Đi giữa trời rực rỡ do SK Pictures sản xuất, dự kiến có hơn 100 tập, phát trên VTV3 từ 31-7.
Trên fanpage, SK Pictures giới thiệu "không chỉ khai thác các vấn đề thời đại, phim còn được thổi hồn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước kết hợp cùng những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao".
Phim Đi giữa trời rực rỡ "xúc phạm người Dao"?
Bà Dương Thị Thanh - cộng tác viên của Viện nghiên cứu người Dao quốc tế, thuộc Đại học Kanagawa, Nhật Bản - kể với Tuổi Trẻ rằng bà xem được hai tập phải bỏ vì có nhiều sai lệch về văn hóa.
Bà ví dụ người Dao rất chú ý trong vấn đề trang phục. Người Dao chỉ mặc lễ phục trong những dịp đặc biệt như ma chay, cưới hỏi hoặc các nghi lễ đời người. Không ai mặc khi đi chăn trâu như nhân vật Pu trong phim cả.
"Việc sử dụng lễ phục Dao đỏ trong phim làm khán giả hiểu lầm về trang phục và văn hóa của người Dao, gây phản cảm trong cộng đồng" - TS dân tộc học Bàn Tuấn Năng, trưởng ban đại diện nhóm Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc, hỏi "người Kinh bây giờ có mặc áo dài khi đi chăn trâu không?".
Trước đó, ông Năng nhận nhiều thắc mắc của bà con người Dao về trang phục trong phim nên ông mới xem thử xem sao.
"Nhưng mới lướt qua đã thấy nhiều vấn đề cần trao đổi, không chỉ trang phục mà còn đụng chạm tới điều cấm kỵ trong văn hóa của người Dao", ông kể.
Chiếc yếm liên quan truyền thuyết về việc thờ cúng của người Dao.
Cả ông Năng và bà Thanh đều cho rằng chi tiết nhân vật nam tên Chải mặc yếm của nữ là "xúc phạm không chỉ văn hóa mà còn xúc phạm cả tôn giáo của người Dao".
Truyền thuyết người Dao kể xưa kia phụ nữ được giao việc thờ cúng. Song một lần phụ nữ sinh con ngay gian giữa, làm bẩn khu thờ cúng.
Từ đó người Dao mới để nam cúng với điều kiện khi cúng đàn ông phải mặc áo phụ nữ với ý chỉ là làm thay phụ nữ. Cũng từ đó, phụ nữ không được ngồi gian giữa nhà nữa…
Trong phim, "nhân vật Chải mặc cái yếm đó suốt ngày và phim để cho người nữ ngồi ở gian giữa nhà, quay mông vào bàn thờ, đó là điều tối kỵ", bà Thanh nói.
"Đừng nghĩ khoác trang phục dân tộc thì hiểu họ"
Theo bà Thanh, "văn hóa tộc người không phải là một vấn đề hời hợt, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ càng".
Ông Năng nói: "Đoàn phim phải có sự tham vấn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu am hiểu văn hóa của dân tộc đó. Đừng nghĩ chỉ cần vài chữ "A lú, A lú" rồi khoác vào người trang phục dân tộc thì cứ nghĩ mình đã thạo về dân tộc họ. Không đúng đâu".
Bà Thanh lưu ý người Dao là một dân tộc tiến bộ và văn minh. Họ có chữ viết, giỏi về nghề thuốc, họ cũng có một cộng đồng kết nối rất mạnh trên thế giới.
"Đừng nghĩ họ lạc hậu rồi áp đặt điểm nhìn của mình để nhìn văn hóa của họ, thiếu tôn trọng văn hóa của họ", bà nói.
Hiện ông Năng và một số người trong cộng đồng đang soạn đơn kiến nghị gửi Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và một số cơ quan liên quan đến những sai lệch trong bộ phim.
"Mong rằng các nhà làm phim về miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số có cách tiếp cận kịch bản, nội dung cẩn trọng hơn ở những lần tiếp theo", ông chia sẻ.
Trong hai ngày 6 và 7-8, Tuổi Trẻ đã cố gắng liên hệ đạo diễn Đỗ Thanh Sơn (bằng điện thoại lẫn tin nhắn) để có thêm thông tin nhưng không được phản hồi. Còn phía SK Pictures nói "báo gửi công văn để SK Pictures có cơ sở để trả lời chính thức".
Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có phản hồi. Ông Bàn Tuấn Năng kể thêm khi ông bình luận góp ý tại fanpage của VTV Giải trí (đưa thông tin về phim Đi giữa trời rực rỡ), đạo diễn đã chủ động liên hệ hẹn gặp ông.
"Tôi rất cởi mở và hẹn gặp đạo diễn tại nhà riêng. Cuộc trao đổi kéo dài khoảng 120 phút. Đạo diễn có bày tỏ việc đã nhận ra một vài điểm sai trong phim, nhưng biện minh rằng mình chủ ý cho nam diễn viên đeo chiếc yếm nữ của mẹ vì nhớ mẹ. Tôi có trao đổi lại với đạo diễn rằng văn hóa người Dao có những cấm kỵ cần phải được tôn trọng", ông nói.
Kết thúc cuộc trao đổi, theo ông Năng, "ê kíp dù biết lỗi nhưng chưa đủ khả năng nhập tâm vào đời sống văn hóa Dao một cách nghiêm túc, họ vẫn bị chi phối bởi văn hóa của cộng đồng dân tộc đa số trong cách tiếp cận".
Cẩn trọng khi làm phim về đồng bào dân tộc thiểu số
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nói với Tuổi Trẻ: "Những người làm phim cần có kiến thức dân tộc học, về văn hóa của người Việt cũng như các tộc người thì làm mới chuẩn được".
Ông Đính nêu một số hiện tượng tồn tại trên các sản phẩm giải trí cũng như truyền thông về đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua như khai thác những yếu tố dị biệt để cường điệu nhằm mục đích giật gân, câu khách;
Thi vị hóa, làm đẹp hơn văn hóa của đồng bào hoặc xúc phạm, coi thường đồng bào; nhìn văn hóa của các dân tộc đó dưới góc độ của người làm phim, không phải người trong cuộc.
Hoặc lấy góc nhìn của người Kinh (tộc người đa số) làm chuẩn để so sánh, phán xét các yếu tố văn hóa của các tộc người thiểu số.
"Người ta hay mặc định những điều lên phim ảnh là thật nên việc phổ biến rộng rãi một sản phẩm giải trí phản ánh thiếu chính xác, thậm chí sai lệch về văn hóa rất nguy hiểm. Không chỉ làm mất dần bản sắc mà còn gây ly tán, nghi ngờ hoặc mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau", ông Đính nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận