23/06/2015 10:03 GMT+7

​Tranh cãi về đề thi lạ

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TTO - Mấy ngày qua, nhiều ý kiến tranh cãi về việc nên hay không nên đưa quê quán của vận động viên Ánh Viên vào đề thi. Cũng không ít ý kiến đây là một đề thi thú vị.

Thí sinh chờ phụ huynh đón sau khi dự khảo sát năng lực tiếng Anh kỳ tuyển sinh lớp 6 vào trường Trần Đại Nghĩa, Q1, TP.HCM tại HĐT trường THPT Nguyễn Hữu Thọ Q.4, TP.HCM sáng 20-6

>>
>>

Nhiều phụ huynh có con thi khảo sát năng lực dành cho HS xét tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nêu băn khoăn, lo lắng vì đề thi lần này lạ và khó, khác hẳn cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 6 từ trước đến nay và cũng thoát ra khỏi dạng đề trắc nghiệm và tự luận đơn môn truyền thống. 

Trong khi đó, không ít ý kiến lại cho rằng đây là một đề thi thú vị và xứng đáng được sử dụng để “tuyển chọn nhân tài”.

Xen lẫn tiếng Anh và tiếng Việt

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố phần đề bài và đáp án của cuộc khảo sát lần này và nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh (vì trước đó thí sinh thi xong không được mang đề ra ngoài hội đồng thi). 

Đề có hai phần là trắc nghiệm và tự luận, mỗi phần có thời gian làm bài là 45 phút. Phần trắc nghiệm có 30 câu (60 điểm) và phần tự luận có 10 câu (40 điểm). 

Trong đó, câu hỏi nhỏ liên quan đến Ánh Viên chỉ chiếm 1 điểm của phần tự luận và là một trong bốn dữ kiện về lịch sử, xã hội để điền vào bốn ô chữ hàng ngang, đồng thời tạo thành ô chữ hàng dọc là tên một con vật bằng tiếng Anh.

Cụ thể, câu hỏi liên quan đến Ánh Viên là: “Nguyễn Thị Ánh Viên là nữ vận động viên bơi lội xuất sắc của Việt Nam. Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á tháng 6 năm 2015 (SEA Games 28) ở Singapore, chị đã đoạt 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng và phá 8 kỷ lục SEA Games. Quê hương của chị Ánh Viên là một thành phố ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, có tên gọi dân gian là Tây Đô. Đó là thành phố …” (HS chọn 1 trong 4 đáp án).

Đề khảo sát lần này được thiết kế khá mới lạ với nhiều hình ảnh bổ trợ hoặc liên quan đến câu hỏi. HS phải dựa trên những hình ảnh này để làm bài. 

Ngoài các câu hỏi yêu cầu tính toán, đề còn có các dạng bài tìm điểm khác nhau giữa hình ảnh, phân tích hình ảnh, điền từ thích hợp, tìm từ không phù hợp, tìm chi tiết sai. 

Điểm đặc biệt nhất của đề khảo sát là sự pha trộn cả tiếng Anh và tiếng Việt trong cùng một câu hỏi. 

Ví dụ ở câu số 1 của phần tự luận, phần yêu cầu của đề được viết bằng tiếng Anh nhưng nội dung tác phẩm mà HS phải điền từ là một bài thơ tiếng Việt.

Lại có những câu hỏi bằng tiếng Anh sử dụng nhiều từ khó thì được mở ngoặc chú thích nghĩa tiếng Việt, nhưng phần trả lời vẫn đòi hỏi bằng tiếng Anh. 

Rất nhiều câu xen kẽ cả hai ngôn ngữ Anh và Việt. Trong 40 câu hỏi của đề thi, có hai câu trích dẫn hai đoạn của hai bài báo đăng trên Tuổi Trẻ (về đề tài hút Shisha và câu chuyện tỷ phú Hồng Kong viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho hoạt động từ thiện) và đặt câu hỏi cho HS dựa trên những dữ kiện của đoạn trích.

Băn khoăn học một đằng, thi một nẻo

Nội dung các câu hỏi của đề khảo sát khá phong phú, ngoài các câu hỏi liên quan đến toán, lý, hóa, còn có các mảng nội dung khác như lịch sử, địa lý, khoa học, xã hội, thể thao, sức khỏe, ẩm thực… 

Một số câu hỏi tích hợp nhiều mảng kiến thức khác nhau. HS phải sử dụng nhiều kỹ năng như dịch, tính toán, suy luận, phán đoán để giải những câu hỏi khó nhằn này.

Nhận xét về đề thi, chị Ngọc Nga, một phụ huynh tại quận 5, TP.HCM, cho rằng: “Tôi làm trong ngành giáo dục nhưng cũng khá bất ngờ với đề thi này. Với dạng đề thi này thì đứa bé phải thực sự giỏi và thông minh, linh hoạt và hiểu biết rộng về tất cảcác lĩnh vực đời sống, xã hội chứ không chỉ là kiến thức toán, tiếng Việt.

Có những câu khá thú vị như câu bằng tiếng Anh: Following is an English proverb: When you eat a fruit, think of the man who planted the tree. What is the equivalent Vietnamese proverb to the above-mentioned English one? (Sau đây là một câu tục ngữ tiếng Anh: khi bạn ăn trái cây, hãy nghĩ về người đã trồng cái cây. Trong tiếng Việt có câu tục ngữ nào tương tự?).

Hay yêu cầu giải ô chữ và gợi ý từ hàng dọc. Đề làm khó HS ở chỗ vừa xen tiếng Anh vừa xen tiếng Việt trong cùng một câu, dễ nhầm lẫn yêu cầu của đề. Và dạng đề tích hợp liên môn này còn khá lạ với đa phần HS. Đặc biệt là các cháu phải đọc hiểu tiếng Anh tốt thì mới có thể hoàn thành trọn vẹn bài thi được”. 

Trên mạng xã hội, phụ huynh Công Huy có con học lớp 5 chia sẻ: “Đọc cái đề mà giật mình. Với đề này người lớn làm trong 90 phút chưa chắc đã xong. Tốt nhất là đề tiếng Anh riêng, tiếng Việt riêng cho đỡ rối. Tôi tán thành việc thay đổi cách thi cử và đề thi, nhưng bên cạnh đó cũng cần thay đổi cách học hành, giảng dạy. Nếu đề thi thiên về kiến thức xã hội trong khi trường học chỉ dạy làm toán và bài tập, không có thời gian cho kỹ năng sống hay các hoạt động xã hội, thì xem như các em học một đằng, thi một nẻo”. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có khá nhiều ý kiến tán đồng hình thức khảo sát này và cho rằng đề phải lạ và khó vì đây là cách để tìm ra những HS xứng đáng vào trường chuyên, nhất là khi tỷ lệ chọi khá cao. 

Trường chuyên Trần Đại Nghĩa là trường duy nhất ở TP.HCM được tổ chức khảo sát năng lực để xét tuyển học sinh lớp 6 sau khi Bộ GD-ĐT quy định không tổ chức thi tuyển lớp 6 dưới mọi hình thức. 

Chỉ tiêu vào lớp 6 của trường là 600 HS trong khi số thí sinh đăng ký xét tuyển là hơn 4.000 em. 

Chính vì vậy kỳ khảo sát lần này tạo được sự quan tâm không nhỏ của phụ huynh TP.HCM và đề thi cũng được bàn tán khá sôi nổi suốt nhiều ngày qua.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên