04/11/2015 15:47 GMT+7

​Tránh can thiệp sâu, tăng quyền tự chủ cho báo chí

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Đây là đề nghị trong báo cáo thẩm tra dự án Luật báo chí (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được trình bày trước Quốc hội chiều 4-11.

Báo chí góp phần lớn trong việc đưa các thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: học sinh Tây Ninh xem thông tin về tuyển sinh trên báo Tuổi Trẻ sáng 10-1-2015 - Ảnh Như Hùng

Chưa làm rõ quyền tự do báo chí

Trước Quốc hội, giải thích cho đề nghị này, ông Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, được trình bày trước Quốc hội - cho rằng: “Dự thảo Luật báo chí quy định đến 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là quá nhiều, làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí”.

Do đó, “đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ” - ông Đào Trọng Thi nói.

Đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, ông Đào Trọng Thi cho rằng dự thảo luật đã không chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân.

Đây là điều cần phải bổ sung vì Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...

“Vì vậy đề nghị ban soạn thảo căn cứ vào Hiến pháp làm rõ hai vấn đề: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì. Hay nói cách khác là tự do báo chí khác tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí như thế nào” - ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Giảm loại báo chí tạo gánh nặng cho ngân sách

Đánh giá về tình hình báo chí hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, và nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn: “Hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.

Ông Đào Trọng Thi thông tin hiện chỉ mới có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.

Một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước được ngân sách nhà nước bao cấp về trụ sở, phương tiện làm việc và toàn bộ hoặc một phần kinh phí, hoạt động.

Một số cơ quan báo chí khác dù hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi nhưng cũng được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, phương tiện làm việc khi thành lập.

Trước thực tế này ủy ban cho rằng dự thảo luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí.

Hạn chế việc yêu cầu báo chí tiết lộ thông tin

Theo dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi cho biết đa số ý kiến trong ban thẩm tra dự án Luật báo chí (sửa đổi) đều cho rằng việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo.

“Thực tế hiện nay loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” - ông Đào Trọng Thi nói.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên