* Ths.NGƯT Cao Đức Hòa (hiệu trưởng Trường thực nghiệm giáo dục phổ thông tỉnh Tây Ninh giai đoạn 1989-2016):
Phụ huynh có than phiền gì đâu!
Ngay từ lúc tôi về Trường thực nghiệm giáo dục phổ thông tỉnh Tây Ninh (năm 1989) nơi đây đã giảng dạy rồi. Hiện nay, 100% học sinh của trường từ lớp 1 đến lớp 9 đều học .
Bản thân tôi đã có trải nghiệm và gắn bó với CNGD hơn 20 năm, tôi thấy học sinh tiếp nhận chương trình nhẹ nhàng, dạy đến đâu học sinh nắm đến đó. Hai con của tôi cũng học chương trình CNGD và học rất tốt. Hơn 20 năm làm hiệu trưởng, tôi chưa thấy phụ huynh nào than phiền về chương trình này cả.
Không những thế, tôi còn có thể khẳng định rằng: Trường thực nghiệm giáo dục phổ thông tỉnh Tây Ninh tạo được uy tín đối với phụ huynh phần lớn là nhờ chương trình CNGD. Bởi quan điểm dạy học của chương trình là lấy học sinh làm trung tâm, quan hệ giữa thầy và trò là "thầy thiết kế - trò thi công", quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội là quan hệ phối hợp chứ không làm thay nhau.
Khẩu hiệu "Đi học là hạnh phúc", "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" cũng xuất phát từ chương trình CNGD. Học sinh chưa biết chữ vào học CNGD chắc chắn sẽ đọc thông, viết thạo.
Dĩ nhiên, không có chương trình nào là toàn mỹ, CNGD cũng có nhược điểm nhưng đó không phải vấn đề lớn. Tôi cho rằng nhược điểm lớn nhất của CNGD là giáo viên phải được tập huấn rất kỹ càng, hằng năm đều phải bồi dưỡng thêm. Nếu không, người thầy giáo rất khó chuyển tải đúng và đủ hết tinh thần của CNGD.
* Ths Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Khác biệt nhưng tiến bộ
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với chương trình CNGD vào khoảng năm 1992-1993 - lúc đó tôi là trưởng bộ môn tiếng Việt của Trường trung học Sư phạm TP.HCM. Được tiếp xúc là do ông Nguyễn Kế Hào, Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Toàn - cán bộ Trung tâm CNGD (GS Hồ Ngọc Đại làm giám đốc trung tâm) - đến Trường trung học Sư phạm TP.HCM giới thiệu về chương trình.
Khi mới tiếp xúc với chương trình, tôi hơi khó chịu bởi nó khác hẳn về kinh nghiệm, thói quen, truyền thống... giảng dạy và học tập môn tiếng Việt từ trước đến nay.
Tuy nhiên, với tinh thần trao đổi - học tập - nghiên cứu, tôi đã đề xuất với hiệu trưởng Trường trung học Sư phạm TP.HCM lúc ấy là ông Ngô Ngọc Bửu để làm hội thảo về chương trình CNGD. Đa số các ý kiến lúc ấy đều thừa nhận: chương trình CNGD có nhiều điểm tích cực.
Những phụ huynh có con học CNGD có thể rất khó chịu trong một tháng đầu tiên, nhưng sau đó thì rất nhẹ nhàng, học sinh học hết lớp 1 là đọc thông viết thạo và không bị quên trong 3 tháng hè.
Chương trình CNGD còn có vai trò rất lớn trong việc yêu cầu học sinh chấm tọa độ để viết. Phương pháp này làm cho học sinh viết rành rẽ và rất hiệu quả trong việc viết đúng và viết đẹp.
Giai đoạn 1995-2000, rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM dạy CNGD cho học sinh lớp 1 (trừ quận 10 chỉ có 1 trường thực hiện). Trong đó có nhiều quận 100% trường tiểu học thực hiện như quận 6, Gò Vấp... 5 trường tiểu học dạy CNGD từ lớp 1 đến lớp 5 như Trường tiểu học Văn Hiến - Q.1 (bây giờ là Trường tiểu học Lê Ngọc Hân), Trường tiểu học Lương Định Của - Q.3, Trường tiểu học Nguyễn Huệ - Q.6...
Những trường có dạy CNGD thời điểm đó muốn xin một suất học vào không dễ vì phụ huynh rất tín nhiệm.
Đến năm 2000, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là giảng dạy thống nhất một chương trình là chương trình tiểu học năm 2000 nên các trường tiểu học ở TP.HCM không dạy CNGD nữa. Nhưng phải thừa nhận một điều: chương trình CNGD có rất nhiều tiến bộ.
Bộ GD-ĐT: một phương án để địa phương lựa chọn
Ngày 8-9, sau gần một tháng Tiếng Việt CNGD gây xôn xao, đại diện Bộ GD-ĐT đã bày tỏ quan điểm về việc này.
Ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết:
- Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.
- Từ năm học 2008-2009, đến năm học 2016-2017, căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn tiếng Việt ở lớp 1 tại Trường thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học tiếng Việt lớp 1 CNGD.
- Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học giáo dục VN nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu trên và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (GS.TS Trần Công Phong, viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, chủ trì).
Trong báo cáo, Viện Khoa học giáo dục VN đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức hội đồng thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
- Trong năm 2017 và 2018, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu trên. Sau 2 vòng thẩm định, hội đồng thẩm định đã đánh giá: tài liệu này về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Tài liệu đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của hội đồng thẩm định.
"Tài liệu Tiếng Việt 1 CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số" - ông Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Một số ý kiến phản đối về cách đánh vần của học sinh lớp 1 công nghệ giáo dục
Phản đối những gì, vì sao?
Những ngày qua từ mạng xã hội đến từng câu chuyện trò thường nhật, rất nhiều ý kiến trái chiều về Tiếng Việt CNGD. Ở phía phản đối, thậm chí có người cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần lên tiếng, dẹp bỏ chương trình này vì nguy hiểm cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên có thể nhìn thấy những lý do phản đối là do:
- Nhầm lẫn giữa cách dạy tiếng Việt và "cải tiến chữ viết". Cách đánh vần được cho "không giống ai" và không giống với cách người lớn từng được học.
- Nghĩ chữ viết của GS Đại là những khối vuông, tròn, tam giác.
- Nghi ngờ có "nhóm lợi ích" trong việc đưa sách CNGD vào các tỉnh.
- Các ngữ hàm ý khó hiểu, thậm chí gián tiếp dạy trẻ con mánh khóe, láu cá, lưu manh không?
- Con học theo phương pháp lạ nên cha mẹ không hiểu và không thể dạy con được.
Tại cuộc giao lưu ngày 8-9, GS Hồ Ngọc Đại chỉ cho biết học sinh lớp 1 học ba cuốn Tiếng Việt 1, 2, 3 và cuốn vở tập viết. Ngoài ra có ba cuốn thiết kế Tiếng Việt 1, 2, 3 dành cho giáo viên. Giá các cuốn sách do Bộ Tài chính phê duyệt, các cuốn sách Tiếng Việt có giá từ 8.500 đồng đến 16.500 đồng.
Vấn đề ngữ liệu hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều và không có "trọng tài", nhưng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại đã được hội đồng khoa học của Bộ GD-ĐT thẩm định.
Bản chất giáo dục "Hồ Ngọc Đại"
Suốt 40 năm triển khai "Thực nghiệm" là 40 năm tranh cãi và thăng trầm. Người ủng hộ, người phản đối đều rất đông nhưng bản chất của vấn đề thì nhiều người vẫn hiểu nhầm.
1. Đánh vần là CNGD của Hồ Ngọc Đại?
Thật ra tác giả của phần đánh vần gây tranh cãi vừa qua là nhà giáo Phạm Toàn. Hai nhà giáo này cùng nhau xây dựng được hết chương trình Tiếng Việt 1 - CNGD thì chia tay nhau.
Nhà giáo Phạm Toàn sau này phát triển Cánh Buồm cũng dựa trên các lý thuyết về ngữ âm mà chính ông là tác giả trước đây.
2. Cách học của CNGD là cách học Xô viết?
Thực tế trường thực nghiệm đầu tiên trên thế giới là do John Dewey, cha đẻ của giáo dục hiện đại, mở năm 1896 tại Chicago, Hoa Kỳ. Nền tảng của phương pháp giáo dục này dựa trên tâm lý học và ngày nay được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Một số nhà tâm lý học giáo dục cấp tiến đã đưa về Liên Xô, trong đó có thầy giáo của GS Hồ Ngọc Đại.
3. Chương trình CNGD là quá cấp tiến, không phù hợp với giáo dục Việt Nam?
Thực tế, triết lý căn bản của CNGD đã có từ trên 100 năm và ngày nay đã trở thành thông dụng. Gốc rễ của phương pháp chính là Học tập kiến tạo (Constructivism).
Học tập kiến tạo cho rằng người học sẽ tự hình thành kiến thức dựa trên các trải nghiệm và suy luận chứ không do thầy cô rót vào đầu.
Do đó, phương pháp học tập này cổ vũ việc thảo luận, tranh biện. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ hơn là việc giải các bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi.
4. Chỉ có các trường dạy theo CNGD mới áp dụng phương pháp này?
Thực tế các trường quốc tế ở Việt Nam đã áp dụng từ lâu. Một số trường cũng đã thực hành phương pháp này cho dù không nói ra như Trường Đinh Thiện Lý, Việt Úc (TP.HCM), Trường Gateway, Olympia (Hà Nội). Ngoài ra còn có nhiều trường chuyên ở các tỉnh như Lào Cai, Tây Ninh cũng khá thành công với CNGD.
Trích từ Facebook TS Đàm Quang Minh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận