26/07/2013 08:07 GMT+7

Tranh cãi quyền công bố "bún phát sáng"

NHƯ BÌNH - LÊ THANH HÀ
NHƯ BÌNH - LÊ THANH HÀ

TT - Sáng 25-7, Sở Công thương TP.HCM phối hợp với Sở Y tế tổ chức cuộc họp nhằm làm sáng tỏ những thông tin về bún, bánh canh... nhiễm chất làm trắng huỳnh quang (tinopal).

Cuộc họp chưa đưa ra một kết luận nào nhưng lại bàn luận khá căng thẳng xung quanh việc lấy mẫu và công bố thông tin sản phẩm độc hại.

uwxstyLc.jpgPhóng to
Bán bún ở chợ Xóm Củi, P.11, Q.8, TP.HCM (ảnh chụp sáng 25-7)- Ảnh: Nguyễn Công Thành

“Nhân vật chính” - đơn vị công bố các thông tin liên quan là Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN - lại không có mặt trong cuộc họp này. Đại diện của hội cho biết Sở Công thương không gọi điện thoại và cũng không có thư mời hội đến tham dự.

Sở Công thương biết có vụ “bún phát sáng”

Bộ Y tế yêu cầu công khai các vi phạm

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung vừa có văn bản gửi chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh thành và văn bản gửi riêng Sở Y tế TP.HCM. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế TP.HCM tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm bún, bánh phở, bánh canh tươi, đặc biệt là sản phẩm của các cơ sở lớn, đầu mối cung cấp cho TP, công khai các vi phạm phát hiện được để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các chi cục an toàn thực phẩm địa phương lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm bún, bánh phở, bánh canh để đánh giá việc sử dụng phụ gia trái phép, báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 30-8. Riêng TP.HCM, Bộ Y tế yêu cầu báo cáo kết quả kiểm soát an toàn thực phẩm trước ngày 10-8.

L.ANH

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết hồi đầu tháng 7-2012, ngay khi chi cục phát hiện các mẫu bún tươi có chất tinopal, đơn vị này đã chủ động thông báo ngay với các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Công thương.

Thông báo này đề nghị Sở Công thương triển khai một số nội dung như lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm khi có nghi ngờ, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm không an toàn, công bố kịp thời các trường hợp vi phạm...

Như vậy, không đợi đến khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng, những cảnh báo về chất tinopal đã được gửi đến Sở Công thương từ trước.

Tuy nhiên theo ông Hòa, các mẫu mà chi cục này phát hiện nhiễm tinopal chủ yếu tại các chợ nhỏ lẻ, chưa đủ cơ sở để đánh đồng tất cả các loại bún đều “bẩn”. Điều cần làm là Sở Công thương phải truy tận gốc các lò, các nơi sản xuất.

Theo bà Lê Ngọc Đào - phó giám đốc Sở Công thương, những ngày qua người dân rất hoang mang vì những thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm. Sở đã triển khai kiểm tra rất quyết liệt các cơ sở sản xuất từ lớn đến nhỏ.

Trong tuần tới, cùng với Sở Y tế TP.HCM, sở sẽ chủ trì buổi ký cam kết không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất thực phẩm với các cơ sở sản xuất bún, bánh phở, bánh canh... trên địa bàn TP.

Tại cuộc họp này, cơ quan quản lý cũng sẽ cập nhật kiến thức những tác hại của các chất phụ gia, tăng cường đạo đức trong kinh doanh, giúp người sản xuất ý thức được bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, ngày 5-7 sở đã có văn bản gửi Sở Công thương TP về việc tăng cường công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh bún tươi, hạt trân châu trên địa bàn TP.

Trong văn bản này, Sở Y tế nói rõ qua kết quả lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm đã phát hiện các mẫu bún tươi (7/7 mẫu) có chứa các chất tinopal, axit oxalic là các chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Điều này cho thấy Sở Công thương TP có biết bún tươi, hạt trân châu không an toàn trước khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN công bố kết quả giám sát (vào ngày 22-7).

Theo Luật an toàn thực phẩm, Sở Công thương có trách nhiệm trong vụ này, đại diện Sở Công thương nói trách nhiệm là của Sở Y tế là không đúng.

Quy trình lấy mẫu có đủ tính pháp lý?

Đề tài bàn luận sôi nổi nhất buổi họp là tính pháp lý của quy trình lấy mẫu và việc công bố thông tin mà Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng thực hiện vừa qua.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho rằng theo quy định của Bộ Y tế, người lấy mẫu phải có chứng chỉ lấy mẫu, dụng cụ lấy mẫu phải đảm bảo vô trùng, điều kiện bảo quản mẫu phải đúng. Nếu lấy mẫu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thì phải có biên bản và niêm phong mẫu.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân - phó giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Co.op, việc lấy mẫu để xét nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (CESCON) là chưa thuyết phục. “Tôi có thể không công nhận mẫu đã công bố là của tôi nếu chỉ dựa vào hóa đơn” - ông Nhân bức xúc. Đại diện siêu thị Big C còn cho biết trong thời điểm cơ quan của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng lấy mẫu thì các siêu thị cũng lấy mẫu và các mẫu này không nhiễm chất tinopal.

Ông Trần Vinh Nhung, phó giám đốc Sở Công thương, cho rằng việc CESCON công bố kết quả bún nhiễm tinopal cũng như tên các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này là không đúng luật. “Trung tâm này không có quyền công bố kết quả khảo sát khi chưa thông báo với cơ quan quản lý nhà nước” - ông Nhung nói.

Đứng về góc nhìn của người tiêu dùng, bà Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hội có quyền đi kiểm định những sản phẩm, hàng hóa có nghi ngờ. “Trong chức năng của hội, nếu cần kiểm nghiệm một sản phẩm nào, sẽ nhờ đơn vị có chức năng kiểm nghiệm đi nghiệm định. Nếu có kết quả sẽ gửi thông báo, kiến nghị cho cơ quan nhà nước xem xét. Trong trường hợp cơ quan quản lý bỏ qua thì hội có quyền đại diện cho người tiêu dùng công bố thông tin” - bà Thu nói.

“Điều tra độc lập, công bố đúng quy định”

Đó là khẳng định của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN. Ngày 25-7, đại diện hội này nhận thấy việc làm trắng các sản phẩm bún bằng tinopal là hành động gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nên hội đã giao CESCON (thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN) khảo sát chất làm trắng và hàn the trong một số loại thực phẩm tại thị trường TP.HCM.

Từ ngày 15 đến 25-6-2013, CESCON mua ngẫu nhiên 30 mẫu bún, bánh cuốn, bánh ướt, bánh hỏi, bánh phở, bánh canh tại các địa điểm kinh doanh là các siêu thị, các chợ và cửa hàng kinh doanh thực phẩm.

Các mẫu mua có hóa đơn và biên lai, được đánh số, lập phiếu khảo sát cho từng mẫu, sau đó gửi tới Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để thử nghiệm hàn the và kiểm tra sự hiện diện của tinopal bằng đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366nm.

Kết quả có 24/30 mẫu (80%) có chất tinopal, tỉ lệ này là rất cao và có ở hầu hết (5/6) loại thực phẩm được khảo sát. Đặc biệt, có 6/8 mẫu (75%) lấy tại siêu thị có chất tinopal.

Về chỉ tiêu hàn the, kết quả kiểm tra 100% mẫu đều không có. Từ kết quả này, CESCON đã quyết định công bố để các cơ quan quản lý nhanh chóng có những giải pháp tích cực để giải quyết một cách triệt để.

Đại diện của hội cho rằng khảo sát và công bố về chất tinopal trong thực phẩm là không chỉ đúng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn đúng theo thông lệ quốc tế.

Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hội có quyền lấy mẫu độc lập, không thông báo trước và không cần có sự chứng kiến của cơ sở kinh doanh hay bên thứ ba, vì hội phải tiến hành khảo sát như một người tiêu dùng bình thường. Nếu phải mời cơ sở, bên thứ ba ra chứng kiến, phải họp với cơ sở được lấy mẫu trước khi công bố thì đã biến hội thành cơ quan nhà nước.

Các luật sư nói gì?

Luật sư Nguyễn Sa Linh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết điều 28 Luật bảo vệ người tiêu dùng cho phép tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Như vậy, việc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN lấy mẫu bún để kiểm nghiệm và công bố kết quả kiểm nghiệm là đúng quy định của pháp luật. Việc lấy mẫu thực phẩm để khảo sát, thử nghiệm độc lập đối với chất lượng hàng hóa của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không phải là việc kiểm tra chất lượng hàng hóa của cơ quan nhà nước nên không bắt buộc phải tuân theo những trình tự, thủ tục quy định về việc kiểm tra, lấy mẫu hàng hóa của cơ quan nhà nước. Cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào những kết quả khảo sát, thử nghiệm của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN để tiến hành làm việc với cơ sở vi phạm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng nói Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN có quyền điều tra, thu thập, khảo sát thông tin nhằm cảnh báo, bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng thực phẩm. Tuy nhiên, khi công bố các kết quả kiểm nghiệm này, hội có thể phối hợp với cơ quan chức năng và các siêu thị bày bán các sản phẩm bún có độc tố thì sẽ chặt chẽ hơn. Việc công bố bún có độc chất là một thông tin nhạy cảm, không nên công bố chung chung, không có tên tuổi địa chỉ cơ sở sản xuất cụ thể vì có thể làm ảnh hưởng tới hàng triệu người dân và gây thiệt hại đến các cơ sở sản xuất bún đàng hoàng. Nếu sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN chuyển kết quả này đến cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các đơn vị vi phạm và phối hợp công bố cụ thể địa chỉ, tên tuổi của cơ sở sản xuất có vi phạm thì sẽ đạt hiệu quả hơn.

C.MAI ghi

NHƯ BÌNH - LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên