ghe cào đi từ huyện An Biên lên Kiên Lương cào nghêu theo mùa. Nhưng tới khu vực xã Bình An thì bị chủ bãi chạy vỏ lãi cao tốc ra rượt đuổi, ném đá. 

Ông Lượng nói cào nghêu, sò lụa theo mùa là nghề mưu sinh lâu đời của nhiều ngư dân nghèo ven biển, nay không hiểu sao hàng loạt ngư trường đều có chủ. Kết cục là các ngư dân như ông Lượng bỗng dưng trở thành... cướp.

Không chỉ ở Hòn Chông, những ngày qua còn có khoảng 50 ghe cào của ngư dân các huyện Châu Thành, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương tiếp tục kéo vào khu vực bãi bồi ở ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải (huyện Kiên Lương) để khai thác. 

Khu vực này thuộc quyền quản lý khai thác của HTX Phát Tài. Để bảo vệ quyền lợi của mình, xã viên HTX Phát Tài yêu cầu lực lượng gồm công an, biên phòng huyện Kiên Lương tổ chức đẩy đuổi ngư dân.

Một số ngư dân ở vùng ven biển huyện Kiên Lương cho hay lúc thành lập các HTX họ có được mời tham gia, nhưng do không có vốn nên họ bị ra rìa. Họ phải mưu sinh bằng cách cho ghe ra biển theo mùa hoặc kéo nhau vào bãi bồi cào nghêu.

Xã viên trong các HTX là ai?

Theo tìm hiểu, năm 2013, lấy lý do bảo tồn giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ là nghêu và sò lụa, tỉnh Kiên Giang cho chủ trương thành lập 6 HTX gồm: Tân Tiến, Đồng Lợi, Tiến Phát, Sơn Hải, Vạn Lợi và Vững Mạnh.

Đến nay, chỉ 3 trong số 6 HTX còn thời hạn hoạt động, còn đại diện các HTX hết hạn vẫn không buông bãi bồi ra cho ngư dân khai thác. Lý do: chờ họ khai thác hết nguồn sò lụa và nghêu.

Xác minh danh sách xã viên của HTX Phát Tài cho thấy có tới hàng chục cán bộ từ ấp, xã tới huyện được giao hàng trăm hecta đất bãi bồi ven biển. 

Trong số cán bộ được giao bãi bồi ven biển có thể kể ra một số như: ông Lâm Tiến Dũng - bí thư Huyện ủy Kiên Lương, Trần Minh Sang - trưởng Phòng tài nguyên và môi trường, Bùi Ðức Tiến - giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Ðặng Trung Hiếu - phó bí thư Huyện đoàn Kiên Lương... Ngoài ra, có tới 20 thành viên của HTX Phát Tài là cán bộ các phòng, ban của xã Sơn Hải.

Tương tự, trong bảng danh sách của HTX Tân Tiến thuộc xã Bình An cũng có sự góp mặt của 35 người giữ các chức danh của các ấp và một số cán bộ xã.

Theo một lãnh đạo Công an huyện Kiên Lương, qua các lần tiếp xúc làm việc, đại diện các HTX đều khẳng định suốt mấy năm nay gần như không có lợi nhuận, thậm chí còn thua lỗ. 

Một lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang lại nói việc thành lập các HTX có dấu hiệu của lợi ích nhóm, nên chính quyền huyện Kiên Lương yêu cầu các lực lượng chức năng xua đuổi ghe cào của ngư dân nghèo là khó chấp nhận.

Sẽ trả lại sinh kế cho ngư dân nghèo

Ông Phạm Vũ Hồng - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết thường trực UBND tỉnh có nghe báo cáo tình hình tranh chấp ngư trường gay gắt ở các địa phương ven biển như An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên.

Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra toàn bộ việc thành lập, giao đất bãi bồi cho các HTX. Trong đó cần làm rõ việc có nhiều cán bộ ấp, xã, huyện nhận đất rồi cho thuê, thậm chí sang nhượng trái phép. Quan điểm của UBND tỉnh là nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm.

"Thực chất ai cũng biết bãi bồi là nơi sinh sản tự nhiên của nhiều loài nhuyễn thể, cá, tôm, mực, ghẹ... Đây cũng là nguồn lợi bao đời nay cho ngư dân nghèo. Nói thẳng ra, các HTX có đầu tư gì đâu, chỉ bỏ tiền ra đóng mấy cây cọc định ranh rồi thuê người trông coi chờ tới mùa thu lợi. Cái này là không ổn.

Hướng tới, UBND tỉnh sẽ giao ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền các huyện ven biển xác định khu vực bảo tồn và khai thác theo mùa, trả lại bãi bồi, tức là trả lại sinh kế cho ngư dân nghèo" - ông Hồng nói.

K.NAM

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP Cần Thơ): Có dấu hiệu lợi ích nhóm

Nghĩa vụ quản lý thuộc về chính quyền địa phương tại nơi có bãi bồi mà ngư dân đang khai thác nghêu. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, việc có một số trường hợp đầu tư, khai thác tại ngư trường này là việc làm tự phát. Ai đó cho rằng có sự đồng thuận của chính quyền địa phương thì trong trường hợp này đều là không hợp pháp và động cơ vụ lợi nào đó.

Theo tôi, có dấu hiệu lợi ích nhóm xảy ra ở các bãi nghêu, UBND tỉnh Kiên Giang nên tích cực vào cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như khai thông dư luận.

Nếu tiếp tục việc nuôi trồng thủy sản tại các vị trí này nhằm tránh thất thoát, lãng phí thì phải thực hiện khoa học, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật theo hướng vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa tạo thu nhập cho ngư dân và cho ngân sách địa phương.

C.QUỐC

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên