24/01/2019 19:44 GMT+7

Tranh cãi về hóa chất florua trong hệ thống lọc nước chạy thận

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
VŨ TUẤN - DANH TRỌNG

TTO - Tại phiên tranh tụng chiều 24-1, luật sư bào chữa cho giám đốc Công ty Dược phẩm Thiên Sơn, cho biết ông nghi ngờ có người bỏ hóa chất Florua vào hệ thống lọc nước chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát phản bác điều này.


Tranh cãi về hóa chất florua trong hệ thống lọc nước chạy thận - Ảnh 1.

Luật sư Phạm Quang Hưng - Ảnh: DANH TRỌNG

Cụ thể, luật sư Phạm Quang Hưng, người bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn, viện dẫn kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định nguyên nhân gây tử vong là do ngộ độc florua.

Trong khi đó, kết luận điều tra và kết luận tại Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình lại khẳng định nguyên nhân gây chết người đối với các bệnh nhân chạy thận là do tồn dư Axit Flohydric (HF).

Theo luật sư, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã làm rõ bị cáo Bùi Mạnh Quốc sử dụng 3 loại hóa chất trong quá trình sục rửa gồm: Axit Flohydric (HF), Axit Clohydric (HCL) và Javen. Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình và kết luận của cáo trạng, theo luật sư Hưng, là "không hợp lý" khi chỉ có HF.

"Việc xác định Quốc sử dụng 3 hóa chất HF, HCL, và Javen, nhưng lại khẳng định chỉ tồn dư HF là nguyên nhân gây tử vong là không phù hợp với kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, không đảm bảo về việc kiểm tra đánh giá chứng cứ theo Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015", luật sư Hưng nói.

Cơ quan giám định cũng kết luận giám định đối với 19 quả lọc thận với những hàm lượng Florua khác nhau. Đây là nguồn chứng cứ đã được giám định, luật sư Hưng đặt nghi vấn tại sao lại có Florua ở vị trí cổng dịch.

Luật sư Hưng nghi ngờ có người “bỏ” hóa chất Florua vào hệ thống Ro số 2.

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, vấn đề mấu chốt của vụ án này là cần làm rõ hóa chất Florua tìm thấy trong cơ thể các nạn nhân do đâu mà có, ai đưa vào, vô tình hay cố ý. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố và đang xét xử đối với bị cáo không sử dụng Florour.” 

Theo luật sư này, đây chính là nguyên nhân mà ông đề nghị HĐXX phiên tòa ngày 19-1 cho ông được giao nộp “chứng cứ bí mật” vì xuyên suốt quá trình điều tra, Viện Kiểm sát vẫn khẳng định nguyên nhân gây chết người là “nước ở tank RO số 2 vẫn còn tồn dư Axit Flohydric (HF) được truyền đến hệ thống đường nước nối với 18 máy chạy thận”. 

“Tại sao Quốc sử dụng HF và HCL trong quá trình bảo dưỡng hệ thống RO số 2, Viện khoa học hình sự kết luận tử vong là do Florua, vậy mà Quốc vẫn bị bắt và các bị cáo khác vẫn bị khởi tố theo?” Luật sư Hưng đặt câu hỏi.

Ông Hưng suy luận: việc không tìm thấy HF và HCL trong quá trình giám định đã chứng minh rằng không còn tồn dư hai chất này tại hệ thống RO. “Liệu có đối tượng nào đó đã bỏ trực tiếp Florua vào gây tử vong, liệu cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có nhầm người không?” 

Luật sư Hưng cũng đặt vấn đề danh dự của ông, và những lập luận trên đã chứng minh vì sao trước đó nhiều người bảo ông “hâm” nên chỉ tập trung hỏi bị cáo Quốc về các can hóa chất được Quốc mang đến bệnh viện. 

Cũng theo luật sư Hưng, không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với thân chủ của ông là bị cáo Đỗ Anh Tuấn.

Theo quan điểm của luật sư Hưng, phải xác định ông Tuấn không có quan hệ gì với bệnh viện, với công ty Thiên Sơn. Quan hệ của ông Tuấn là cho thuê 5 máy chạy thận, chủ thể của hợp đồng đề rõ Công ty Thiên Sơn và bệnh viện, hoàn toàn không liên quan đến cá nhân ông Tuấn. 

Đối đáp lại quan điểm này, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng khẳng định: việc giải thích nguyên nhân cái chết là do ngộ độc florua là phù hợp với nguồn gốc chất HF mà bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã sử dụng. 

Bà Hằng phân tích: luật sư Hưng cho rằng nồng độ florua thu được tại các đầu quả lọc thận không đồng đều nhau nhưng Viện Kiểm sát cho rằng không đồng đều là phù hợp với thực tế. Việc này do rất nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là nồng độ florua ở hệ thống lọc nước RO có sự thay đổi khi vận hành. Thứ hai, lượng florua trong quả lọc không đồng đều nhau phụ thuộc cả vào độ dài của đường ống giữa các máy lọc của các bệnh nhân cắm kim truyền. Bệnh nhân cắm kim truyền có người truyền trước, người truyền sau. Khi truyền trước thì lượng nước, hoá chất vào trước nên có nồng độ cao hơn.

Bên cạnh đó, qua xét hỏi với ông Hoàng Công Tình và các bác sĩ chuyên gia, cơ quan công tố thấy rằng trong việc lọc thận có sử dụng chất dịch lọc. Khi đi vào quả lọc, nước sẽ hoà chung với dịch lọc nên nồng độ florua không thể đồng đều nhau. Có nghĩa nó phụ thuộc vào tỷ lệ trộn nước RO với dịch lọc.

"Do vậy, chúng tôi bác bỏ quan điểm nồng độ florua trong quả lọc phải tương đồng. Thực tế cho thấy, cơ quan giám định rất khách quan và tỷ lệ florua không đồng đều", bà Hằng nói.

Đối với nội dung: có sự bất thường về nồng độ florua giữa các máy chạy thận, máy số 2 và máy số 4 cùng một dòng nhưng máy số 2 lại không có florua và máy số 4 thì tỷ lệ lại cao, đại diện Viện Kiểm sát phản bác: "Trong biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng đã xác định được Đơn nguyên lọc máu có 19 máy, nhưng chỉ có 18 bệnh nhân vì 1 máy bị hỏng.

Đối chiếu với kết luận giám định, đề nghị HĐXX đối chiếu với biên bản làm việc tại bút lục số 707, cơ quan điều tra cũng đã làm việc với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình để xác định kết quả độ dẫn điện của các máy thì có khẳng định máy số 2 không có yêu cầu kiểm tra.

"Tôi đối chiếu với kết luận giám định thì tôi hình dung các quả lọc này tương ứng với số máy chạy thận. Và trong các quả lọc này thiếu hẳn quả lọc số 2, chiếc máy này cũng không có người chạy lọc thận. Đương nhiên, nước sẽ không được hút ra và mẫu nước thu được ở đầu máy này không có florua. Vì vậy tôi xác định lập luận mà luật sư Hưng đưa ra chưa có căn cứ". Kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng khẳng định.


Đại diện Viện Kiểm sát cũng phản bác quan điểm của luật sư cho rằng mẫu nước thu tại hệ thống nước RO thì nồng độ florua thấp hơn nồng độ trong cơ thể nạn nhân.

Cụ thể, bà Bùi Thị Thu Hằng nói: "Đề nghị luật sư Hưng nghiên cứu kỹ hồ sơ, trong đó thể hiện có 2 thời điểm thu mẫu.

Thời điểm thứ nhất là sau khi sự cố xảy ra, điều dưỡng Hằng và bị cáo Sơn có thu mẫu tại các đầu quả lọc. Sau đó, Phạm Danh Quang cũng thu mẫu và chỉ có mẫu số 2 và số 4. Đây là 4 mẫu được thu trước khi bị cáo Quốc cho sục rửa lại đường ống. 

Còn đối với mẫu mà luật sư viện dẫn là mẫu nước được lấy sau khi đã sục rửa rồi. Cơ quan điều tra tiếp cận hiện trường, lúc đó mới tiến hành lấy mẫu. Lúc đó, hệ thống RO đã được Quốc sục rửa lại nên nồng độ florua đã giảm rất nhiều".

Chứng cứ buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương có dấu hiệu bị chỉnh sửa

TTO - Đối đáp tại tòa, các luật sư bảo vệ cho bị cáo Hoàng Công Lương chỉ ra các dấu hiệu bị chỉnh sửa trong biên bản kiểm tra tình trạng máy. Đây là chứng cứ để Viện Kiểm sát cáo buộc Hoàng Công Lương biết tình trạng máy hỏng và nội dung sửa chữa.

VŨ TUẤN - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên