Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo thành phố Hội An cho biết lễ khánh thành dự án trùng tu di tích Chùa Cầu sẽ tổ chức chiều 3-8.
Chùa Cầu trùng tu hơn 20 tỉ đồng
Những ngày qua công trình cổ biểu tượng của ngành du lịch đang được dọn dẹp vệ sinh, vừa phục vụ khách tham quan.
Với một công trình đặc biệt như Chùa Cầu, đơn vị trùng tu đã tuân thủ quy trình chặt chẽ, quá trình làm diễn ra tỉ mỉ, công phu.
Do sử dụng trong thời gian quá dài, gánh chịu lượng khách lớn cộng với tình hình lũ lụt ở Hội An nên khi tháo dỡ để trùng tu thì nhiều cấu kiện Chùa Cầu bị hư hại, buộc phải thay thế.
Dù vậy vẫn khó tránh những ý kiến khen, chê.
Vài ngày qua, ngay khi "giao diện" mới của di tích Chùa Cầu ra mắt du khách và người dân Hội An thì bắt đầu nổ ra nhiều tranh luận trái ngược.
Chuyện đẹp - xấu của Chùa Cầu Hội An trước và sau trùng tu được thảo luận sôi nổi
Trong một nhóm của du khách quốc tế chuyên khám phá Hội An, đa phần các ý kiến bày tỏ thất vọng vì hình ảnh Chùa Cầu sau trùng tu.
Trong khi đó ở các nhóm của người dân Hội An, Đà Nẵng… chuyện đẹp - xấu của Chùa Cầu trước và sau trùng tu cũng được thảo luận sôi nổi.
Thời gian sẽ "pha màu" cho di tích Chùa Cầu
Nhiều người am hiểu về di tích này cho rằng với một "cụ di tích" như Chùa Cầu, trong điều kiện gần như nhiều cấu kiện gỗ, trụ móng… đã nhão rữa vì thời gian dài không được sửa sang thì việc đưa trở lại được như hiện tại là nỗ lực lớn.
"Chúng tôi qua lại Chùa Cầu hằng ngày nên biết rất rõ mức độ hư hại của di tích. Mỗi lần đi là mỗi lần run, có cảm giác như di tích sắp sập tới nơi. Rất may là trùng tu kịp thời.
Đã trùng tu thì sẽ có cái cũ phải bỏ đi, có cái mới được thêm vào. Cái cũ và cái mới đan xen khiến chúng ta chưa quen mắt. Thời gian sẽ giúp di tích phai màu để hòa vào tổng thể không gian phố cổ" - một người Hội An nói.
Ông Quang Phú - một người ở Đà Nẵng - cho hay thường xuyên vào Hội An du lịch, gặp gỡ bạn bè. Với "giao diện" mới của Chùa Cầu, ông đánh giá cao các đơn vị trùng tu đã trả lại nguyên vẹn cây cầu cổ này.
Với màu sắc và một số chi tiết còn quá mới, màu sắc sáng hơn, ông Phú cho là điều bình thường, chỉ một thời gian ngắn sau thì hình ảnh Chùa Cầu cổ kính sẽ được trả lại nguyên trạng do ảnh hưởng của thời tiết, thời gian.
"Mới trùng tu xong thì màu sắc và chi tiết bao giờ cũng "trẻ", thời gian sẽ làm cho nó "già" lại. Đây là chuyện bình thường mà tôi đã gặp không chỉ ở di tích Hội An mà cả ở Huế, Hà Nội... Chúng ta hay nói di tích nhuốm màu thời gian mà", ông Phú nói.
Ngược lại cũng có một số ý kiến cho rằng Chùa Cầu phiên bản sau trùng tu giống "anh Chùa Cầu" hơn là "cụ Chùa Cầu" như lâu nay.
Các chi tiết được thay thế mới tạo cảm giác không ăn khớp; màu vôi, ngói, tường lẫn cấu kiện được làm mới quá dày khiến di tích mất ít nhiều sự hoài cổ.
Chùa Cầu sau trùng tu trông "trẻ quá"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số chuyên gia hiểu biết về di sản Hội An cho rằng cần phải chờ đợi để đánh giá mức độ thành công của dự án trùng tu Chùa Cầu. Tuy nhiên dễ nhận thấy hình ảnh Chùa Cầu hiện nay khá "lạc" so với phiên bản cũ.
"Tôi thấy phần cấu kiện gỗ bên trong ổn, xử lý tốt. Nhưng cái mà du khách quan tâm lại là mặt ngoài của Chùa Cầu. Di tích vừa trùng tu xong nhìn rất "trẻ", chứ không giống "cụ ông" như vốn có.
Hoàn toàn có thể xử lý kỹ thuật pha trộn vật liệu để làm công trình mang màu cũ, thực tế trong quá khứ cũng có những phiên bản Chùa Cầu làm giả nhưng y như thật. Họ pha màu rất tốt, đứng ở xa nhìn không thể phân biệt đâu là Chùa Cầu mô hình, đâu là Chùa Cầu thật.
Với dự án trùng tu lần này thì đơn vị trùng tu đã rất nỗ lực, nhưng thẳng thắn nhận xét ban đầu thì chưa đẹp, chưa có hồn.
Nếu nói phải chờ 3-4 năm để công trình xuống màu thì không ổn, trùng tu phải tiệm cận cái cũ thì mới đạt. Nếu cho điểm thì tôi chỉ đề xuất 6/10 điểm" - ông Nguyễn Đức Minh, nguyên phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nói.
Trong khi đó, ông Trần Phước Thảo, người dân đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hội An), nói rằng bất cứ công trình nào ở Hội An khi trùng tu, làm mới cũng cần có thời gian để đồng bộ.
"Nhà giả cổ, rồi cả dãy phố bên kia sông Hoài ngày xưa cũng đâu phải phố cổ. Nhưng làm theo khuôn mẫu, trải qua quá trình sử dụng thì tất cả nhuốm màu thời gian và trông không khác gì di sản mấy trăm năm. Tôi nghĩ chúng ta cần kiên nhẫn để chờ đợi" - ông Thảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận