Ca khúc Một vòng Việt Nam (do Tùng Dương thể hiện) phát hành hơn một năm trước nhưng bỗng bị "đào lại" bởi thảo luận của khán giả.
Đây cũng là ca khúc chủ đề mở đầu mỗi tập của chương trình 2 ngày 1 đêm mùa 3, hiện đang phát vào lúc 20h30 chủ nhật hằng tuần trên HTV7.
Ngoài Tùng Dương, nhiều ca sĩ khác cũng hát lại ca khúc này như Võ Hạ Trâm, Ngọc Mai, Dương Hoàng Yến, Trung Quân…
Người Việt da nâu, mắt đen?
Trong bài hát Một vòng Việt Nam, nhạc sĩ Đông Thiên Đức viết: "Người Việt Nam da nâu, mắt đen, thảo thơm bất khuất như cành sen".
"Tưởng người Việt Nam máu đỏ da vàng", "da nâu là mình gốc Phi rồi", "nói da nâu thì có mà loạn hết",… là các bình luận của khán giả dưới clip Một vòng Việt Nam trên kênh TikTok, YouTube. Một bình luận khác viết: "Khi nào người Việt Nam mình là người da nâu vậy?".
Ngoài "da nâu", một số người băn khoăn chữ "mắt đen" bởi lâu nay họ vẫn nghĩ người Việt Nam mắt nâu mới đúng.
Bên cạnh những ý kiến thắc mắc, cũng có nhiều khán giả cho "không nên câu nệ quá", "viết da nâu là đúng rồi", "da nâu là màu của đất, mẹ nuôi ta nên người, rất hay".
Theo một khán giả, thời chiến các cụ vất vả bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nên màu da nâu là miêu tả chính xác.
Thế hệ bây giờ cuộc sống tốt lên rồi nên thấy từ da nâu hơi lạ lẫm, da nâu hay còn gọi là da bánh mật, thế hệ 8X mình các bạn ở miền biển hay có nước da này"…
Một vòng Việt Nam là ca khúc chủ đề của chương trình 2 ngày 1 đêm mùa 3, qua sự thể hiện của Tùng Dương
Nhân chủng học người Việt ra sao?
Trong cuốn Văn minh người Việt của học giả Nguyễn Văn Huyên do Đỗ Trọng Quang dịch (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành, 2017), ở phần chương 1 - Chủng tộc Việt, trang 39 ghi: "Người Việt thuộc nòi giống da vàng nhưng nước da họ thẫm hơn người Trung Hoa".
Nhưng "thật ra, ta thấy họ có nhiều sắc độ khác nhau. Tùy theo giai tầng xã hội của con người, nước da họ có thể biến đổi từ màu sáng của thuốc lá đến màu trắng xỉn.
Màu da hay gặp nhất là màu vàng nhợt, màu đất hay màu da bò. Ở người thôn quê, ta thường thấy một màu vàng thẫm hơn, có thể thẫm đến như màu vàng nâu của dân Mã Lai", sách viết.
Tác giả nói thêm ở các gia đình quyền quý, "thanh niên, chủ yếu là các thiếu nữ có nước da trắng".
Trong khi đó, phụ nữ nông thôn hằng ngày làm lụng ngoài trời, "nước da có màu rám nắng, đẹp, rất được người Việt ưa chuộng. Họ gọi màu da đó là đen giòn"…
Trong Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh (Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm và Đông A phát hành, 2022), tại mục IV phần Thiên thứ nhất: Tự luận ở trang 30, tác giả viết:
"Xét tính chất người Việt Nam là giống ngắn đầu, mình thấp, chân tay nhỏ, mặt xương, lưỡng quyền cao, mắt đen và hơi xếch"…
Chương II Hình dáng trong cuốn Đất lề quê thói (Nhã Nam và Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành, 2020) của tác giả Nhất Thanh viết: "Nói theo kiểu nhân chủng học để phân biệt các giống người thì người Việt Nam là giống da vàng nhưng màu sắc vàng chỉ là mường tượng vậy thôi".
Theo ông, "đại đa số những người ở ven biển và những người phải làm lùng dầm mưa dãi nắng nhiều thì nước da ngăm ngăm pha màu nâu sẫm".
Phần này cũng ghi người Việt "mặt xương xương, gò má thường cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, mắt đen và rõ ràng, không lờ đờ".
Người Việt xưa - Ảnh tư liệu
Trích lại một số sử liệu do các học giả thời trước ghi lại để thấy câu chuyện nhân chủng học người Việt là một câu chuyện thú vị. Về làn da, mắt… của người Việt, những đặc điểm trên không đóng khung, mà được nhìn một cách cởi mở, đầy đủ.
Và trong lĩnh vực âm nhạc, thực ra, trước Đông Thiên Đức, một số nhạc sĩ đi trước cũng dùng chữ "da nâu" khi viết.
Chẳng hạn trong Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết: "Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ"…
Chưa kể, sáng tạo nghệ thuật là hành vi mang tính đặc thù, thể hiện quan điểm cũng như thẩm mỹ của tác giả. Há gì phải gò vào một hình dung tưởng tượng và bất biến?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận