Hình ảnh "sợi đuôi tóc màu đỏ" xuất hiện sau lưng của tất cả các nữ diễn viên gợi lên nhiều suy nghĩ trong vở diễn - Ảnh: B.D
Ngay sau đêm công diễn đầu tiên vào cuối tháng 3 vừa qua, vở diễn Ký ức Hội An công chiếu tại cồn nổi Gami nằm giữa sông Hoài (TP.Hội An) đã nhận nhiều ý kiến phản ứng.
Rất nhiều người trực tiếp đi xem và đều nhận định rằng bối cảnh nghệ thuật của vở diễn hoàn toàn xa lạ và không sát với mục tiêu đặt ra.
Không chỉ vậy, nơi công diễn của Ký ức Hội An từng là một địa điểm gây phản ứng dữ dội của nhiều phía bởi dự án có nguy cơ "nhấn" phố cổ trong dàn âm thanh cực đại và ánh sáng sân khấu chương trình.
"Xa lạ và gượng ép"
Vở diễn Ký ức Hội An là một chương trình nghệ thuật biểu diễn được đầu tư kinh phí và có sự tham gia của đội ngũ biên đạo, diễn viên cũng như tư vấn nghệ thuật hùng hậu.
Chương trình sử dụng nghệ thuật múa đương đại, kết hợp với âm thanh ánh sáng để hứa hẹn đem đến cho người xem một Hội An xa xưa là hình ảnh một thương cảng sầm uất, nơi giao thoa văn hoá, điểm nối nước Việt vào con đường tơ lụa trên biển huyền thoại.
Các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc được kể qua hình ảnh người con gái giúp khán giả mường tượng và hình dung một Hội An xưa cũ.
Theo nhà văn Trần Kỳ Trung, nếu nói mục đích hướng đến của Ký ức Hội An là tái hiện lại chân thực cuộc sống sinh hoạt của cư dân Hội An cổ xưa thì vở diễn đã thất bại hoàn toàn bởi những hình ảnh thể hiện trong chương trình nghệ thuật là hoàn toàn xa lạ và sống sượng.
Theo ông Trung, vở diễn đã tái hiện một Hội An quá buồn tẻ và nghèo nàn, không sát với hình ảnh một thương cảng sầm uất đã từng tồn tại. Những chi tiết, trang phục, hành động của diễn viên làm khán giả mường tượng đến một xứ sở nào khác ngoài lãnh thổ VN chứ hoàn toàn đó chẳng phải là một Hội An gần gũi mà thân thương.
"Còn nhiều chi tiết lạ trong Ký ức Hội An tôi không thể miêu tả hết nhưng tôi có thể khẳng định rằng bối cảnh của vở diễn truyền đi một thông điệp về hình ảnh con người, văn hoá của một đất nước khác - nói đúng hơn là giống với Trung Hoa cổ đại và biểu đạt tư tưởng của Trung Hoa. Chỉ khi hình ảnh cuối cùng của vở diễn là một mô hình Chùa Cầu to gần bằng thật được kéo ra góc sân khấu cho mọi người chiêm ngưỡng thì tôi mới biết hoá ra họ đang tái hiện về… Hội An.
Nhà văn Trần Kỳ Trung
Poster giới thiệu về vở diễn thể hiện hình ảnh cô gái VN mặc áo dài nhưng nón sụp ngang mặt - Ảnh: B.D
Không chỉ ông Trần Kỳ Trung, sự phản ứng mạnh mẽ của những học giả, người dân yêu quý TP Hội An cũng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.
Thậm chí, cộng đồng còn kêu gọi… tẩy chay chương trình vì hai lí do: không đúng với bản chất thật của con người Hội An xưa; vở diễn là sự kế tiếp của một dự án nhiều tai tiếng phá vỡ không gian, môi trường tĩnh mịch vốn tồn tại như một tài sản vô giá được UNESCO hai lần vinh danh.
Chiều 3-4, khi được đề nghị nêu ý kiến về vở diễn ông Phùng Tấn Đông - người có nhiều nghiên cứu sâu về văn hoá Hội An bày tỏ sự bức xúc và khẳng định ông sẽ "tẩy chay" Ký ức Hội An tới cùng.
"Tôi chưa xem vở diễn nhưng nhìn cách họ quảng bá, nhìn poster giới thiệu về chương trình và những gì mà đội ngũ làm chương trình đã cư xử thì tôi hoàn toàn không có thiện cảm. Rất nhiều bạn bè tôi - đều là cư dân sống ở Hội An lâu đời sau khi đi xem về thì tỏ thái độ bực bội bởi vở diễn sống sượng và không thật" ông Đông nói và kể rằng trước khi vở diễn được chính thức mở màn, đơn vị tổ chức chương trình có cử một đoàn xuống để tham vấn ý kiến các chuyên gia văn hoá tại Hội An.
Thời điểm đó, ông Đông và một số cán bộ không hề biết những ý kiến của mình sẽ được đưa vào Ký ức Hội An. "Tôi thấy họ tới rất đông, toàn là người nói tiếng Trung Quốc, hoàn toàn không biết họ lấy thông tin để phục vụ cho vở diễn. Nếu biết thì chúng tôi sẽ không hợp tác" ông Đông nói.
Công trình xây dựng để phục vụ sân khấu cho Ký ức Hội An trên cồn nổi Gami - Ảnh: Việt Hùng.
Ông - nguyên bí thư Thành uỷ Hội An sau khi xem vở diễn thì nói rằng điều mà Ký ức Hội An đã "thể hiện được rất tốt" là sự đầu tư công phu, sự hoành tráng về quy mô của vở diễn.
Tuy nhiên, theo ông Sự nếu coi đây là yếu tố để đánh giá sự thành công thì sẽ rất phiến diện và không đầy đủ, đặc biệt khi vở diễn đề cập tới một nội dung rất khó là tái hiện lịch sử cuộc sống con người của Hội An xưa.
"Đành rằng nghệ thuật thì được biến tấu để phù hợp nhưng Ký ức Hội An là chương trình nghệ thuật có liên quan đến lịch sử. Bởi vậy cần sự cẩn trọng và am hiểu rất rõ, nếu không sẽ thất bại" - ông Sự nói và cho rằng với các đô thị khác, các chương trình nghệ thuật có thể được vinh danh ở quy mô, độ hoành tráng nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa với một đô thị cổ trăm năm như Hội An.
Hội An không cần những điều đó, cái người ta cần là ở chiều sâu, sự trầm lắng và hiểu biết, ý nhị chứ không phải mấy dàn đèn nhấp nháy, mấy trăm con người đi qua đi lại nhìn có vẻ hoành tráng...
Ông Nguyễn Sự
Từ khi công trình trên cồn nổi Gami xây dựng, đôi bờ sông Hoài đã xuất hiện nhiều điểm sụt lún. Ảnh: B.D
Ký ức Hội An có sân khấu biểu diễn đặt trên nền dự án Trung tâm hội nghị - Làng du lịch sinh thái Gami Hội An Công ty CP Đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An làm chủ đầu tư.
Dự án xây dựng trên 10ha ở trên cồn giữa sông Hội An. Từ khi dự án triển khai ngay lập tức đã bị nhiều cán bộ, người dân bức xúc, phản ảnh do ảnh hưởng đến dòng chảy sông, làm biến dạng cảnh quan, kiến trúc hai bên sông đô thị cổ Hội An, ảnh hưởng đến tình trạng sạt lở hai bên sông…
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBND TP Hội An Hội An cho biết, dự án này trước đây TP Hội An có đề nghị công trình nhà hát cao từ 16,5m phải hạ còn 13,5m để phù hợp cảnh quan hai bên sông Hội An và quy định kiến trúc đô thi cổ Hội An.
Sau đó chủ đầu tư cho rằng để làm nhà hát biểu diễn ngoài trời thì độ cao công trình không thể thấp hơn 13,5m. Kết cục cuối cùng thì vẫn như cũ, và đó là ý chí của UBND tỉnh Quảng Nam.
Tương tự, giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An cũng nói rằng khi có dự án xây dựng trên cồn Gami, các đơn vị đã phản đối quyết liệt nhưng ý kiến đó đã không được lắng nghe.
Sau một thời gian đi vào xây dựng, đưa sân khấu vào hoat động nhiều người dân sống hai bên bờ sông Hoài đã bày tỏ bức xúc vì âm thanh, tiếng ồn từ cồn Gami phát ra ảnh hưởng đến đời sống người dân, phá vỡ không gian phố cổ.
Không chỉ vậy, hệ thống kè cứng hai bên bờ sông Hoài đã có nhiều đoạn bị sập xuống nghi do tác động từ công trình trên cồn Gami.
Công trình xây dựng để phục vụ sân khấu cho Ký ức Hội An trên cồn nổi Gami - Ảnh: Việt Hùng
Phục vụ quần chúng chứ đâu phục vụ 'nhóm người nghiên cứu'?
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng nội dung, thông điệp của Ký ức Hội An có vấn đề và đề nghị có giải pháp chấn chỉnh thì lãnh đạo TP Hội An lại cho rằng "không có vấn đề gì".
Ông Nguyễn Văn Sơn - phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết kịch bản vở diễn Ký ức Hội An do các đơn vị phụ trách, TP Hội An không tham gia. Về góc độ cá nhân, ông Sơn nói rằng nghệ thuật hay tác phẩm nghệ thuận phải có tính hư cấu chứ không nên bắt ép làm đúng y lịch sử.
"Tôi cho rằng phải ghi nhận đây là một sân khấu ngoài trời lớn nhất VN hàng nghìn chỗ ngồi và vở diễn làm tăng thêm sân chơi nghệ thuật, giải trí cho du khách, người dân ở Hội An. Đây là vấn đề cần thiết bởi Hội An hiện thiếu những sản phẩm để thu hút du khách.
Trong điều kiện ít ai chịu đầu tư cho nghệ thuật thì họ làm như vậy là rất dũng cảm, chỉ việc trả lương cho 500 diễn viên hơn 3 tỉ đồng mỗi tháng cũng mệt rồi. Vở diễn là kỳ công, đáp ứng được việc phục vụ công chúng. Nó phục vụ cho quảng đại quần chúng chứ đâu phải phục vụ cho một nhóm người nghiên cứu gì đâu mà mình khắt khe" ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Tôn Thất Hướng - trưởng Phòng quản lý văn hóa Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, kịch bản vở diễn Ký ức Hội An do Sở Văn hóa, thể thao TP Hà Nội phê duyệt nên Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam chỉ có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện theo kịch bản có đúng không.
Trước khi công diễn, ban tổ chức cũng đã mời hội đồng tư vấn chuyên môn quy tụ gần 20 chuyên gia có tiếng tầm quốc gia trong giới sử học, kiến trúc, âm nhạc, nhà văn, nhà biên đạo, nhà thiết kế trang phục cho ý kiến.
Công trình xây dựng để phục vụ sân khấu cho Ký ức Hội An trên cồn nổi Gami - Ảnh: Việt Hùng
Cái dây đỏ sau đuôi nón là cái dây gì?
Nhà văn Trần Kỳ Trung cho biết một chi tiết mà ông không thể tự trả lời được, và nhiều người cũng thắc mắc khi xem hình ảnh tất cả các diễn viên nữ trong vở diễn đều đội nón sụp ngang giữa khuôn mặt, che khuất ánh mắt, phía sau nón các diễn viên này có… sợi dây màu đỏ phết dài xuống dưới lưng.
"Nhìn những hình ảnh đó tôi lại nghĩ trang phục mái tóc của người thời nhà Thanh ở Trung Quốc thì đúng hơn. Có cháu nhỏ ngồi bên tôi lúc xem vở diễn cũng hỏi sao cô gái VN lại có cái dây đó dưới nón hả chú, tôi cứng họng không biết giải thích làm sao.
Hình ảnh thiếu nữ VN mặc áo dài luôn sáng rạng nụ cười, nhưng diễn viên Ký ức Hội An thì lại che nửa mặt giống như nữ diễn viên chính trong phim… Thập diện mai phục. Tôi không đủ kiến thức để có thể liên hệ với hình ảnh nào của Hội An ở đó" ông Trung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận