Tờ tiền mới có mệnh giá 75.000 rupiah (trái) và hình đứa trẻ bị nghi mặc trang phục Trung Quốc (khoanh đỏ) - Ảnh chụp màn hình SCMP/Facebook
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 20-8 đăng câu chuyện Indonesia phát hành một tờ tiền mới gây nhiều tranh cãi, khi nước này vừa qua kỷ niệm 75 năm quốc khánh. Tờ tiền này in hình những đứa trẻ mặc trang phục truyền thống nhưng lại nghi có "yếu tố Trung Quốc".
Cụ thể, Ngân hàng trung ương Indonesia đã cho ra mắt tờ 75.000 rupiah mới (tương đương 5 USD) trong tháng này để kỷ niệm 75 năm độc lập. Tờ tiền được kỳ vọng sẽ cho thấy sự đa dạng văn hóa của xứ sở vạn đảo.
Tờ tiền mới cho thấy 9 đứa trẻ đến từ 9 trong số 34 tỉnh của Indonesia đang mặc trang phục truyền thống.
Tuy nhiên có một đứa trẻ - mặc trang phục của người Tidung ở tỉnh Bắc Kalimantan, giáp biên giới Malaysia - bị người dùng mạng xã hội Facebook và Twitter nghi là thật sự đang mặc trang phục truyền thống Trung Quốc.
Một người Indonesia viết trên Twitter: "Điều đó chứng minh Indonesia là thuộc địa của Trung Quốc". Một người dùng khác còn hỏi bao lâu nữa thì các tờ tiền giấy của Indonesia sẽ in hình múa lân và các vị thần ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, có người đã phản bác nghi vấn trên. Một trong số họ nói rằng những ai tin vào các thông tin lan truyền trên đều "mù văn hóa Indonesia". Một người khác hỏi rằng phải chăng người Indonesia ít hiểu biết về các trang phục truyền thống của chính đất nước họ.
Mặt trước và mặt sau của tờ tiền mới 75.000 rupiah. Tờ tiền được ngân hàng trung ương Indonesia phát hành trong tháng 8 này để kỷ niệm 75 năm quốc khánh - Ảnh: Jakarta Post/Bank Indonesia
Đầu tuần này, Marlison Hakim, người đứng đầu bộ phận quản lý tiền tệ của Ngân hàng Indonesia (ngân hàng trung ương của Indonesia), cho biết việc in hình những đứa trẻ như trên là để "nhấn mạnh sự đa dạng - một tài sản của đất nước Indonesia", khi mà 9 tỉnh trên đã không được đưa lên các tờ tiền giấy trước đây.
Sau vụ việc gây tranh cãi về trang phục của đứa trẻ in trên tờ tiền, kênh truyền hình địa phương Kompas TV đã phát một cuộc phỏng vấn với một học sinh. Học sinh này cho biết đã mặc trang phục truyền thống của người Tidung và cảm thấy vui vì bức ảnh của cậu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Theo SCMP, vụ việc trên là trường hợp mới nhất về các tin tức giả trên mạng nhằm gây ra căng thẳng tôn giáo và sắc tộc ở quốc gia 270 triệu dân với phần đông theo Hồi giáo này.
Aribowo Sasmito, người đứng đầu đội "kiểm tra sự thật" tại tổ chức Mafindo ở Indonesia, nói rằng các tin giả có liên quan tới các "yếu tố Trung Quốc" sẽ luôn nhận được sự quan tâm vì có một số người "rất thích" lan truyền những thông tin như vậy nhắm vào người Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận